ClockThứ Sáu, 29/03/2019 08:36

Thực hiện “sứ mệnh”

TTH - Đúng là người dân sống ở khu vực nông thôn có nhiều thiệt thòi. Chính vì thế, chính quyền có trách nhiệm bù đắp ở một mức độ nào đó có thể. Một con đường giao thông, một kênh mương dẫn nước, một trường học… bỏ tiền ra (ít nhiều gì đó) xây dựng là xong. Nhưng có những thứ rất khó bù đắp nếu không có tài chính đủ mạnh. Trong đó có chuyện bác sĩ.

Thấy những thông tin tuyển dụng bác sĩ tuyến huyện không ra mà “buồn não ruột”. Chúng ta đừng nên tính một bác sĩ trên bao nhiêu người dân là sức khỏe của người dân được chăm sóc tốt. Không có bác sĩ thì làm sao chăm sóc sức khỏe tốt cho người dân. Không có bác sĩ giỏi thì điều này càng xa vời. Tôi được biết, ở nhiều nước phát triển, người ta rất chú trọng đến y tế dự phòng. Nghĩa là chú trọng phòng bệnh. Chẳng nói đâu xa, ngay người giàu có (đặc biệt là ở thành phố) bây giờ cũng “tầm soát” bệnh cho mình tốt hơn trước rất nhiều. Còn người nghèo, người ở khu vực nông thôn rất ít có điều kiện chú ý đến việc này. Cho nên, thường phát hiện mình có bệnh thì bệnh đã nặng. Muốn người dân ở khu vực nông thôn chú ý đến điều này, chính quyền phải tạo ra một cơ sở vật chất tốt, việc khám chữa bệnh phải hết sức thuận lợi, thậm chí là hỗ trợ để có một cái giá khám sức khỏe rẻ thì may ra, người dân mới tiếp cận được các dịch vụ này.

Thú thật, không ít bệnh viện ở khu vực nông thôn, với các loại dịch vụ không được chăm chút tốt nên mới tiếp cận, người dân đã “nản”. Đó là chưa nói đến chất lượng đội ngũ y bác sĩ.

Và bây giờ, thông tin là bác sĩ ở tuyến huyện thiếu trầm trọng. Các bệnh viện cấp huyện rất khó tuyển dụng được bác sĩ.

Chúng ta không thể trách bác sĩ được. Nghề nào cũng phải học nhưng bác sĩ là phải học suốt đời. Các ngành khác chỉ học 4-5 năm thì riêng ngành bác sĩ phải học (cấp đại học) là 6 năm. Học xong 6 năm chưa chắc gì đã làm việc tốt mà phải học lên cao hơn nữa. Các thành tựu y học hiện đại bây giờ phát triển rất nhanh nên các bác sĩ cũng phải bồi dưỡng, cập nhật thông tin liên tục. Học hành tốn công tốn sức như thế nhưng lương thì ba cọc ba đồng; điều kiện làm việc, cơ hội để nâng cao trình độ kiến thức ở tuyến huyện chưa chắc gì tốt… cho nên cũng không thể trách bác sĩ ít muốn về tuyến huyện.

Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại. Người ta bảo, mỗi người sinh ra đều có “sứ mệnh”. Người là giáo viên, người là bác sĩ, người là thợ cơ khí. Sứ mệnh chính là khi đã xác định thì phải làm tốt công việc của mình. Từ sứ mệnh sẽ dẫn đến sự cống hiến. Đây là một lô gic hoàn toàn khách quan, là đạo đức nghề nghiệp của mỗi người. Ai mà chẳng muốn ăn sung mặc sướng nhưng cũng phải xem xét phù hợp với hoàn cảnh, trong tương quan với mặt bằng chung xung quanh. Người dân còn nghèo thì bác sĩ cũng không nên đòi hỏi quá nhiều từ người dân, từ bệnh nhân. Vì chăm sóc sức khỏe cho con người là “sứ mệnh” của bác sĩ. Niềm hạnh phúc của bác sĩ chính là chữa bệnh cứu người. Một khi đã nghĩ như vậy, thì chuyện thu nhập, sống sướng sống khổ sẽ nhẹ nhàng hơn.

Về phía bác sĩ là vậy, còn về phía chính sách thì sao? Phải xem nghề y là một nghề đặc biệt thì chúng ta mới có chính sách đặc biệt. Cứ hình dung, nếu không có sức khỏe tốt thì mọi thứ có thể trở nên vô nghĩa. Nó đặc biệt chính là ở chỗ ấy.

Mỗi huyện có thể cần đến hàng ngàn giáo viên, nhưng mỗi huyện cũng chỉ đòi hỏi nhu cầu cần vài chục bác sĩ. Tức là xét về số lượng ít hơn nhiều. Một số lượng hạn chế bác sĩ như vậy nhưng chăm sóc tốt được toàn bộ sức khỏe của người dân trong huyện. Thế nên, nhà  nước cũng cần nghiên cứu để có một chính sách đặc biệt. Cũng không cần nói gì đến chuyện đãi ngộ to tát mà chỉ cần một chính sách tiền lương đảm bảo cho bác sĩ đủ sống ở mức khá. Tạo ra nhiều cơ hội để họ làm việc và học tập tốt hơn thì chắc chắn, họ sẽ cống hiến tốt hơn. Nói cách khác, là họ sẽ thực hiện cho được “sứ mệnh” của mình.

Tôi tin rằng, “sứ mệnh”  giống như là một nhu cầu tự thân ở mỗi con người vậy. Người bác sĩ thực hiện tốt sứ mệnh của mình thì người dân, đặc biệt là người dân ở khu vực nông thôn đỡ thiệt thòi bớt phần nào.

Lê Phương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới

Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế-xã hội; liên quan trực tiếp các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương. Ðây là nguồn lực, là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới
Return to top