ClockChủ Nhật, 28/01/2018 15:18

Thúc đẩy toàn diện quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết thúc thành công chuyến công tác tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác ASEAN - Ấn Độ.

Ấn Độ và ASEAN thúc đẩy liên kết thương mạiASEAN-Ấn Độ: 25 năm và xa hơn nữaViệt Nam thể hiện vai trò tích cực điều phối quan hệ ASEAN-Ấn ĐộSingapore có thể là bàn đạp đến Đông Nam Á cho các doanh nghiệp Ấn Độ

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại New Delhi - Ảnh: Reuters

Với chủ đề "Chia sẻ giá trị, cùng chung vận mệnh", lãnh đạo các nước ASEAN và Ấn Độ đã đánh giá hợp tác ASEAN - Ấn Độ thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực và đánh giá cao Việt Nam - quốc gia điều phối quan hệ ASEAN - Ấn Độ - đã luôn nỗ lực, sáng tạo thúc đẩy hợp tác chung của hai bên.

Lãnh đạo các nước ASEAN và Ấn Độ có phiên họp chuyên đề trao đổi về "Hợp tác và an ninh biển". Hai bên cam kết tiếp tục đối thoại và hợp tác thông qua các cơ chế khu vực nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không; đề cao thượng tôn pháp luật và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982)... Nhân dịp này, các nhà lãnh đạo ASEAN và Ấn Độ đã khẳng định ủng hộ việc thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và trông đợi Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) sớm được hoàn tất.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất 3 trọng tâm lớn. Thứ nhất, coi hợp tác thương mại và đầu tư là động lực chính, ưu tiên hàng đầu của đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ. Thứ hai, tăng cường kết nối là nhân tố then chốt, bảo đảm tính bền vững liên khu vực. Thứ ba, cần tăng cường hợp tác vì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương ứng phó với các thách thức an ninh, cả truyền thống lẫn phi truyền thống.

Trao đổi về hợp tác và an ninh biển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên cần tăng cường phối hợp, bảo đảm nguyên tắc thượng tôn pháp luật, tăng cường hợp tác xây dựng lòng tin thông qua các biện pháp chung ứng phó với những thách thức trên biển, ưu tiên tập trung phát triển kinh tế biển xanh, chia sẻ thông tin và phối hợp chính sách biển, cũng như thúc đẩy hợp tác liên khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN và Ấn Độ đã thông qua Tuyên bố Delhi, đề ra tầm nhìn và phương hướng thúc đẩy toàn diện quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ những năm tới.

Ấn Độ và ASEAN có thể làm ăn với nhau hơn nữa!

Nếu như quan hệ Ấn Độ và ASEAN nói chung ngày càng "chiến lược" hơn, gần gũi sát sao hơn thì quan hệ kinh tế vẫn còn... phải kỳ vọng nhiều. Đánh giá của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong một bài viết công bố hôm 25-1 là rất sát thực tế. Thủ tướng Singapore viết: "Dân số ASEAN và Ấn Độ gộp lại là 1,8 tỉ người, chiếm một phần tư dân số thế giới. GDP kết hợp của chúng ta vượt quá 4.500 tỉ USD". Vậy mà theo ông Lý, "Ấn Độ chỉ chiếm 2,6% ngoại thương mại của ASEAN năm 2016".

Làm gì để tăng quan hệ kinh tế? Tất nhiên, có những yếu tố hoàn toàn mang tính thị trường, quy luật cung cầu, song cũng có những yếu tố liên quan đến tầm nhìn và chính sách của các chính phủ. Chính vì thế Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từ năm 2016 đã sớm đề ra công thức 3-C (Commerce, Connectivity, Culture - thương mại, kết nối, văn hóa), cùng với chính sách "Hành động hướng Đông" của ông, nhằm tăng cường gắn bó với ASEAN.

Trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt, mà ưu thế cạnh tranh thương mại sẽ bắc cầu cho cạnh tranh địa chính trị, không thể không so sánh những trao đổi thương mại giữa Ấn Độ và ASEAN với những trao đổi thương mại giữa ASEAN với các đối tác khác. Nếu như trao đổi thương mại hai chiều Ấn Độ và ASEAN năm 2016 là 58,4 tỉ USD, tăng nhiều so với con số 2,9 tỉ USD của năm 1993 (năm ký kết Khu vực tự do thương mại ASEAN - Ấn Độ AIFTA), so với trao đổi thương mại hai chiều ASEAN - Trung Quốc cũng năm 2016 lên đến 345,7 tỉ USD, thì có thể thấy ngay Ấn Độ và ASEAN còn cần phải buôn bán, làm ăn với nhau nhiều hơn nữa.

Trong thượng đỉnh kỷ niệm 25 năm quan hệ với ASEAN tuần rồi, hai bên đã thảo luận rất nhiều về cách làm sao kết nối người dân hai bên đến với nhau, mà gộp lại lên đến 1,8 tỉ người. Một trong những phương tiện kết nối chính là dự án con đường cao tốc nối liền Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, và còn sẽ dẫn lối Lào, Campuchia, Việt Nam. "Tuy nhiên, nhiều du khách không thể đi đến Ấn Độ bằng đường bộ. Thành ra, chúng ta cần làm việc với nhau để kết nối hơn nữa bằng hàng không" - ông Lý Hiển Long nói. Ông hi vọng thỏa thuận vận tải hàng không ASEAN - Ấn Độ AIATA ("Vùng trời mở") sẽ giúp hai khu vực kết nối với nhau hơn trước, tạo ra những thị trường mới...

Ông Lý Hiển Long còn đề cập tới một sự kết nối khác là kết nối kỹ thuật số. Đây là một lĩnh vực mà cả Ấn Độ và ASEAN cùng có một ưu thế "tự nhiên" bởi sự thông thoáng trong sử dụng, tận dụng hệ thống mạng.

Theo Vietnamplus

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top