ClockThứ Sáu, 08/06/2018 15:02

Thương hiệu và giá trị

TTH - Một thông tin rất được chú ý là xuất khẩu gạo nước ta tiếp tục bứt phá trong cuối quý 2, khi Việt Nam vừa trúng gói thầu 50.000 tấn gạo xuất sang Hàn Quốc.

Xuất khẩu gạo là chuyện không mới, nhưng cái mới ở đây là sản phẩm gạo xuất khẩu là loại chất lượng cao, xâm nhập được thị trường khó tính, có nhiều quy định nghiêm ngặt về chất lượng, với mức giá cao gần gấp đôi so với gạo thông thường. Điều này cho thấy có sự thay đổi lớn trong tư duy, tổ chức sản xuất, gắn xây dựng thương hiệu với nâng cao giá trị nông sản Việt.

Việt Nam là nước nông nghiệp, có nhiều thế mạnh phát triển các loại nông đặc sản. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ có một số ít nông sản khẳng định được thương hiệu, vươn ra thị trường thế giới, còn lại phần lớn tiêu thụ chưa có nhãn mác khiến giá bán thấp và thiếu ổn định.

Tại hội thảo “Phát triển thương hiệu gắn với chuỗi giá trị các đặc sản tỉnh Thừa Thiên Huế” được tổ chức đầu tháng 6 vừa qua, TS. Hồ Thắng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, thông tin, Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng, trong đó đặc biệt là các đặc sản về ẩm thực và nông sản. Đến cuối 2017, có 65 đặc sản gắn với địa danh trên địa bàn Thừa Thiên Huế; trong đó đã có 31 đặc sản được hỗ trợ nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và đã có 1 chỉ dẫn địa lý, 28 nhãn hiệu tập thể được cấp giấy chứng nhận đăng ký.

Nhằm đẩy mạnh phát triển thương hiệu các đặc sản địa phương, từ năm 2013, UBND tỉnh đã phê duyệt “Chiến lược phát triển thương hiệu các đặc sản  tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020”. Sau 4 năm thực hiện, dù đạt một số kết quả nhất định song việc xây dựng, tạo lập, quản lý và phát triển thương hiệu các đặc sản mang tính đặc thù của tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là, các thương hiệu khi xây dựng chỉ dừng lại ở mức độ xác lập quyền đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận hoặc chỉ dẫn địa lý, chưa có giải pháp đồng bộ tổ chức theo hướng như: quy hoạch sản xuất, quy hoạch vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng, quảng bá phát triển thương hiệu một cách bền vững để tăng khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều đặc sản Huế vẫn chưa có thương hiệu làm hạn chế khả năng tiếp cận thị trường trong nước và xuất khẩu.

Một trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay là sự hình thành và phát triển mạnh mẽ thị trường hiện đại; trong đó có sự liên kết chặt chẽ với các hệ thống siêu thị bán sỉ, bán lẻ quy mô lớn.  Các thị trường này đòi hỏi khối lượng hàng hóa lớn và phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh và an toàn thực phẩm. Chưa nói chuyện xuất khẩu, các nông sản muốn “vào” được siêu thị, điều kiện đầu tiên là phải có nhãn mác rõ ràng. Khi có nhãn mác, giá trị sản phẩm cũng tăng lên. Đơn cử, một trái bưởi Năm roi có nhãn mác giá bán 50-60 nghìn đồng, trong khi trái bưởi bày bán ở chợ giá chỉ bằng phân nửa.

Để việc phát triển thương hiệu gắn với chuỗi giá trị các đặc sản hiệu quả, có rất nhiều công việc cần phải làm, từ việc nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp; phát triển vùng nguyên liệu đến hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ ứng dụng quy trình sản xuất và áp dụng công nghệ mới; hỗ trợ quảng bá thương hiệu, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường cho đặc sản… Tất cả những điều này cần có lộ trình, bước đi cụ thể và sự vào cuộc thực sự của tất cả các chủ thể, từ người sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng đến cơ quan quản lý Nhà nước; trong đó rất cần vai trò cầu nối của các doanh nghiệp, hợp tác xã.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO

Với 65 danh hiệu được UNESCO ghi danh, trải rộng trên tất cả 63 tỉnh, thành phố, Việt Nam tiếp tục thể hiện đóng góp có trách nhiệm vào việc làm phong phú, bảo vệ và phát huy kho tàng văn hóa nhân loại.

Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO

TIN MỚI

Return to top