ClockThứ Tư, 26/08/2015 10:04

Thường trực Chính phủ họp về tình hình kinh tế vĩ mô

TTH.VN - Chiều 25/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ và một số bộ, ngành chức năng để đánh giá về những biến động của kinh tế thế giới gần đây tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời chủ động đưa ra những giải pháp chính sách nhằm hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực, khai thác tốt nhất các mặt thuận lợi, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.

Báo cáo của các bộ, ngành chức năng đã tập trung phân tích tình hình, đưa ra các đánh giá và kiến nghị liên quan vấn đề giá dầu thế giới giảm mạnh, diễn biến bất thường của các thị trường chứng khoán trên thế giới, những điều chỉnh của dòng vốn quốc tế sau khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ và việc điều chỉnh chính sách tỉ giá của nhiều nước trên thế giới.

Cùng với đó, kinh tế thế giới có thêm những dấu hiệu khó khăn, tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi giảm sút, trong đó có Trung Quốc - nền kinh tế quy mô lớn thứ 2 thế giới.

Phân tích và nhận định về những diễn biến trên, cũng như những tác động, ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành chức năng và phát biểu của các Phó Thủ tướng Chính phủ đều cho rằng, phản ứng chính sách và những giải pháp bước đầu đưa ra vừa qua là kịp thời, phù hợp.

Tuy nhiên, diễn biến khó lường của kinh tế thế giới đòi hỏi phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ, phân tích, đánh giá đầy đủ, nhận định và thông tin chính xác để từ đó đưa ra các giải pháp, đối sách một cách chủ động, kịp thời, hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực và khai thác tốt nhất các mặt thuận lợi. 

Về giá dầu thô sụt giảm sâu, các ý kiến đều khẳng định diễn biến này cũng như tác động của giá dầu giảm đến thu ngân sách đã được dự báo ngay từ đầu năm 2015. Các bộ, ngành chức năng đã báo cáo Chính phủ các kịch bản ứng phó, kể cả kịch bản giá dầu giảm ở mức thấp nhất.

Bộ Tài chính khẳng định với giá dầu như hiện nay, thu ngân sách vẫn đảm bảo theo kế hoạch đặt ra và quyết tâm thực hiện vượt thu 8%.

Đối với diễn biến giảm trên thị trường chứng khoán Việt Nam những tuần qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các bộ, ngành đánh giá chủ yếu là do yếu tố tâm lý; thời gian tới thị trường sẽ hồi phục và tiếp tục có những dòng tiền mới được đưa vào thị trường.

Đối với tỉ giá và lãi suất, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, việc tỉ giá bị đẩy lên sát trần những ngày qua, các dấu hiệu căng thẳng về lãi suất ở một số thời điểm và hiện tượng một số doanh nghiệp mua găm ngoại tệ cũng là yếu tố tâm lý.  

Thường trực Chính phủ họp về tình hình kinh tế vĩ mô

"Chúng ta đã điều chỉnh tỉ giá đồng Việt Nam khá lớn và không có lý do gì để tiếp tục phá giá đồng tiền Việt Nam nữa. Vấn đề còn lại là niềm tin thị trường”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định.

Tại cuộc họp, ý kiến của các bộ, ngành chức năng khẳng định, với những quyết định chính sách vừa qua, về tổng thể chúng ta vẫn kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô, các chỉ tiêu về tăng trưởng, lạm phát, thu ngân sách, kiểm soát bội chi, hoạt động xuất nhập khẩu cũng như sản xuất kinh doanh vẫn bảo đảm như mục tiêu đã đề ra.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh các bộ, ngành chức năng đã bám sát diễn biến tình hình, chủ động phối hợp và kiến nghị các chính sách kịp thời, phù hợp. 

“Qua những diễn biến vừa rồi cũng như đánh giá của các bộ, cơ quan chức năng, có thể nói chưa có dấu hiệu gì lớn làm đảo lộn kinh tế vĩ mô hay buộc chúng ta phải điều chỉnh mục tiêu”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, những diễn biến còn hết sức khó lường của kinh tế khu vực và thế giới đều tác động đến Việt Nam mà nếu không nắm chắc, ứng phó không tốt, không kịp thời, chủ động thì chúng ta không những không đối phó, khắc phục được những khó khăn, thách thức mà còn không tận dụng được những cơ hội mới.

Do vậy, các bộ, ngành chức năng không được chủ quan, tiếp tục dõi sát diễn biến tình hình, phân tích, dự báo, đưa ra các giải pháp, đối sách kịp thời, phù hợp, kể cả trong những tình huống xấu nhất.

“Luôn luôn tính toán các phương án khác nhau, kể cả phương án xấu nhất. Chỉ có như vậy chúng ta mới chủ động được. Đồng thời phải chủ động thông tin về tình hình, dự báo, các giải pháp để người dân, doanh nghiệp biết, chủ động, đồng thuận chính sách, không gây tâm lý hoang mang không cần thiết”, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành.

Với tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành kiên định các mục tiêu điều hành đã đề ra, trong đó lấy ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu cao nhất. Không thay đổi các chỉ tiêu như tăng trưởng GDP, kiểm soát lạm phát, thu chi ngân sách, xuất nhập khẩu…

Kiểm soát tốt, bảo đảm giữ ổn định tỉ giá, lãi suất; tiếp tục các giải pháp phát triển và quản lý thị trường chứng khoán đang thực hiện hiệu quả; bảo đảm cân đối thu chi ngân sách, phấn đấu tăng thu và triệt để tiết kiệm chi.

Đồng thời, các bộ, ngành tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, trong đó có sản xuất, kinh doanh dầu khí; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu đồng thời tập trung chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Theo VPCP
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chặn sim rác ra thị trường

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) yêu cầu từ sau ngày 15/4, các doanh nghiệp viễn thông chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện sim được phát triển mới không đúng quy định.

Chặn sim rác ra thị trường
Quốc lộ 1A qua Thừa Thiên Huế đang quá tải

Tuyến Quốc lộ (QL) 1A đi qua địa bàn Thừa Thiên Huế hiện đang quá tải trước sự gia tăng của các phương tiện tham gia giao thông. Áp lực này càng gia tăng hơn kể từ ngày 4/4 vừa qua, cao tốc Cam Lộ - La Sơn phân luồng không cho xe khách trên 30 chỗ và xe tải từ 6 trục trở lên, xe rơ-mooc, sơ mi rơ-mooc vào.

Quốc lộ 1A qua Thừa Thiên Huế đang quá tải
Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

Cùng với cả nước, trong tháng 4 này, Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân và tăng tốc thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Với sự trợ giúp từ phần mềm CAPI (một mô-đun phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn thực địa chuyên dụng) trên thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng điều tra viên “tăng tốc” trong quá trình thực hiện điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở
Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục nắng nóng gay gắt

Dự báo hôm nay (18/4), ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi hơn 38 độ C. Cảnh báo, nắng nóng có thể gây ra tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục nắng nóng gay gắt
Return to top