ClockThứ Hai, 15/03/2021 16:19

Thương nhớ ngày xưa

TTH - Năm học 2005 - 2006, tôi được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi môn văn để tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh.

Lớp 12/4, niên khóa 2003-2006 cùng giáo viên chủ nhiệm lớp chụp ảnh lưu niệm tại Trường THPT Vinh Lộc 

Năm 2003, tôi vào học lớp 10/4 Trường THPT Vinh Lộc với bốn mươi học sinh, mỗi đứa một cá tính khác nhau. Cô Hồ Thị Ngọc Bích - giáo viên chủ nhiệm là một cô giáo đầy nhiệt huyết và rất tâm lý. Tôi nhớ mãi giọng nói dịu dàng, truyền cảm của cô, cũng như cách cô xử lý những tình huống của lớp chủ nhiệm. Những lần chúng tôi sai phạm, cô thường tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân rồi nhẹ nhàng đưa ra lời khuyên bảo, tâm tình như một người bạn, một người chị. Nếu học sinh phạm lỗi là nữ, cô ít khi phê bình trước lớp mà gặp riêng để trao đổi. Sau này khi đi dạy, tôi mới hiểu đó chính là sự tinh tế, khéo léo của cô trong ứng xử với học trò.

Năm học 2005 - 2006, tôi được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi môn văn để tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh. Và hai thầy cô đồng hành cùng tôi là hai giáo viên dạy văn: thầy Nguyễn Công Nam và cô Nguyễn Thị Kim Tường, đã chỉ dạy tận tình cho tôi qua những tiết bồi dưỡng học sinh giỏi. Sách vở thời ấy còn hiếm hoi, có được quyển sách nào hay, thầy cô lại cho tôi mượn đọc. Thầy cô luôn bên cạnh động viên tôi: “Chắc chắn em sẽ làm được, sẽ đạt giải cao”. Có lẽ sự kỳ vọng ấy là động lực để tôi cố gắng ngày đêm miệt mài trên trang sách. Những nỗ lực của thầy trò cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng. Giữa tháng 11/2005, nghe kết quả báo về tôi được giải nhất - điều tôi chưa bao giờ nghĩ đến, cô giáo chủ nhiệm và những thầy cô dạy tôi vui mừng đến rơi nước mắt.

Theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo, tôi sẽ tập trung cùng đội tuyển quốc gia để ôn thi 3 tháng tại Trường THPT chuyên Quốc Học. Lần đầu tiên phải xa nhà, lên phố cách 40km để học, con bé nhà quê cứ nửa mừng nửa lo. Biết được những lo lắng, băn khoăn của tôi, thầy Phan Văn Lâu - hiệu trưởng lúc bấy giờ (nay đã nghỉ hưu), đã gặp tôi và nói rằng: “Em cứ yên tâm mà học. Chỗ ăn, chỗ ở và chi phí học tập, nhà trường sẽ lo hết. Em chỉ có một việc là học thôi nghe”. Thế là một “chiến dịch” được phát động. Các thầy trong ban giám hiệu đã kêu gọi thầy cô và học sinh trong nhà trường ủng hộ để tôi trang trải chi phí học tập, mua sắm tài liệu, sách vở. Dù lúc đó cuộc sống còn khó khăn, nhưng thầy cô và bạn bè trong trường đều hết lòng ủng hộ tôi.

Tôi vẫn còn nhớ những ngày tháng 11 mưa Huế dầm dề và ướt lạnh, thầy Nam và thầy Hạnh đã đi mua cho tôi từng tấm chăn, cái chậu, cho đến cái ly uống nước. Hai thầy chạy xe máy vượt quãng đường 40km dưới trời mưa tầm tã, lên đến Trường Quốc Học để sắp xếp, ổn định chỗ ở cho tôi tại ký túc xá. Hình ảnh hai thầy áo quần ướt sũng mà vẫn luôn miệng động viên tôi cố gắng học tốt, mãi mãi là hình ảnh đẹp đẽ, thân thương mà tôi không bao giờ quên.

Những ngày học tập tại Trường Quốc Học, thầy cô, bạn bè ở Vinh Lộc vẫn thường xuyên thăm hỏi tôi. Thời đó chúng tôi không có điện thoại, cho nên, cách 40km mà chúng tôi cũng viết thư. Những lá thư đầy tình cảm của lũ bạn thân, tôi vẫn còn giữ. Qua những lá thư, tôi biết thầy cô, bạn bè tôi vẫn luôn dõi theo từng bước chân tôi. Bức thư nào cũng có những lời nhắn nhủ của thầy cô: “Có gì khó khăn, em cứ nói nhé”. Những ân tình ấy chính là động lực lớn cho tôi cố gắng từng ngày.

Tháng 3/2006, kết thúc những tháng ngày miệt mài cùng đội tuyển, tôi đón một tin vui nữa: tôi đạt giải ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia. Những giọt nước mắt vui mừng, hạnh phúc lại long lanh trong mắt cô thầy. Một “chiến dịch” nữa được phát động: nhà trường kêu gọi các tổ chức, cá nhân tiếp tục ủng hộ để tôi bước tiếp vào cổng trường đại học. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh thầy Lê Tỏa với chiếc xe đạp cũ kỹ, đi vận động cho tôi 500 ngàn đồng. Cô Quỳnh Hoa dạy hóa xin một người bạn ở nước ngoài cho tôi 100 USD... Cuối năm học, từ sự vận động của nhà trường, tôi nhận được khoảng 10 triệu đồng học bổng - một con số không hề nhỏ ở thời điểm đó. Bao khó khăn, lo lắng trước mắt của tôi dường như tan biến hết. Tôi lại tiếp tục ước mơ của mình: bước vào đại học để trở thành một cô giáo dạy văn.

Bốn năm học tại Trường đại học Sư phạm Huế trôi qua như chớp mắt. Cầm tấm bằng đỏ trên tay, tôi băn khoăn đứng trước hai lựa chọn: dạy tại một ngôi trường ở thành phố Huế hay về lại trường cũ. Phải nói rằng, đó là một quyết định không dễ. Bạn bè, người thân khuyên tôi nên ở lại thành phố, sẽ có “điều kiện” hơn cho cuộc sống sau này. Thế nhưng, hình ảnh ngôi trường thân thương với bao kỷ niệm của thời áo trắng lại hiện ra. Ở quê nhà ấy, lớp con em những người nông dân nghèo hiếu học vẫn chờ đợi tôi đem con chữ về. Ở nơi ấy, những thầy cô cũ của tôi đã nhắn nhủ: “Cổng trường Vinh Lộc đang mở rộng đợi em trở về”. Chính ân tình ấy thúc giục tôi trở về quê hương, về với cội nguồn.

Và hôm nay, tôi đã gắn bó với ngôi trường Vinh Lộc hơn 10 năm với vai trò là một giáo viên. Dẫu đôi lúc không tránh khỏi những bộn bề, lo toan trong cuộc sống cũng như có những trăn trở trong nghề giáo, nhưng mỗi lần gặp khó khăn, tôi lại nhớ mình đã được thầy cô thương yêu, dìu dắt như thế nào, để vững tin hơn vào con đường mình đã chọn. Tôi biết mình còn nợ cuộc đời này quá nhiều nghĩa tình. Bởi lẽ, nếu ngày ấy tôi không được thầy cô, bạn bè động viên và thương yêu hết lòng, có lẽ ước mơ trở thành một giáo viên của tôi vẫn còn dang dở. Tôi thầm nguyện sẽ tiếp bước thầy cô tôi - tiếp tục đan dệt cho các học trò tôi những kỉ niệm đẹp đẽ, sẽ toàn tâm truyền ngọn lửa của niềm tin và tri thức cho các em, để quãng đời học sinh mãi mãi là ký ức tươi xanh trong mỗi đứa học trò.

ThS. Hoàng Thị Hường

Cựu học sinh niên khóa 2003-2006 Giáo viên Ngữ văn Trường THPT Vinh Lộc (Phú Lộc)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kỷ niệm 153 năm Ngày sinh V.I. Lênin (22/4/1870 – 22/4/2023):
Chính sách kinh tế mới vẹn nguyên giá trị

Ra đời cách đây 102 năm, chính sách kinh tế mới (NEP) do V.I. Lênin vạch ra vẫn còn nguyên giá trị đối với cách mạng thế giới. Ở Việt Nam, sự vận dụng thành công trong công cuộc đổi mới của Đảng ta cho thấy ý nghĩa to lớn của chính sách này.

Chính sách kinh tế mới vẹn nguyên giá trị
Nhớ những trò chơi trẻ con ngày xưa

Đã ngoài tuổi 40, nhưng mỗi lần có dịp về quê gặp lại bạn bè, chúng tôi vẫn luôn vô tư hồn nhiên như ngày còn bé, cùng nhau hàn huyên nhắc lại những kỷ niệm tuổi thơ.

Nhớ những trò chơi trẻ con ngày xưa
Thương nhớ Giêng Hai

Mưa xuân như sương, sớm mai còn lất phất, thoáng chốc nắng ngọt đã hừng qua phố.

Thương nhớ Giêng Hai
Nhớ lụt

Buổi tối, trong tiếng mưa đêm ầm ầm dội xuống mái tôn,cả nhà ngồi xúm xuýt quanh rổ đậu phụng vừa bóc vỏ, vừa theo dõi các bản tin về mưa lũ.

Nhớ lụt
Hoàng lan thương nhớ

Năm học cấp 3, tôi đặc biệt yêu thích tác phẩm “Dưới bóng hoàng lan” của nhà văn Thạch Lam

Hoàng lan thương nhớ
Return to top