ClockThứ Bảy, 05/06/2021 13:15
LẮP CAMERA GIÁM SÁT TRÊN XE THEO NGHỊ ĐỊNH 10/2020NĐ-CP:

Thuận lợi nhưng lo

TTH - Kể từ ngày 1/7/2021, theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP(NĐ 10) bắt buộc ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả lái xe) trở lên và xe đầu kéo đều phải lắp camera trên xe.

Lợi ích từ bến xe điện tửLắp camera giám sát xe quá tải

Tài xế khởi động camera trước lúc khởi hành

Tạo thuận lợi

Đại diện lãnh đạo Công ty CP Bến xe Huế chia sẻ, quy định trên rất thiết thực và có ý nghĩa cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh lĩnh vực vận tải. Camera giúp đơn vị quản lý mọi hoạt động trên phương tiện từ xa nhờ dữ liệu được camera ghi lại đầy đủ.

Công ty vận tải hành khách Phương Trang tại Huế hiện đang quản lý hơn 30 xe buýt nội tỉnh và hơn 10 đầu xe chạy tuyến cố định liên tỉnh TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lâm Đồng... đến thời điểm này đã hoàn thành việc lắp đặt camera giám sát trên xe.

Ông Trần Thiện Thanh Toàn, Giám đốc Công ty Vận tải khách Phương Trang tại Huế cho rằng, việc lắp đặt camera này mang lại nhiều tiện ích, nhất là ngăn ngừa xe chở quá tải, chạy sai hành trình, luồng tuyến... Hay kiểm tra, giám sát việc mua bán vé, kiểm soát lượng khách lên xuống xe cũng như đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trên xe.

Giải thích thêm ý nghĩa của vấn đề lắp camera trên xe, anh Lê Văn L. (tài xế lái xe tuyến cố định liên tỉnh thuộc Công ty Vận tải khách Phương Trang tại Huế) nêu ví dụ như trường hợp xảy ra việc hành khách mua vé nhưng bị mất. Ngay sau đó, bộ phận giám sát sẽ trích xuất camera để kiểm tra, từ hình ảnh, giọng nói giữa nhân viên bán vé và khách thì cả hai bên đều đồng ý, nên việc giải quyết nhanh gọn và đúng theo quy định, đảm bảo quyền lợi cho khách...

Lo lắng    

Thực hiện NĐ 10, phần lớn các chủ phương tiện, DN kinh doanh vận tải đều đồng tình việc lắp đặt camera trên xe. Tuy nhiên, đến thời điểm này, số phương tiện trên địa bàn lắp đặt vẫn khiêm tốn. Thống kê từ Công ty CP Bến xe Huế, hiện số phương tiện đăng ký hoạt động tại các bến xe thuộc công ty có gần 100 đơn vị, DN vận tải với khoảng 700 xe, việc lắp đặt camera chỉ khoảng dưới 30%.

Anh Hoàng Chính, chủ xe Ford Transit chạy tuyến Huế - Đông Hà chia sẻ, mấy tháng nay do ảnh hưởng dịch COVID-19, xe tạm dừng hoạt động, mọi chi tiêu gia đình phải vay mượn người thân, giờ lại "cõng" thêm chi phí gần 10 triệu đồng để lắp đặt camera trên xe, anh không biết xoay xở thế nào.

"Còn khoảng 1 tháng nữa là hết thời hạn, mong cơ quan quản lý Nhà nước xem xét lùi lại một thời gian để chúng tôi thuận lợi củng cố vượt qua khó khăn thời điểm dịch bệnh này" - anh Chính nói.

Ông Trần Sĩ Cuộc, Giám đốc HTX Vận tải ô tô Huế cho rằng, không riêng đơn vị ông mà nhiều DN vận tải hành khách ở Thừa Thiên Huế đều băn khoăn việc lắp đặt camera phải hoàn tất từ 1/7 tới. Hiện nay trên thị trường, một bộ thiết bị giám sát hành trình có chức năng ghi nhận và truyền dữ liệu hình ảnh có giá từ 8-10 triệu đồng. Với gần 100 phương tiện trong đơn vị, kinh phí để lắp đặt camera là không nhỏ, chưa tính đến phí duy trì máy chủ và đường truyền dữ liệu hàng tháng... Với kinh phí này thực sự là gánh nặng trong thời điểm dịch COVID-19 đang phức tạp, hơn 80% phương tiện của HTX dừng hoạt động.

"Gần 1 năm nay, nhiều chủ xe trong đơn vị đã bỏ nghề vì nợ xấu ngân hàng. Không biết thời gian đến có tồn tại hay không nên chưa dám nghĩ đến việc lắp camera trên xe" - ông Cuộc chia sẻ.

Ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng Quản lý vận tải-Đăng kiểm, Sở GTVT phân tích, lắp đặt camera trên phương tiện vận tải được đưa ra từ trước và có lộ trình thực hiện. Hiệu quả của việc này không chỉ hỗ trợ các cơ quan chức năng có nguồn dữ liệu để giải quyết các vấn đề đảm bảo an toàn giao thông mà còn giúp các DN vận tải quản lý, giám sát về phương tiện, con người trong quá trình hoạt động. Hiện nay, ảnh hưởng dịch bệnh nên rất chia sẻ khó khăn với các DN kinh doanh vận tải; trước đây Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã kiến nghị Bộ GTVT lùi lại thời gian nhưng chưa được chấp thuận.

Theo một số DN kinh doanh vận tải, quy định vẫn còn có bất cập về quy chuẩn loại camera phải lắp đặt. Nhiều DN trước đây đã lắp camera nhưng theo quy định mới lại không phù hợp với quy chuẩn của Bộ GTVT đưa ra. Để việc thực hiện đạt hiệu quả, bên cạnh việc ban hành quy chuẩn thiết bị, bộ, ngành chức năng cần có hướng dẫn, phương án hỗ trợ để các DN lưu tâm thực hiện đồng bộ.

Theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định trước ngày 1/7/2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông. Trong quá trình hoạt động, camera phải truyền được dữ liệu hình ảnh về trung tâm với tần suất 3-5 phút/lần. Đơn vị vận tải phải lưu trữ hình ảnh camera tối thiểu 24 giờ khi xe chạy cự ly đến 500km, tối thiểu 72 giờ với xe chạy trên 500km.

Bài, ảnh: Song Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam

Sáng 23/4, Đoàn giám sát Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát liên quan đến chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam”.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam
Hoãn đấu thầu vàng: Doanh nghiệp không mặn mà hay đang 'nghe ngóng'?

Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu vàng vào 10h sáng nay (ngày 22/4); đồng thời, công bố sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng mai, thứ Ba, 23/4.

Hoãn đấu thầu vàng Doanh nghiệp không mặn mà hay đang nghe ngóng
Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia

Ngày 22/4, Đoàn giám sát của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn tiến hành giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận huyện A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia. Về phía tỉnh có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng chủ trì.

Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia
Return to top