ClockThứ Bảy, 01/02/2014 06:51

Thưởng trà ngày xuân

TTH.VN - Năm nào cũng vậy, trong ngày đầu năm mới, nghệ nhân ưu tú Lê Văn Kinh, người thợ thêu khéo léo bậc nhất Việt Nam đều đón chào những vị khách quý để cùng ông thưởng trà ngày xuân.
Trong không khí trong lành và thiêng liêng của ngày đầu năm mới, bên chén trà tỏa hương thơm thanh khiết, những người bạn tri âm, tri kỷ cùng nhau nói về nghệ thuật uống trà của người Việt. Uống trà đã trở thành một thói quen của người Á Đông, trong đó có người Việt. Chén trà chính là chiếc cầu nối tâm giao cho những người bạn. Qua thời gian, thói quen uống trà đã được nâng tầm thành một nét văn hóa hàng ngày của người Việt Nam. Khác với trà đạo của Nhật Bản hay nghệ thuật ẩm trà của người Trung Hoa, nghệ thuật uống trà của người Việt có những nét đặc trưng riêng. Nghệ nhân ưu tú Lê Văn Kinh kể: “Tôi sống với ông ngoại tôi là một vị quan trong triều đình nhà Nguyễn từ nhỏ nên được uống trà rất sớm. Khác với người Trung Hoa khi uống trà phải dùng một tay che miệng, ông ngoại tôi dạy tôi rằng: khi uống trà ngón tay cái và ngón tay trỏ giữ hai bên miệng chén trà, ngón tay giữa đặt dưới đáy chén, khi uống chỉ cần xoay tay lại là có thể che luôn được miệng. Tôi thấy rất thú vị...”. Bác sĩ Dương Đình Châu đồng tình với cách uống trà mà ông Kinh vừa nói và thêm rằng: “Khi uống trà phải uống từng ngụm nhỏ và ngậm thật lâu để hương vị của trà đi lên đường mũi. Cách uống đó được gọi là tiên ẩm”.
 

Nghệ nhân Lê Văn Kinh cùng khách thưởng trà

 
 
Cũng theo bác sĩ Dương Đình Châu thì cha đẻ của trà là ông Thần Nông, người mà theo truyền thuyết chuyên làm công việc nếm cỏ cây và tình cờ đã phát hiện ra trà. “Một hôm, ông Thần Nông ông uống rượu say quá và nằm luôn ở rừng, tỉnh dậy ông hái một ngọn lá ở cây bên cạnh và thấy một hương vị thật dễ chịu, trà ra đời từ đó...”. Trà với người Việt là bạn thâm tình từ khi mới sinh ra, lớn lên và khi mất đi thì con cháu cũng cúng trà cho ông bà cha mẹ. Ở Việt Nam, người viết về trà đầu tiên là ông Dương Thiện Tích đời vua Lý Huệ Tông. Nhưng tác phẩm viết về trà kỹ nhất là “Vũ trung Tùy bút” của Phạm Đình Hổ. Còn theo dịch giả Bửu Ý thì cũng với các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc thì người Việt đã uống trà từ xa xưa. Nếu như người Nhật Bản đã nâng chuyện uống trà thành trà đạo, người Trung Hoa có những loại trà quý hiếm thì chén trà đã trở thành một người bạn tâm tình của tất cả các gia đình người Việt. Trà đã đỡ đần cho con người về tình cảm, tư duy. Uống trà để định tâm, từ hay nhất để nói về nghệ thuật uống trà là: Thưởng trà. Ở thế kỷ XVI, Dương Văn An đã có nhắc đến một loại trà gọi là trà lưỡi sẻ trên đồi núi An Cựu. Đây là loại trà mọc nhiều ở các vùng núi miền Trung trước đây. Ngày nay thì ở Việt Nam, nhất là vùng đồi núi phía Bắc có rất nhiều loại trà ngon, nổi tiếng nhất và là trà Thái Nguyên. Chính vì có nhiều loại trà ngon như vậy nên người Việt đã hình thành nên thói quen nghệ thuật thưởng trà. Có mặt trong câu chuyện về trà của người Việt có một người bạn Pháp đã sống và làm việc ở Huế lâu năm là ông Christophe. Ông cho biết đã biết uống trà của người Việt từ lâu nhưng đây là lần đầu tiên nghe câu chuyện về nghệ thuật thưởng trà hay và lạ của người Việt. Christophe mong muốn sẽ được hiểu thêm về nghệ thuật gần gũi và văn hóa này của Việt Nam

Ngày đầu xuân cùng tìm hiểu về nghệ thuật uống trà, thưởng trà của người Huế để càng thấy yêu hơn nét văn hóa truyền thống của vùng đất kinh kỳ.

Bài, ảnh: Phi Tân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top