ClockThứ Ba, 17/07/2018 09:55

Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở: Không chỉ là nhiệm vụ 'riêng' của hệ thống cơ quan dân vận

Tại Hội nghị toàn quốc về tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở do Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tổ chức ngày 16/7 tại Hà Nội, các đại biểu đã thảo luận chuyên đề, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết về giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Cải cách hành chính là giải pháp quan trọng để đảm bảo dân chủ ở cơ sở

Thời gian qua, Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo thực hiện dân chủ cơ sở trong hệ thống hành chính, thực hiện “dân vận chính quyền”, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của hệ thống hành chính.

Cho rằng vấn đề nhận thức về vị trí, yêu cầu của công tác dân vận trong hệ thống hành chính và đội ngũ công chức đã có những chuyển biến tích cực, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, đây là một trong những yếu tố góp phần khắc phục cơ bản tình trạng coi công tác dân vận là nhiệm vụ “riêng” của hệ thống cơ quan dân vận.

Từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 28 Luật, mỗi năm ban hành hơn 100 Nghị định trên tinh thần tạo thuận lợi hơn cho người dân thực hiện quyền làm chủ, tham gia sản xuất, kinh doanh…

Đặc biệt, khâu lấy ý kiến, tiếp thu ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, của nhân dân được chú trọng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Không ít trường hợp khi nhận được ý kiến đóng góp xác đáng của nhân dân, Chính phủ đã điều chỉnh, chỉ đạo các Bộ điều chỉnh ngay các văn bản, chính sách mới được ban hành.

Thủ tướng Chính phủ, nhiều thành viên chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đã định kỳ tiếp, đối thoại với các tầng lớp nhân dân, mở thêm các kênh tiếp nhận ý kiến, nguyện vọng của người dân.

Qua đó không chỉ tiếp thu ý kiến một chiều mà còn khiến các doanh nghiệp, người dân hiểu, tự nguyện thực hiện chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước.

Cho rằng cần chú trọng công tác dân vận, dân chủ cơ sở trong tổ chức thực hiện chính sách, các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ví dụ: “Thực tiễn cho thấy, những dự án, công trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, địa phương nào tổ chức thực hiện theo đúng tinh thần phát huy dân chủ, người dân được tham gia lựa chọn công trình, được tham gia xây dựng, giám sát và cả tham gia quản lý, vận hành, bảo dưỡng thì đầu tư tiết kiệm, phát huy hiệu quả”.

Bên cạnh đó, không ít dự án, công trình, thậm chí là những dự án, công trình lớn nhưng trong quá trình thực hiện không đảm bảo phát huy quyền làm chủ của nhân dân thì hiệu quả không cao, dễ phát sinh tiêu cực, lãng phí, gây bức xúc trong nhân dân.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Quy về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Để tăng cường thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần nâng cao trách nhiệm giải trình của từng tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu; cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin cho những tổ chức, cá nhân trực tiếp liên quan và cho các phương tiện thông tin đại chúng.

Đồng thời, từng cơ quan, đơn vị phải thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin; có cơ chế tiếp thu, phản hồi ý kiến của nhân dân, báo chí.

Bên cạnh việc tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến nhân dân, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cải cách hành chính là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đảm bảo dân chủ ở cơ sở. Những năm gần đây, công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành được chỉ đạo quyết liệt hơn, song vẫn còn “sức ỳ” khá lớn của bộ máy.

Số lượng các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 còn rất thấp. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chỉ khi các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở cấp độ cao nhất thì mọi quy trình, thủ tục, thời gian, chi phí của người dân mới được công khai, minh bạch; hạn chế tiếp xúc trực tiếp, từ đó loại bỏ các điều kiện để nuôi dưỡng, phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu, hạn chế quyền làm chủ của nhân dân.

Thực hiện nghiêm túc Quy chế dân chủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống

Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, yêu cầu, nhiệm vụ về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế đòi hỏi thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.

Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, để bảo đảm dân chủ, nhân dân phải được tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống.

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết: Thời gian qua, các văn bản pháp luật trực tiếp quy định về thực hiện dân chủ trong các loại hình, hệ thống pháp luật ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đã được từng bước hoàn thiện, góp phần thể chế hóa các chủ trương của Đảng về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Đặc biệt, nhiều nội dung về quyền dân chủ trực tiếp và gián tiếp trong Hiến pháp 2013 và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được cụ thể hóa tại phần lớn trong số 54 luật, pháp lệnh thi hành Hiến pháp được ban hành từ năm 2014 đến nay; trong đó có nhiều văn bản quan trọng như Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật tín ngưỡng tôn giáo, Luật tiếp cận thông tin, Luật Báo chí, Luật Trợ giúp pháp lý, Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015…

Để nâng cao hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng pháp luật, từ việc thể chế hóa nội dung đến giám sát thực hiện; rà soát để chuẩn hóa phạm vi thực hiện quyền dân chủ và giám sát của nhân dân, đảm bảo quyền lợi của cả người dân và Nhà nước, cũng như tính khả thi phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; có chế tài xử lý trách nhiệm của cơ quan, công chức nhà nước khi làm sai và các trường hợp lợi dụng dân chủ để cố tình vi phạm.

Đối với các quy định của pháp luật khác có liên quan, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, môi trường, đầu tư, cần quy định rõ ràng, đồng bộ, thống nhất và khả thi hơn về một số nội dung có liên quan trực tiếp đến người dân trong các dự án cụ thể.

Trong trường hợp một số quy định trong các dự án luật còn có ý kiến khác nhau hoặc có tính nhạy cảm thì cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, thẩm định với tinh thần cầu thị, vì lợi ích chung; có phương án truyền thông, dân vận để tạo sự đồng thuận.

Thành công từ những mô hình tự quản của nhân dân

Đồng Tháp là địa phương đã thành công trong quá trình thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với xây dựng các mô hình tự quản của nhân dân ở cộng đồng dân cư.

Việc thực hiện dân chủ được phát huy mạnh mẽ trong thực hiện các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Các mô hình tự quản cộng đồng của nhân dân đã phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Đồng Tháp luôn xác định dân chủ là mục tiêu, động lực của phát triển trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, xây dựng chính quyền kiến tạo, thân thiện phục vụ nhân dân là những nhiệm vụ chính góp phần thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở Đồng Tháp thông qua những công tác thiết thực.

Trong đó Đồng Tháp đã  thành lập Trung tâm hành chính công, “Một cửa liên thông”; đối thoại, tiếp xúc với nhân dân; thực hiện “6 biết, 6 chào” (Biết chào, biết cười, biết lắng nghe, biết hướng dẫn, biết cảm ơn, biết xin lỗi”; dịch vụ công mức độ 3,4; tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính, đơn khiếu nại, tố cáo của công dân… được thực hiện kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, thực hiện rà soát, xóa bỏ một số thủ tục hành chính không cần thiết...

Mô hình “Hội quán” và “Tổ nhân dân tự quản” là hai mô hình đã được triển khai và đem lại tác động tích cực về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội thông qua việc phát huy dân chủ của người dân ở cộng đồng dân cư. Mô hình đầu tiên có tên “Canh Tân Hội quán” ra đời từ giữa năm 2016.

Đến nay, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã thành lập được 52 hội quán với hơn 1.775 thành viên. Từ mô hình này đã phát triển được 5 hợp tác xã.

Mỗi hội quán ra đời gắn với một ngành nghề, mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương, do nhân dân tự nguyện lập ra để sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm về quy trình, kỹ thuật mới trong sản xuất; cập nhật thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Hoạt động của hội quán đã từng bước thay đổi nhận thức, phát huy quyền làm chủ của người dân. Với tinh thần đoàn kết, tự nguyện, người dân đã phần nào khắc phục được tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thay đổi cách nghĩ, cách làm cũ; tạo động lực để người dân tự quyết định, tự chịu trách nhiệm.

Từ thành công của việc triển khai thí điểm 36 mô hình “Tổ nhân dân tự quản”, tháng 9/2016, tỉnh đã thống nhất triển khai gần 12.500 “Tổ nhân dân tự quản”, với hai nội dung hoạt động trọng tâm gồm: Khuyến học và an ninh trật tự; tiếp nhận thông tin, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng dân cư đến với các cấp ủy, chính quyền cơ sở.

Các mô hình tự quản của cộng đồng đã mở ra một hướng đi mới trong công tác dân vận, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội ở nông thôn; thật sự đáp ứng nguyện vọng của người dân; hình thành phương châm công tác dân vận mới, làm thay đổi nhận thức của người dân theo hướng “Tự lực, chăm chỉ, hợp tác”.

Thông qua các mô hình, quyền làm chủ của nhân dân được đề cao, đáp ứng nhu cầu thực tiễn khi người dân được trao quyền làm chủ quản lý xã hội. Công việc của họ thực sự được bàn và thực hiện tại cộng đồng dân cư. Tập quán sản xuất nhỏ lẻ của người dân cũng từ đó được thay đổi.

Người dân đã chủ động hơn trong xây dựng các loại hình kinh tế tập thể. Các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh như: Xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển du lịch; xây dựng tình đoàn kết, tương trợ, tạo mối quan hệ gắn bó trong mỗi cộng đồng dân cư… ngày càng được thực hiện hiệu quả.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo từ cơ sở văn hóa ẩm thực Huế

Thừa Thiên Huế đang tập trung xây dựng để gia nhập vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với tôn chỉ hướng tới là thúc đẩy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững. Có 7 lĩnh vực sáng tạo được xác định để UNESCO xét ghi danh, tham gia mạng lưới, gồm: thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và âm nhạc. Trong những lĩnh vực đó, Thừa Thiên Huế chọn ưu thế về tiêu chí Ẩm thực để tiến hành điều nghiên, lập hồ sơ trình xét trong năm 2024.

Xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo từ cơ sở văn hóa ẩm thực Huế
Giáo dục văn hóa địa phương trong các cơ sở mầm non

Việc đưa giáo dục văn hóa địa phương vào Chương trình Giáo dục mầm non sẽ giúp trẻ có cơ hội khám phá nét đẹp văn hóa vùng miền một cách giản đơn, bồi dưỡng cảm xúc, tình cảm, thẩm mỹ phù hợp với độ tuổi; hình thành những phẩm chất, năng lực, kỹ năng, sự hiểu biết cũng như tình yêu đối với môi trường xung quanh nơi trẻ sinh sống.

Giáo dục văn hóa địa phương trong các cơ sở mầm non
Return to top