ClockThứ Bảy, 06/11/2021 07:00

Thương cảng Bao Vinh, vài chuyện hơn 150 năm trước

Bảo tồn phố cổ Bao Vinh

Chợ trên sông, kho trên bờ

Trong tập “Kỷ niệm về Huế”, Đức Chaigneau viết về những gì ông thấy ở Huế năm 1820, phố cảng Thanh Hà được ông gọi là thương cảng Bao Vinh. Con đường dẫn về thương cảng có tên là Bao Vinh, người Trung Quốc có nhiều cửa hàng chứa đầy hàng hóa Trung Quốc. Đặc biệt, người Tàu khá đông và “không ngại làm nghề tầm thường, mong một ngày mai, nhờ sự cần kiệm mà trở thành chủ tiệm như đồng hương của họ”. Họ quét đường, gánh nước thuê, bốc vác cho các nhà buôn… Thậm chí, “nhiều người tìm xương trong đống rác để gửi về Trung Quốc, và sau đó xương thành đồ chơi cho trẻ con mà trở lại với họ để bán cho người An Nam”.

Bao Vinh một thời là thương cảng

Trong cuốn sách “Vương quốc An Nam và người An Nam”, ông Dutreuil de Rhins nói năm 1877 ông đến thương cảng Bao Vinh. Có 2 chi tiết đáng chú ý trong bài viết. Thứ nhất, ông thấy nhiều nhà xây kiên cố “các tường được xây đá, và đây là một sự đặc biệt để chống lại thời tiết thường lụt từ tháng mười đến tháng giêng”. Thứ hai, ông nhận ra khá nhiều hàng hóa quý được buôn bán ở đây: “Đừng có dựa vào cái nhìn bên ngoài… mà xét đoán các giá trị hàng hóa bên trong nó. Dưới các lớp chiếu và lớp lá đậy các khoang thuyền và các loại hàng rẻ tiền, là những cái bành lụa, tiêu, ngà voi, đường, quế, đậu khấu, sa nhân Chàm, thuốc phiện lậu, các thứ mỹ nghệ bằng ngà voi, bằng bạc, bằng đồng đen, vũ khí…”

Hai chi tiết này cho ta thấy là các nhà buôn lúc bấy giờ trao đổi hàng hóa ngay trên sông, và trên bờ là những cái kho chứa xây kiên cố (trong bối cảnh nhà dân lúc bấy giờ đa số là nhà tranh vách đất).

Công trình nghiên cứu “Bao Vinh – thương cảng của Huế” của ông R. Morineau (in trong B.A.V.H 1916) cho biết, đến 1885 thì “Chợ trên đất… đã mất hết vẻ đẹp rực rỡ của thời xưa. Tất cả các nhà ở đẹp mắt và các nhà kho rộng lớn tư hữu của những người Tàu và An Nam “cỡ bự” đều biến mất từ năm 1885, tức là thời kỳ mà phần lớn Bao Vinh đã bị tàn phá. Cái vườn hoa thanh tú của gia đình nguyên Phụ chính triều đình An Nam, tức Đại thần Tường bây giờ chỉ còn lại các bức tường đổ nát…”.

Tuy nhiên thời điểm 1885, Bao Vinh chưa xóa sổ hoàn toàn: “Bao Vinh không còn vàng son thuở trước nhưng Bao Vinh vẫn là chợ quan trọng và đẹp nhất của vùng này, sau chợ Huế… Có thể tìm thấy dễ dàng ở Bao Vinh các mặt hàng bản sứ của Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ và các mặt hàng Âu. Người ta còn tìm thấy những mặt hàng thường dùng mà những cửa tiệm bóng nhoáng của Huế không bày bán”.

Ông cho biết là ban đêm, chợ trên đất “mang tính chất của một chợ trời xả láng”.

Các loại thuyền từng ghé đến

Các loại thuyền từng ghé đến thương cảng Bao Vinh thuở đó, được ghi lại khá chi tiết. Trước hết là các loại thuyền du lịch hoặc thương mãi được dùng ở Đông Dương và Trung Hoa, cũng như các loại thuyền máy hiện đại. Những chiếc thuyền Trung Hoa to và đẹp, đáy sâu, cột buồm cao lớn, những cánh buồm có dáng hình riêng biệt bảo đảm cho thuyền đi xa và nhanh. Thuyền này thường đi từ Thượng Hải đến Tân Gia Ba và dừng lại ở Huế để đem hàng cho các tàu buôn lớn.

Thỉnh thoảng, có thuyền lớn khác ghé vào. Ông kể có lần có một chiếc thuyền buồm rất đẹp được trang bị bốn đại bác và ba mươi súng trường Mauser để chống cướp biển.

Các thuyền cái Bắc kỳ đến từ Móng Cái, thuyền buồm lớn của các chủ ở FaiFo… là những thuyền thương mãi lui tới vài hải cảng quan trọng. Các thuyền kiểu dáng hoàn toàn An Nam có chủ thuyền là người từ Nam Định, Phan Rí, Quy Nhơn, Đà Nẵng… chở về Huế tơ lụa Nam Định, bàn ghế chạm trổ hoặc cẩn xà cừ Bắc Kỳ, chiếu Phát Diệm, đồ gốm Nam Trung bộ… Mỗi chiếc thuyền lớn là một cửa hàng nổi, xung quanh thường có nhiều thuyền nhỏ đến buôn bán

Tất cả các thuyền, khi rời Bao Vinh đều chất đầy hàng hóa để đưa về Trung Hoa, Hồng Kông, Hải Phòng, Đà Nẵng…; trong đó có nhiều sản vật từ Huế như cau, thanh trà, cam, quýt, sản phẩm nhà máy vôi Long Thọ, và cả mây tre, trầm hương từ miền núi đưa về.

Các tín hiệu về việc sẽ mất thương cảng Bao Vinh

Ở thời điểm R. Morineau ghi chép về thương cảng Bao Vinh thì ở Huế đã xuất hiện đường sắt (Ga Huế được xây dựng năm 1906). Tàu hỏa đến Huế lúc bấy giờ đã chở theo các loại hàng hóa phong phú đến Huế.

R. Morineau chỉ nhìn thấy sự suy thoái của thương cảng Bao Vinh khi các thuyền buồm lớn bị buộc phải đậu lại ở Lại An, cách đó chừng 2km “để xin ký giấy tờ tại trạm thuế”. Nhưng ông hy vọng: Chúng ta cũng mong mỏi rằng sự kiểm soát giấy tờ - cần thiết và đáng làm - không tiêu diệt hẳn Bao Vinh: “Vì mất nó là mất một khu vực đẹp mắt của Cố đô Huế”. R. Morineau vẫn cho rằng: “Nhưng dù sao Bao Vinh cũng là một kho chứa hàng hóa bằng đường thủy của những cửa hàng thương mãi của Huế, một cái chợ nổi xuất, nhập khẩu và hơn nữa là một trung tâm vui lạ đáng được khách du lịch chú ý đến”.

Nhưng quy luật phát triển đã không tuân theo ý nguyện ông R. Morineau. Khi các loại thuyền không còn đậu ở Bao Vinh, các cửa hàng đương nhiên biến mất. Trong lúc đó, sự phồn vinh của chợ mới Đông Ba bên cạnh cầu Trường Tiền bắt đầu nổi lên. Do nằm ở địa điểm mới có ưu thế thuận lợi “trên bến dưới thuyền, phố xá đông đúc”, chợ Đông Ba sớm trở thành trung tâm thương mại lớn nhất chốn Kinh thành, ảnh hưởng và tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế thương mại của các huyện, thị của Huế và các tỉnh miền Trung.

Thương cảng Bao Vinh sau đó suy thoái và biến mất, để lại nhiều bài học về quản lý đô thị.

Bài: THANH NGỌC - Ảnh: TUẤN KIỆT

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đánh thức phố cổ Bao Vinh

Bao Vinh ngay từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã được các học giả Tây phương (xem thêm R. Morineau trong “Bao Vinh - Thương cảng của Huế”, Tập san BAVH, Số 2/1916) đánh giá “là khu vực đẹp mắt của Cố đô Huế”, một “điểm đến hấp dẫn” cả ban ngày lẫn ban đêm cho du khách khi đến Huế.

Đánh thức phố cổ Bao Vinh
Cơ hội để phố cổ Gia Hội được “đánh thức”

Nghị quyết số 54 - NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành làm nức lòng cán bộ và người dân xứ Huế. Những người yêu Huế, những người nặng lòng và quan tâm đến văn hóa Huế tin tưởng phố cổ Gia Hội sẽ có cơ hội và tương lai trong dòng chảy chung ấy...

Cơ hội để phố cổ Gia Hội được “đánh thức”
Một thời đò dọc

Với những người sống bên chân phá Tam Giang, đò dọc là một miền ký ức mà ở đó, mỗi chuyến đò rời bến mang theo sự chờ đợi và khát khao.

Một thời đò dọc

TIN MỚI

Return to top