ClockThứ Sáu, 28/07/2017 13:31

Thúc đẩy, khuyến khích kinh tế tư nhân

TTH - Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh; xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ, ưu đãi... là những giải pháp đặt ra nhằm thúc đẩy kinh tế tư nhân (KTTN) phát triển.

Quy mô còn nhỏ lẻ

Tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ VIII, khóa XV, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao khẳng định: Sau 15 năm (2002 – 2017), KTTN trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng.

Nuôi trồng thủy sản ở vùng cát Ngũ Điền (Phong Điền), mô hình kinh tế có khả năng sinh lợi lớn

Một số doanh nghiệp (DN) đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, sản phẩm ngày càng có uy tín trên thị trường. KTTN duy trì tốc độ tăng trưởng khá, năm 2016, đóng góp 54,2% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của tỉnh; nộp ngân sách nhà nước chiếm trên 20,7% tổng thu ngân sách toàn tỉnh; thu hút khoảng 30% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh (SXKD), chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển KTTN còn bất cập, chưa thực sự bình đẳng, thiếu đồng bộ. Chưa có chính sách để khuyến khích các cơ sở SXKD chuyển lên hoạt động theo mô hình DN.

Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công thương cho rằng: “Trong số các DN của tỉnh chưa có DN nào mạnh, dẫn đầu trong lĩnh vực SXKD. Khó khăn lớn nhất chính là  nhiều DN thiếu vốn; khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KTTN”.

Trong số hơn 5.900 DN KTTN hiện nay, có không ít DN nhỏ lẻ, manh mún, mang tính gia đình, chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Để phát triển mạnh KTTN, nhiều nhiệm vụ, giải pháp được tỉnh đặt ra. Đó là, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của KTTN trong nền kinh tế; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ các chính sách, điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh KTTN. Tỉnh cũng sẽ rà soát để ban hành các cơ chế ưu đãi nhằm khuyến khích nhà đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, cụm công nghiệp cho các DN khu vực KTTN thuê đất. Có chính sách hỗ trợ mặt bằng SXKD cho các DN, cá thể thuộc khu vực KTTN từ quỹ nhà, đất do Nhà nước quản lý. Đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, tác phong, lề lối làm việc của chính quyền các cấp; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho KTTN phát triển.

Một trong những bước đột phá chính là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Duy trì tổ chức đối thoại định kỳ cấp tỉnh, huyện và các ban, ngành chức năng để tháo gỡ khó khăn cho DN. Thiết lập đường dây nóng để hỗ trợ và tiếp nhận các phản ánh của DN, nhà đầu tư; đổi mới hình thức tổ chức hoạt động gặp gỡ doanh nhân. Xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân kinh doanh chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình DN. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình DN. Thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết SXKD, cung ứng dịch vụ theo mảng sản xuất, chuỗi giá trị trong cả nước và khu vực.

“Thời gian tới, cần nâng cao ý thức cạnh tranh, ý thức chấp hành pháp luật DN để DN nắm bắt cơ hội phát triển mạnh hơn. Để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của DN cần có những giải pháp hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành, hội DN”, ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công thương chia sẻ.

Theo ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch& Đầu tư, “Cần rà soát các dự án (DA), đưa ra lộ trình thu hồi DA chậm tiến độ để cho các DN mới có điều kiện tiếp cận đầu tư; đồng thời, có chủ trương hình thành bộ phận nghiên cứu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.

“Rà soát lại các DA để đẩy nhanh tiến độ; chỉ đạo quyết liệt trong giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính, khắc phục thái độ thờ ơ, vô cảm của đội ngũ cán bộ để tạo môi trường đầu tư; chăm lo phát triển KTTN, xem đây là động lực để phát triển kinh tế - xã hội; rà soát, điều chỉnh bổ sung cơ chế chính sách để khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển KTTN, nhất là về các chính sách và tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính”, UVBCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh.

Mục tiêu của tỉnh đặt ra đến năm 2020, toàn tỉnh có ít nhất 7.900 DN KTTN hoạt động, 50.000 hộ kinh doanh đăng ký; năm 2025: 13.000 DN, 70.000 hộ kinh doanh. Đến năm 2020, đóng góp ngân sách từ khu vực DN KTTN đạt 2.000 tỷ đồng; năm 2025 đạt 5.000 tỷ đồng (chiếm gần 30 – 35% tổng thu ngân sách của tỉnh); năm 2020 – 2025 hỗ trợ phát triển ít nhất 30 – 40 DA khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và 15 – 25 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa nâng triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay, đồng thời duy trì dự báo ảm đạm trong trung hạn, theo dữ liệu mới được công bố ngày 16/4.

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Dịch vụ tốt sẽ thúc đẩy chuyển đổi giao thông xanh

Dù là xu hướng của tương lai, song để chuyển đổi giao thông xanh không phải là điều đơn giản. Ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Thừa Thiên Huế đã có những trao đổi về chiến lược của tỉnh trong lĩnh vực này.

Dịch vụ tốt sẽ thúc đẩy chuyển đổi giao thông xanh

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top