ClockThứ Ba, 10/10/2017 09:25

Thương 3 cháu nhỏ bất hạnh

TTH - Mẹ bỏ đi. Cha tâm tính không được bình thường, hiếm khi ở nhà. Ba đứa trẻ ở thôn Ka Cú 1 (xã Hồng Vân, huyện A Lưới) nheo nhóc sống cùng bà nội (bà Kăn Tú) già yếu.

Bà Kăn Tú và 2 đứa cháu ngồi ở cửa tránh mưa dột. Đứa lớn 9 tuổi đi kiếm cá

Mưa. Cô giáo Lê Thị Hiền Chi (Trường tiểu học Hồng Vân), cô Nguyễn Thị Tứ (Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện A Lưới) và anh Hồ Xuân Trăng, Phó Bí thư Xã đoàn Hồng Vân luôn miệng nhắc mọi người bước cẩn thận, khéo trượt ngã. Con đường vào nhà bà Kăn Tú hẹp, ổ gà gồ ghề lồi lõm trơn trượt, nên chỉ có thể đi bộ. Bà Kăn Tú và hai cháu Nguyễn Thị Thơm (8 tuổi), Nguyễn Văn Thới (6 tuổi) ngồi ở bậc cửa để tránh những giọt nước giột qua mái tôn cũ kỹ, tránh mưa tạt qua những tấm phên bằng nứa đã rách. Anh của Thơm và Thới là Nguyễn Văn Trung (9 tuổi) theo người lớn trong thôn đi ra suối kiếm cá từ lúc trời chưa đổ mưa. “Mỗi lần đi, may thì được chút ít cá nhỏ. Nhà chẳng có gì ăn, cũng chẳng có người lớn lo lắng cho nên dù còn bé, cháu Trung cũng theo người ta đi kiếm cá”- anh Trăng kể.

Mẹ của các cháu Trung, Thơm, Thới quê ở tỉnh Quảng Trị. Ngày Thới chào đời, do cuộc sống khó khăn nên người phụ nữ đó đành đoạn bỏ lại 2 đứa lớn, bồng theo Thới trở về quê. Khi Thới 3 tháng tuổi, người mẹ gửi những người buôn cá, mang đứa con còn đỏ hỏn về “trả” cho nhà chồng. Bố của các cháu tâm tính không được bình thường, thỉnh thoảng  vào rừng, vài hôm mang về được mấy cái bắp chuối, lúc chẳng có gì. Bà Kăn Tú lưng còng rạp, không còn sức lao động, nên mấy năm nay chẳng làm được gì. “Bà Kăn Tú là người có công với cách mạng, được hưởng chế độ hơn 800 nghìn đồng/tháng. Cả gia đình sống nhờ vào số tiền này. Đôi khi cả ngày chỉ ăn một bữa. Thiếu ăn suốt. Hàng xóm thương nên thỉnh thoảng cho sắn, cho gạo”- anh Trăng, Phó Bí thư Xã đoàn (cũng là hàng xóm của gia đình bà Kăn Tú) nói.

Cô giáo Lê Thị Hiền Chi chia sẻ, mỗi lúc học trò nghỉ học, cô tìm đến tận nhà để tìm hiểu, mới biết hoàn cảnh đáng thương của mấy bà cháu bà Kăn Tú. “Mùa mưa là thời gian các cháu thường nghỉ học vì đường đến trường phải qua một con suối (nước dâng khi mưa lớn). Hoàn cảnh các em rất đáng thương.

“Thông qua báo chí, chúng tôi mong có nhiều tấm lòng hảo tâm biết đến hoàn cảnh của 3 đứa trẻ và cụ bà tội nghiệp, cùng chung tay gom góp, giúp đỡ, để có thể sửa lại mái nhà và cuộc sống của 3 đứa trẻ phần nào cải thiện”- cô giáo Chi mong nuốn.

Mọi sự hỗ trợ xin liên hệ đến bà Kăn Tú (thôn Ka Cú 1, xã Hồng Vân, huyện A Lưới); hoặc qua cô Nguyễn Thị Tứ (số điện thoại 0169.261.5540); hoặc Báo Thừa Thiên Huế (61 Trần Thúc Nhẫn, TP. Huế, điện thoại: 0914078282). 

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thương

Ông bà cưới nhau đã hơn 60 năm, nắm tay nhau đi qua một kiếp người đằng đẵng, cùng nhau khai phá vùng đất mới, trồng khoai, sắn, cây ăn quả, nuôi heo...

Thương
Thương chợ ngày mưa

Cái ấm áp ấy là ánh mắt của những mệ, những chị đang ngồi co ro với mớ rau, rổ cá, rổ tôm đã mừng sáng rỡ lên...

Thương chợ ngày mưa
Mùi & danh

Thương và ghét, hiểu và có thể chia sẻ, ngột ngạt và sợ hãi, giận và ngùi ngẫm… là những xúc cảm của cá nhân tôi khi xem Parasite (Ký sinh trùng) của đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon Ho.

Mùi  danh
Thương học sinh như con

Sinh năm 1972, từ nhỏ Giang đã ước mơ trở thành cô giáo. Tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế năm 2000, Giang được nhận công tác tại Trường TH Hương Lâm; năm 2005, được chuyển về Trường TH A Roàng cho đến nay.

Thương học sinh như con
Return to top