ClockThứ Hai, 16/09/2019 14:53

Thượng đỉnh Nga- Iran-Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm hòa bình toàn diện cho Syria

Lãnh đạo của 3 nước sẽ cố gắng bảo đảm một lệnh ngừng bắn lâu dài ở khu vực Tây Bắc Syria, tìm giải pháp chấm dứt chiến sự ở tỉnh Idlib.

Nga, Mỹ thảo luận kế hoạch hòa bình chấm dứt cô lập SyriaDamascus (Syria) đón Giáng sinh trọn vẹn đầu tiên sau 7 năm nội chiếnLiên đoàn Arab lấy làm tiếc về tình hình Syria

Hôm nay (16/9), Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ với sự tham dự của Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Iran Hassan Rouhani diễn ra ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ. Lãnh đạo của 3 nước sẽ cố gắng bảo đảm một lệnh ngừng bắn lâu dài ở khu vực Tây Bắc Syria, cũng như tìm giải pháp chấm dứt chiến sự ở tỉnh Idlib.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin (từ trái sang). Ảnh: Iran Press.

Hội nghị Thượng đỉnh ở Ankara đưa các nước đứng về các chiến tuyến khác nhau tại Syria trên một bàn thảo luận. Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Iran Rouhani ủng hộ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Mỹ, châu Âu và các đồng minh Arab ủng hộ các phe phái đối lập khác nhau trong cuộc xung đột tại Syria. Hội nghị dự kiến tập trung vào tỉnh Idlib – căn cứ lớn cuối cùng của các nhóm phiến quân tại quốc gia Trung Đông này.

Sau một thỏa thuận được ký kết giữa Nga và Iran cách đây 2 năm, Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập 12 chốt giám sát quân sự tại khu vực Tây Bắc Syria để giúp giảm các cuộc giao tranh giữa lực lượng đối lập và chính phủ của Tổng thống Syria Al Assad.  Tuy nhiên các chốt quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ gần đây cũng bị trúng đạn do chiến dịch của quân đội chính phủ Syria chống lại các phần tử khủng bố trong khu vực. Tổng thống Erdogan cảnh báo, bất cứ vụ tấn công nào vào các chốt an ninh cũng sẽ đối mặt với sự trả đũa của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, có thể làm gia tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp với Syria. Do đó, Hội nghị Thượng đỉnh 3 bên lần này rất quan trọng để giảm nguy cơ đối đầu hiện nay.

Ngoài ra, giao tranh ở phía Tây Bắc Syria cũng làm gia tăng mối lo ngại về làn sóng di cư mới hướng sang Thổ Nhĩ Kỳ- quốc gia đang giúp đỡ 3,6 triệu người tị nạn Syria. Thổ Nhĩ Kỳ hiện không thể giải quyết được dòng người tị nạn, với cảnh báo sẽ mở cánh cửa cho người di cư sang châu Âu nếu không nhận được sự ủng hộ quốc tế. 

Phát biểu trước thềm Hội nghị, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bày tỏ kì vọng: “Kỳ vọng vào Hội nghị thượng đỉnh lần này không chỉ là một lệnh ngừng bắn mà còn nhiều vấn đề khác nữa. Trước tiên đó là tình trạng di cư phải chấm dứt. Điều này thực sự quan trọng. Thứ 2 đó là đảm bảo một lệnh ngừng bắn và thứ 3 là các tổ chức khủng bố cần được kiểm soát. Nếu không đạt được lệnh ngừng bắn tại đây, sẽ có thêm nhiều người thiệt mạng. Cho đến giờ, hàng trăm, hàng nghìn dân thường đã thiệt mạng do xung đột”.

Tổng thống Iran Rouhani cũng bày tỏ hi vọng, Hội nghị Thượng đỉnh 3 bên sẽ đưa ra các bước đi hiệu quả để giúp người dân và tạo ra tương lai tốt đẹp hơn cho quốc gia Trung Đông này. Theo ông Rouhani, đối phó với khủng bố và sự can thiệp nước ngoài tại Syria, đưa người tị nạn trở về quê hương, cải cách Hiến pháp và tổ chức bầu cử, tái thiết Syria sẽ là những vấn đề cần được đưa ra thảo luận. Tuy nhiên, Tổng thống Iran cũng bác bỏ sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Syria.

“Sự hiện diện của Mỹ trong khu vực là một hành động xâm chiếm, can thiệp, bất hợp pháp. Các vấn đề của khu vực này cần phải được giải quyết bởi các quốc gia trong khu vực, thông qua đối thoại và thỏa hiệp”, ông Rouhani nói. Để thúc đẩy chương trình nghị sự của Hội nghị, Tổng thống Syria Al Assad hôm qua (15/9) đã thảo luận với phái đoàn Nga về nội dung cho Hội nghị.

Cuộc họp Thượng đỉnh ba bên lần thứ 5 được tổ chức trong khuôn khổ Tiến trình Astana - hiệp định do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bảo trợ, nhằm ủng hộ lệnh ngừng bắn tại Syria. Rõ ràng với những xung đột địa chính trị phức tạp như Syria hiện nay thì hòa bình không thể đến dễ dàng chỉ bằng một Hội nghị. Khởi xướng từ năm 2017, trải qua 13 vòng đàm phán, Tiến trình Astana mặc dù chưa thể đạt được một thỏa thuận hòa bình toàn diện cho Syria. Tuy nhiên với sự hợp tác 3 bên hay song phương giữa 3 nước Nga- Iran- Thổ Nhĩ Kỳ khuôn khổ Astana với việc tập trung vào những mục tiêu nhỏ hơn, đang tạo ra sự thay đổi tích cực cho cuộc chiến kéo dài 8 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Chiều 10/1, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2023 và triển khai chương trình công tác năm 2024. UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chủ trì hội nghị.

Gắn phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội
Lạm phát dai dẳng gây ra nghèo đói ở Thổ Nhĩ Kỳ

Trả lời phóng viên, người dân Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, giá của mọi thứ tại nước này đều tăng vọt. Điều này được thể hiện rõ nhất khi giá trà Thổ Nhĩ Kỳ và simit - một loại bánh mì truyền thống - hai món ăn bình dân ở đây đã tăng gấp đôi trong năm qua. Điều này đã và đang ảnh hưởng khá lớn đến đời sống người dân.

Lạm phát dai dẳng gây ra nghèo đói ở Thổ Nhĩ Kỳ
Return to top