ClockThứ Bảy, 15/10/2022 06:45

Thuận An - vùng đất ven biển mang bản sắc riêng

TTH - Cửa biển Thuận An xuất hiện trong lịch sử vào đầu thế kỷ XV, dưới triều nhà Hồ, với tên gọi là cửa Eo, các đời sau còn đổi thành nhiều tên khác. Dưới thời các chúa Nguyễn, Thuận An là thủy lộ chính của ba con sông Hương, Bồ và Ô Lâu qua phá Tam Giang để ra Biển Đông.

Cửa biển Thuận An có vai trò quan trọng trong quân sự, kinh tế lẫn môi trường

Thuận An ngày nay còn giữ được rất nhiều lễ hội, nét văn hóa độc đáo

Vào thế kỷ XVII -XVIII, đây là cửa ngõ vào thủ phủ các chúa Nguyễn, đồng thời là điểm kiểm soát tàu thuyền trong nước và quốc tế ra vào buôn bán ở thương cảng Thanh Hà – Bao Vinh. Dưới tác động của thiên nhiên, cửa biển Thuận An có nhiều biến chuyển, không còn như những ngày đầu. Tuy nhiên, cửa biển này có vai trò quan trọng về quân sự, kinh tế lẫn môi trường sinh thái. Ngoài ra, còn mang thêm nhiều giá trị văn hóa, lịch sử cần phải được nhìn nhận một cách thấu đáo để bảo tồn, phát triển.

Cửa biển Thuận An được các nhà nghiên cứu đánh giá là cửa biển quan trọng bậc nhất của Kinh đô Huế. Dưới thời Nguyễn, nơi đây có các công trình phòng thủ hiện đại và kiên cố như Trấn Hải Thành, pháo đài Hòa Duân. Đặc biệt là hệ thống ngăn kết hợp liên hoàn với các pháo đài, đồn lũy trên sông và trên bộ thành một mạng lưới phòng thủ dày đặc có chiều sâu và cự ly cần thiết của hỏa lực.

Trong đó, Trấn Hải Thành được xem là công trình kiến trúc gắn bó với Kinh đô Huế. Trải qua hơn 200 năm, tòa thành đã chứng kiến rất nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Theo TS. Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, Trấn Hải Thành là đồn lũy quan trọng trấn giữ cửa biển Thuận An, cửa ngõ yết hầu của Kinh đô Huế và nay đã trở thành di tích quý hiếm. Vì thế việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích này sẽ góp phần cung cấp các thông tin về lịch sử, văn hóa. “Trong tương lai nơi này sẽ trở thành bảo tàng, sản phẩm du lịch, điểm tham quan hấp dẫn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất Thuận An và TP. Huế”, ông Dũng hy vọng.

Ông Nguyễn Ích Huấn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP. Huế cho rằng, Thuận An từng có tên gọi Yêu Hải Môn. Năm 1813, vua Gia Long đặt lại tên là Thuận An mang ý nghĩa cửa biển an toàn, thuận lợi. Không những đổi tên, vua còn cho khắc hình cửa biển lên Cửu đỉnh. Đến thời vua Thiệu Trị, Thuận An được xếp vào thắng cảnh thứ 10 trong Thần Kinh Nhị Thập Cảnh.

Sau năm 1975, Thuận An được phân chia địa giới thuộc huyện Phú Vang. Sau đó nhập vào thành phố và tiếp đó là thị trấn thuộc huyện Phú Vang. Đến ngày 1/7/2021, Thuận An trở thành một phường thuộc TP. Huế. Trong tiến trình phấn đấu đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, Thuận An đang được định hướng phát triển trở thành đô thị động lực phía Đông TP. Huế.

Ngày nay, Thuận An có nhiều di tích lịch sử, văn hóa mang bản sắc riêng của vùng ven biển. Ngoài Trấn Hải Thành, vùng đất này còn có nhiều địa danh khác gắn liền với nhiều lễ hội, trong đó nổi tiếng là lễ hội cầu ngư.

Từ vị thế địa - văn hóa, tiềm năng kinh tế và quá trình lịch sử phát triển của Thuận An trong bối cảnh Huế đang phát triển thành phố hướng biển có thể nhận thấy Thuận An có một số đặc trưng cơ bản làm nên ​​bản sắc văn hóa, cũng như dễ “nhận diện” vùng đất Thuận An trong sự đa dạng văn hóa đặc trưng của Huế. Đồng thời, những bản sắc này góp phần quan trọng trong việc tạo dựng “thương hiệu địa phương”, để có thể phát triển Huế - thành phố hướng biển trong tương lai”.

Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định cho rằng, việc mở rộng đô thị Huế và Thuận An trở thành một phường của TP. Huế là cơ hội để vùng đất này có điều kiện phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Trong đó, rà soát điều chỉnh khu vực Thuận An theo hướng di dời, sắp xếp dân cư, mồ mả, tăng số lượng và mật độ xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ du lịch biển, kêu gọi đầu tư các khách sạn có quy mô lưu trú lớn, đưa Thuận An trở thành vùng đô thị du lịch biển, cửa ngõ phía Đông của thành phố. Ngoài ra, quy hoạch, kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển cảng Thuận An, phát triển đô thị đầm phá, đô thị sinh thái, nuôi trồng thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học…

Bài, ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao mô hình sinh kế “Đàn gà cho em”

Ngày 14/4, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phối hợp chính quyền xã Hải Dương (TP. Huế) và mạnh thường quân tổ chức chương trình trao mô hình sinh kế “Đàn gà cho em” với số lượng 600 con gà giống đến 20 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có con em trong độ tuổi đến trường.

Trao mô hình sinh kế “Đàn gà cho em”
Return to top