ClockThứ Sáu, 22/02/2019 09:57

Thương học sinh như con

TTH - Sinh năm 1972, từ nhỏ Giang đã ước mơ trở thành cô giáo. Tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế năm 2000, Giang được nhận công tác tại Trường TH Hương Lâm; năm 2005, được chuyển về Trường TH A Roàng cho đến nay.

“Học sinh (HS) tiểu học (TH) luôn bắt đầu như trang giấy trắng, HS các trường vùng bản càng khó khăn khi tiếp thu kiến thức vì không hiểu tiếng Việt”. Là người dân tộc Cơ tu, sinh ra và lớn lên ở mảnh đất vùng cao A Lưới, cô giáo Lê Thị Giang, Hiệu trưởng Trường TH A Roàng thấu hiểu điều này và luôn tận tâm vì HS, xem các em như con cháu của mình.

Cô Giang trao quà cho học sinh nghèo của trường tại chương trình “Xuân yêu thương” năm 2019

Sinh năm 1972, từ nhỏ Giang đã ước mơ trở thành cô giáo. Tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế năm 2000, Giang được nhận công tác tại Trường TH Hương Lâm; năm 2005, được chuyển về Trường TH A Roàng cho đến nay. Hòa mình với những ngôi trường có 100% HS là người dân tộc thiểu số, từ những ngày đầu bước lên bục giảng, việc nâng cao tiếng Việt cho HS được cô Giang chú trọng. Cô tâm sự: “Chính những ánh mắt trong trẻo của các cô, cậu bé có màu da bánh mật, quần áo luôn lấm lem khi bập bẹ nói tiếng Việt đã cho tôi nhiều ý tưởng để xây dựng thành công đề án tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số".

Đa số phụ huynh là hộ nghèo, ai cũng quanh năm vất vả để lo cái ăn cái mặc nên chẳng mấy ai quan tâm đến con cái; nhiều HS nhà cách trường gần chục cây số; không ít em đến trường với cái bụng đói, có em nghỉ học chỉ vì không có áo mưa hay dép..., đã vậy, nghe giảng lại câu hiểu câu không. Các em ngại đến trường cũng là điều dễ hiểu, mùa mưa có khi chỉ khoảng 40% học sinh đến lớp.

Cô Giang trải lòng: “Nhiều phụ huynh có thái độ bất hợp tác nên mình phải thể hiện được tấm chân tình và phải kiên trì”. Rồi cô kể, có người vì tự ti tỏ ra tự ái khi thấy cô giáo mang quà đến, nhưng sau nhiều lần đi đi về về cô đã trở nên thân thiện và gần như chưa bao giờ thất bại. Nhiều HS nhờ đó cũng đã vượt qua khó khăn để tiếp tục việc học. Trường hợp em A King Tuấn Đạt, mồ côi mẹ, ở thôn Hương Sơn cách trường hơn 5km thì có 2km đường phải qua ruộng nên chỉ đi bộ. Ba của Đạt lại suốt ngày say xỉn. Để gặp được ba Đạt lúc tỉnh, cô Giang phải nhiều lần đến nhà mới trao đổi, động viên để ông dành thời gian hơn cho con.

Em Kăn A Lưng, HS lớp 5/1, ba mất cách đây 2 năm, mẹ không quan tâm, có hôm em đến trường mặt tái nhợt vì đói, cô phải mua mì gói cho em ăn rồi tìm gặp mẹ em để khuyên nhủ. Giờ Đạt đang là HS Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh. Còn A Lưng, năm nào cũng hoàn thành tốt các môn học.

Năm 2008, được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng từ năm 2017, cô Giang vừa hết lòng truyền đạt kinh nghiệm cho đồng nghiệp vừa lấy việc tăng tỷ lệ học sinh chuyên cần làm một trong những tiêu chí xét thi đua. Với cách làm này, tỷ lệ HS chuyên cần ở A Roàng đến nay luôn đạt từ 95 đến 100% (kể cả mùa mưa). Cùng với đó, cô chỉ đạo giáo viên vừa tăng cường sử dụng tiếng Việt vào bài giảng vừa phải học tiếng địa phương mới dễ dàng giúp HS giải thích từ khó. Mỗi năm nhà trường tổ chức từ 7 đến 8 hoạt động phong trào như: Xuân yêu thương, giới thiệu và kể chuyện sách, đố vui để học... tạo môi trường giao tiếp giúp HS vừa nâng cao vốn tiếng Việt vừa thích đến trường hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của trường.

Ông Trần Duy Nguyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới, nhận xét: “Tỷ lệ HS giỏi đạt từ 5 đến 10% và giành nhiều giải cấp huyện, được tham gia giao lưu cấp tỉnh là thành tích khó đạt được với những trường TH vùng bản. A Roàng làm được điều này bên cạnh sự nỗ lực của đội ngũ CBGV, còn có sự nỗ lực không ngừng của cô hiệu trưởng. Chúng tôi đánh giá cao điều đó".

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Sắc Huế trong em”

Đây là chủ đề hội chợ trường học lần thứ V, năm học 2023 – 2024 do Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức ngày 24/3.

“Sắc Huế trong em”
Chế biến trà từ hoa sim

Từ việc nghiên cứu đề tài tham dự cuộc thi khoa học – kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học, nhóm học sinh Trường THPT Đặng Trần Côn đã chế biến trà túi lọc từ hoa sim, một sản phẩm độc đáo từ nguồn nguyên liệu địa phương.

Chế biến trà từ hoa sim
Học sinh nghiên cứu khoa học

Phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh với nhiều đề tài có tính ứng dụng cao đã góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.

Học sinh nghiên cứu khoa học

TIN MỚI

Return to top