ClockThứ Sáu, 05/02/2021 15:05

Thúc đẩy 3T gắn với trách nhiệm của nhà sản xuất

TTH - Tổng lượng chất thải rắn phát sinh trên toàn tỉnh hiện khoảng 650 tấn/ngày; trong đó các đô thị khoảng 400 tấn/ngày. So với thời kỳ khoảng 10 năm về trước, lượng rác thải gia tăng khoảng 20%, trong khi đó, hạ tầng, công nghệ xử lý lại thiếu và yếu.

Ngày hội đổi rác là hoạt động nhằm vận động thúc đẩy 3T

Đây là thực trạng chung không chỉ riêng Thừa Thiên Huế và địa phương đang nỗ lực thực hiện các dự án ưu tiên trong quản lý rác thải, trong đó thúc đẩy 3T: Tiết giảm-Tái sử dụng-Tái chế thông qua các hoạt động phối hợp với các cơ sở kinh doanh; thí điểm phân loại rác tại nguồn tiến đến triển khai rộng rãi trên toàn địa bàn vào năm 2023.

Để thúc đẩy 3T nhằm đạt mục đích cuối cùng là tái sử dụng và hạn chế việc xử lý rác, tỉnh đã xây dựng quy hoạch, kế hoạch phối hợp với nhà máy xi măng trong việc sử dụng chất thải rắn làm chất đốt tại các lò đốt và chuyển tro xỉ từ các lò đốt chất thải rắn đến các nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh.

Tuy chưa thể hiện rõ và định lượng được kết quả từ việc thúc đẩy 3T trên địa bàn, song đây được xem như là bước khởi đầu triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn mà ngành tài nguyên môi trường khuyến khích, phát động thực hiện.

Theo ước tính của Liên Hợp quốc, đến năm 2030, nếu tiếp tục phát triển với mô hình kinh tế tuyến tỉnh, tức là dựa trên quá trình khai thác, sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường, thì nhu cầu sử dụng tài nguyên sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay, vượt ngoài khả năng cung ứng của trái đất và lượng chất thải sẽ vượt giới hạn sức chịu tải của môi trường. Trước thực tế đó, mô hình kinh tế tuần hoàn chính là mô hình kinh tế hiệu quả, bền vững nhằm sử dụng tài nguyên hợp lý, tiết kiệm, giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 có hiệu lực vào đầu năm 2022 có quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (gọi tắt là EPR). EPR lần này được kỳ vọng góp phần thúc đẩy cải cách hệ thống quản lý chất thải rắn hiện nay, tạo nền tảng quan trọng cho xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Luật BVMT quy định nhà sản xuất có 2 trách nhiệm: trách nhiệm tái chế chất thải và trách nhiệm xử lý chất thải. Quy định trách nhiệm tái chế chất thải sẽ tiếp tục bắt buộc tái chế đối với một số sản phẩm, bao bì đóng gói: điện và điện tử, săm lốp, pin và ắc quy, dầu nhờn, ô tô và xe máy; đồng thời bổ sung thêm hai đối tượng mới: pin năng lượng mặt trời và bao bì đóng gói sản phẩm. Pin năng lượng mặt trời và bao bì đóng gói là những vấn đề môi trường được xã hội quan tâm trong thời gian gần đây, nhất là trong bối cảnh có nhiều quan ngại về phát triển pin năng lượng mặt trời nhanh chóng cũng như vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam.

Về trách nhiệm xử lý chất thải sẽ áp dụng với các sản phẩm như: bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu; kẹo cao su; thuốc lá điếu; tã bỉm, khăn ướt dùng 1 lần; một số sản phẩm có sử dụng thành phần nhựa làm nguyên liệu sản xuất (bao gồm nhựa dùng một lần).

Để thực hiện trách nhiệm của mình, nhà sản xuất có thể tự mình tổ chức tái chế, xử lý hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế hoặc hỗ trợ cho các sáng kiến, nghiên cứu và hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dịch vụ tốt sẽ thúc đẩy chuyển đổi giao thông xanh

Dù là xu hướng của tương lai, song để chuyển đổi giao thông xanh không phải là điều đơn giản. Ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Thừa Thiên Huế đã có những trao đổi về chiến lược của tỉnh trong lĩnh vực này.

Dịch vụ tốt sẽ thúc đẩy chuyển đổi giao thông xanh
Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng phát triển của nền nông nghiệp nói chung và ngành nông nghiệp tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, với chi phí đầu vào đắt đỏ và đầu ra vẫn còn chưa phổ dụng thì cần có chính sách kích cầu cho doanh nghiệp, cá nhân tham gia.

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao
Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư xanh

Chiều 10/4, tại Nghệ An, Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng và Trường đại học Kinh tế Nghệ An tổ chức hội thảo khoa học Quốc gia “Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”.

Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư xanh

TIN MỚI

Return to top