ClockThứ Tư, 22/01/2020 10:31

Thượng thành chưa xa đã nhớ

TTH.VN - Một phần cư dân nương trú Thượng thành Huế sẽ ăn cái tết cuối cùng trên mảnh đất đã cưu mang mình trước khi nói lời từ biệt để về nơi an cư mới. Thượng thành chưa xa đã nhớ, chưa đi đã buồn bởi những triền đất kéo dài theo bờ thành rêu phong lịch sử ấy chất chứa những câu chuyện gắn bó cảm động giữa người với người, giữa đất và người…

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ mong người dân Thượng Thành sau tết triển khai xây nhà ngayChủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ tặng quà tết bà con Thượng ThànhNiềm vui trong ngày nhận đất

Một ngôi nhà trên thượng thành được gia chủ trang trí rất nhiều chậu hoa từ lối vào cho đến bên trong rất đẹp để đón cái tết cuối cùng trước khi bàn giao đất cho việc giải tỏa, để đi về nơi ở mới

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn…” - những câu thơ năm nào của nhà thơ Chế Lan Viên dường như để viết về những cuộc đời, phận người đang chuẩn bị rời xa thượng thành.

Cái tết thứ 2, chúng tôi quay trở lại thượng thành, thuộc khu vực 1 di tích Kinh thành Huế nơi có hàng ngàn hộ dân nằm trong diện di dời, giải phóng mặt bằng để trả lại sự trang nghiêm cho di sản. Và gần 500 hộ dân nằm trong diện di dời đầu tiên đón chúng tôi với nụ cười niềm nở, thay cho những nghi ngại như những lần trước. Bởi rất đơn giản, họ đã đón chào tin vui trước những ngày chia tay năm cũ, để đón năm mới Canh Tý: Vừa bốc thăm nhận đất ở khu tái định cư thuộc phường Hương Sơ (TP. Huế).

Những con kiệt sâu hun hút được tạo nên bởi một bên bờ thành xưa cũ, một bên là những khối bê tông tạm bợ. Men theo lối dẫn ấy, đã có những ngôi nhà tự nguyện bàn giao mặt bằng, đi thuê chỗ ở khác. Nhưng cũng có những gia đình quyết định ở lại để làm mâm cúng tất niên cuối năm, đón năm mới với mảnh đất mà mình đã gắn bó qua nhiều thế hệ.

“Đây là mâm cúng tất niên cuối năm của gia đình tôi ở ngôi nhà này. Hơn 50 năm nương tựa, qua ba thế hệ vì thế thượng thành như một phần máu thịt, mà nếu không có mảnh đất này, chắc gì có tụi tui hôm nay”, ông Trần Điền nói với giọng hàm ơn căn nhà, mảnh đất nằm cạnh bờ thành thuộc kiệt 98 đường Xuân 68 (phường Thuận Lộc). Cũng như mâm cũng tất niên của nhiều gia đình khác, nhưng có cái gì đó nghẹn ngào trong ánh mắt của người đàn ông đã qua tuổi ngũ tuần, rất khó nói.

Ông Điền kể, đã bóc thăm đất rồi, rất vui. Ra tết sẽ nhận đất, và xây cất một ngôi nhà mới. Những thế hệ con, cháu sẽ tiếp nối ở vùng đất mới, chưa biết vui buồn ra sao nhưng đó là hành trình của cuộc đời. “Nhưng cũng buồn. Bởi sẽ rất nhớ vùng đất không bao giờ lụt lội – ông Thành nói - Tuy nghèo, nhưng tình làng nghĩa xóm bao giờ cũng ấm áp bởi sự chở che, chia sẻ cho nhau”. Không riêng gì ông Điền, mà người dân nào sống ở thượng thành cũng hiểu cái tình, cái nghĩa khó có gì đánh đổi ấy.

Trong cái vui buồn lẫn lộn ấy, bà Lê Thị Ẩn vừa bước qua tuổi 70 – một trong những cư dân có gần 40 năm sống trên đất thượng thành cũng hồi tưởng về vùng đất mà mình sắp phải đi xa. Người vùng Phú Lương (Phú Vang), 30 tuổi về Thượng thành làm dâu, tưởng rằng lên phố sẽ khác, ai ngờ phố còn chật chội hơn quê vậy mà thấm thoắt cũng gần 40 năm. Chỉ về những đứa nhỏ chạy nhảy ngoài những khu đất trống của một căn nhà vừa dời đi, bà nói đó là thế hệ thứ 3 của thượng thành. “Tụi tui thì buồn thật. Đi xa vùng đất mà mình nương náu gần nửa cuộc đời ai mà không hoài niệm. Nhưng phải đi thôi, vì mấy tụi nhỏ đó, vì cuộc đời mới”, bà Ẩn ngậm ngùi và mong rằng cả xóm thượng thành sẽ được gặp nhau ở khu tái định cư mới, như vậy sẽ vui hơn.

Cuộc di dân lịch sử đang rục rịch bắt đầu. Người dân sẽ phải rời vùng đất bao nhiêu năm mình “ký sinh” và thượng thành sẽ trở về đúng nghĩa công trình lịch sử, một phần không thể tách rời của di sản Huế. 

Thượng thành, những ân tình vẫn còn đó với hàng ngàn phận đời từng gắn bó. Và ân tình ấy, sẽ trọn vẹn khi cuộc sống của người dân di dời về nơi ở mới sẽ khan trang, tươm tất hơn…

Những hình ảnh của người dân thượng thành sẽ di dời đợt đầu tiên được Thừa Thiên Huế Online ghi lại vào những ngày giáp Tết Canh Tý:

Trước Tết Nguyên đán, gần 500 hộ dân khu vực thượng thành thuộc 4 phường Thuận Lộc, Thuận Thành, Thuận Hòa và Tây Lộc đã rất vui khi được bốc thăm chọn đất ở khu tái định cư thuộc phường Hương Sơ

Một ngôi nhà đã tự nguyện bàn giao mặt bằng, trả đất cho di sản để thuê nhà ở trước khi về khu tái định cư mới

Rồi đây những bậc thang “dã chiến” quen thuộc ở những xóm Thượng thành như thế này sẽ đi vào dĩ vãng

Trước đó, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng chung với niềm vui người dân thượng thành trong đợt bốc thăm chọn đất ở khu tái định cư mới

Những đứa trẻ sống trên đất thượng thành có lẽ chưa hiểu nhiều về chuyện giải tỏa, di dời. Nhưng một phần cuộc đời của các em sẽ có ít nhiều ký ức về tuổi thơ nơi mình từng gắn bó

Sau Tết Nguyên đán, cuộc di dân đầu tiên khỏi di tích Kinh thành Huế sẽ bắt đầu

Nếu toàn bộ 4.200 hộ dân chuyển đi, với gần 15.000 người, thì đây là một cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử xây dựng và bảo tồn Kinh thành Huế

Bà Lê Thị Ẩn vừa bước qua tuổi 70 – một trong những cư dân có gần 40 năm sống trên đất Thượng thành (trái) ngồi trò chuyện với người bạn già của mình. Họ cũng ao ước sẽ được làm hàng xóm khi về nơi ở mới 

Những con hẻm sâu với lối dẫn dốc dẫn lên thượng thành rồi đây sẽ vắng bóng người xe qua lại

Ông Trần Điền cùng vợ ở trên Thượng thành, kiệt 98 đường Xuân 68 chuẩn bị cho mâm cúng tất niên mà ông gọi là mâm cúng tất niên cuối cùng sau gần 50 năm nương tựa vào mảnh đất này 

Clip những đứa trẻ ở vùng đất Thượng thành ở Thuận Lộc sẽ đón cái tết cuối cùng ở đây, ra tết sẽ di chuyển đến khu tái định cư mới

Bài, ảnh, Clip: P.Thành 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người Huế thong dong đến chùa lễ Phật ngày đầu năm mới

Dù thời tiết trời mưa phùn và lạnh nhưng rất nhiều người dân xứ Huế đã tìm đến các ngồi chùa vào sáng mùng 1 tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 để lễ Phật, cầu một năm mới may mắn bình an, vạn sự hanh thông cho bản thân và gia đình.

Người Huế thong dong đến chùa lễ Phật ngày đầu năm mới
Dòng người đón Giao thừa bên bờ sông Hương

Đúng thời khắc Giao thừa chuyển giao năm cũ Quý Mão sang năm mới Giáp Thìn 2024, màn pháo hoa tầm cao được bắn lên trên bầu trời ngay Kỳ đài, phía trước Ngọ Môn trong tiếng reo vui, chúc nhau một năm mới an lành, hạnh phúc.

Dòng người đón Giao thừa bên bờ sông Hương
Cuối năm “vẽ” bình an

Chỉ còn vài ngày nữa là đến tết Nguyên đán, ngoài đường phố, không khí nhộn nhịp, rộn ràng. Còn ở lớp vẽ nhỏ nép mình trong con hẻm trên đường Điện Biên Phủ, các học viên đang chăm chú hết mức có thể. Đặt tâm trí vào từng đường cọ, nét bút, họ đang trang trí cho những quả dừa trong workshop “Vẽ dừa trang trí tết”.

Cuối năm “vẽ” bình an
Return to top