ClockThứ Sáu, 10/06/2016 14:14

Thuốc tây bày bán như... rau

TTH - Những tủ, sạp thuốc tây nằm lọt thỏm giữa các ngôi chợ nông thôn. Người mua chẳng cần xuất đơn thuốc, thậm chí bệnh nhân không có mặt vẫn có thể mua được thuốc.

Thuốc tây được bày bán như hàng xén ở chợ nông thôn

Dễ mua

Tại chợ Đại Lộc (xã Điền Lộc, Phong Điền) có khá nhiều sạp, tủ… thuốc tây được bày bán. Không có biển hiệu, thuốc được bán như… rau. Trong vai người bệnh cần mua thuốc, tôi trình bày những triệu chứng mệt mỏi, nhức đầu, đau họng… Như đã rõ bệnh, chủ sạp thuốc tây chẳng hỏi gì thêm liền bốc cho tôi các loại thuốc, ống C sủi và dặn, uống 3 ngày sẽ lành. “Ở chợ Đại Lộc có trên dưới 5 cửa hàng, sạp bán thuốc tây ở trong và ngoài chợ, bán những loại thuốc điều trị các bệnh thông thường. Người dân không biết giá cả nên chủ nói bao nhiêu thì trả bấy nhiêu”, anh V., người dân xã Điền Lộc chia sẻ. Nói xong, anh V. hướng về phía một “dược sĩ” bán thuốc tây. Qua quan sát, thuốc tây của vị “dược sĩ” được đặt ngay trên chiếc bàn nhựa màu đỏ, khi chúng tôi cầm điện thoại định ghi hình, “dược sĩ” này liền tránh.

Bác sĩ Hồ Ngọc Vỹ, Trưởng trạm Y tế xã Điền Lộc thừa nhận: “Tại chợ Đại Lộc, khoảng 7 giờ sáng, có một số quầy thuốc được bày bán ở chợ. Những người bán thuốc ở đây tranh thủ để kiếm thêm thu nhập. Ở địa phương chưa có quầy thuốc lớn nên khi người dân cần thuốc họ đến đây để mua. Một số chủ bán thuốc có chứng chỉ hành nghề nhưng hầu như họ đều không có giấy phép kinh doanh”.

Tương tự, chúng tôi đến cửa hàng bán thuốc tây tại chợ Vân Quật Đông (xã Hương Phong, TX. Hương Trà), vào hỏi mua thuốc, chủ cửa hàng tên H. tự giới thiệu: “Chị bán thuốc ở chợ ni lâu lắm rồi. Có bằng dược sĩ loại giỏi hẳn hoi”. Khi tôi ngỏ ý mua thuốc đau bụng cho người thân, vị dược sĩ tốt nghiệp loại giỏi không cần hỏi người thân tôi bao nhiêu tuổi, đau bụng như thế nào liền đưa cho tôi các loại thuốc, điều trị tiêu chảy và một loại thuốc màu vàng với giá 20 nghìn đồng, dặn uống trong 2 ngày.

“Khi người dân đi mua thuốc, nếu có đơn thuốc, dược sĩ phải căn cứ vào đơn để bán. Trường hợp thuốc trong đơn tại cửa hàng không có thì dược sĩ có thể đàm phán thay loại tương đương, người mua đồng ý mới được phép bán. Trường hợp người mua nói ra tên thuốc, dược sĩ phải biết thuốc đó thuộc danh mục kê đơn hay không kê đơn, nếu thuộc danh mục kê đơn thì phải khuyên người mua đi khám để có đơn. Trường hợp thuốc không thuộc danh mục kê đơn người bán phải hỏi: người uống là ai, độ tuổi bao nhiêu, có dị ứng với thuốc gì hay không...”, thạc sĩ Võ Đại Tùng, Phó Chánh thanh tra Sở Y tế cho biết.

Cần kiểm soát chặt

Theo quy định, điều kiện để mở cửa hàng thuốc tây là phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dược phẩm (do Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp) và được Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề bán lẻ thuốc; người hành nghề dược phải có những tiêu chuẩn như, có bằng cấp chuyên môn về dược và thời gian thực hành phù hợp với từng loại hình hành nghề,  năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có đủ sức khoẻ để hành nghề dược, không đang trong thời gian bị cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến y tế theo quyết định của toà án, hiểu biết và cam kết thực hiện Luật Bảo vệ sức khoẻ Nhân dân và các luật, quy chế dược và các quy chế chuyên môn khác có liên quan đến lĩnh vực hành nghề dược…Ngoài ra, pháp luật còn quy định cụ thể về điều kiện và nơi bán thuốc.

Theo Thạc sĩ Võ Đại Tùng, hiện nay, các hình thức của thực phẩm chức năng rất giống thuốc và nhiều sản phẩm trước đây là thuốc nhưng bây giờ được đăng ký là thực phẩm chức năng. Pháp luật không quy định về điều kiện bán thực phẩm chức năng. Việc phân biệt giữa thực phẩm chức năng và thuốc thông qua số đăng ký.

Vấn đề thuốc tây được bày bán ở chợ nông thôn như chúng tôi phản ánh ở trên, thạc sĩ Nguyễn Đại Tùng cho biết: “Thuốc tây được bày bán như thế là sai quy định. Đối với người mua, ngoài vấn đề tiện lợi thì mua thuốc theo cách này hoàn toàn không có lợi. Ngoài các đợt thanh kiểm tra liên ngành của các phòng y tế, trung tâm y tế tuyến huyện, mỗi năm chúng tôi thường có một đợt kiểm tra định kỳ. Tuy nhiên, từ trước đến nay chưa phát hiện các trường hợp như vậy.  

Ông Trần Đình Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Lộc cho hay: “Chúng tôi liên tục tổ chức những đợt kiểm tra việc bán thuốc tây ở chợ. Tuy nhiên, khi đến kiểm tra, những người bán thuốc ở đây thường không có mặt, có thể họ chỉ tranh thủ bán lúc sáng sớm”.

Việc các “cơ sở y tế” không được cấp phép hành nghề ngay giữa chợ ở các địa phương là điều đáng lưu tâm, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của các loại thuốc được bày bán có đảm bảo hay không vẫn là dấu hỏi. Các cơ quan chức năng cần sớm quan tâm, kiểm soát thực trạng này. “Mọi người nên tham gia bảo hiểm y tế và đến trạm y tế, cơ sở khám chữa bệnh hợp pháp để được tư vấn, mua thuốc và sử dụng thuốc; hạn chế tối đa việc mua thuốc bên ngoài; không nên tự ý sử dụng bất cứ một loại thuốc gì đối với trẻ em”, thạc sĩ Võ Đại Tùng khuyến cáo.

Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top