ClockThứ Hai, 06/07/2015 14:15

Thủy Bằng khát nước sạch

TTH - Chuyện khát nước sạch ở 4 thôn của xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy) không mới. Nhưng bao giờ dân mới có nước sạch thì chưa có câu trả lời, mặc dù khu vực này chỉ cách TP Huế hơn 10 cây số.

Không có nước sinh hoạt, người dân thôn Tân Ba phải đến xin nước ở một công ty cát sạn tư nhân

Chắt chiu từng giọt nước

Dọc theo tuyến đường nối liền các thôn Tân Ba, Vỹ Dạ, Võ Xá, Nguyệt Biều những ngày này, câu chuyện về… nước sạch cứ râm ran quanh các đường làng, ngõ xóm. Hình ảnh người dân thôn Tân Ba mỗi ngày hai buổi, sáng sớm hoặc chiều tối xách can nhựa đến xin nước sinh hoạt tại Công ty khai thác cát sạn tư nhân Tuyết Liên khiến ai cũng phải trăn trở. Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Nhỡn (thôn Tân Ba), bảo rằng: “Cuộc sống của bà con nơi đây đã thay đổi rất nhiều, không còn lo cái ăn, cái mặc nữa. Duy nhất một ước mơ nước sạch đảm bảo vệ sinh thì vẫn không biết bao giờ mới có”.

Lâu nay, người dân thôn Tân Ba chủ yếu sử dụng nước sông Hương phục vụ sinh hoạt hàng ngày, nhưng nguồn nước này không còn đảm bảo. “Thôn Tân Ba có 125 hộ, 545 khẩu. Mấy chục năm nay, mọi sinh hoạt của người dân đều chủ yếu sử dụng nước sông. Từ khi đắp đập Tả Trạch, cộng với các tàu thuyền khai thác cát sạn hoạt động ngày càng nhiều khiến cho dòng sông đục hơn, thậm chí còn ô nhiễm. Người dân chừ ai cũng ngại dùng nguồn nước này”, ông Lê Nhơn, Trưởng thôn Tân Ba cho biết.

Ngoài sử dụng nước sông, toàn thôn Tân Ba có 6 cái giếng khoan, nhưng chỉ có số ít sử dụng được. Về mùa mưa, giếng còn có tác dụng, những lúc nắng hạn thường trơ đáy. “Vì điều kiện địa chất nên nơi đây rất khó tìm được mạch nước ngầm. Đào được một cái giếng cũng phải mất mấy chục triệu đồng, đào xong chưa chắc đã có nước, trường hợp này đã từng xảy ra, vừa tốn công, tốn của lại không có tác dụng. Bà con trong thôn hàng ngày phải đi xin nước để sinh hoạt. Việc tắm giặt phải dùng nước sông”, ông Nhơn nói.

Tương tự, chuyện nước sạch của hàng trăm hộ dân ba thôn Vỹ Dạ, Võ Xá, Nguyệt Biều cũng không khá hơn là mấy. Hàng ngày, họ phải dùng nước giếng để sinh hoạt, nhưng nguồn nước có đảm bảo vệ sinh hay không thì vẫn còn là một dấu hỏi. Ông Trương Thế Ninh (56 tuổi, thôn Vỹ Dạ) dẫn chúng tôi đến giếng nước vừa mới khoan. Quan sát của chúng tôi, nguồn nước ngầm bị váng đục và có mùi phèn rất khó chịu. Để có nước dùng cho sinh hoạt, ông Ninh dùng một cái bể lọc nước tự chế, trong bể có đá, than và một bao lóng phèn.

“Vùng đất tại khu vực này không phải chỗ mô khoan giếng cũng có nước. Nhiều năm trước gia đình tui không có nước để sinh hoạt, không có điều kiện để khoan giếng nên phải đi xin ở các nhà hàng xóm. Hơn 6 năm đi xin nước dùng, thấy quá ngại nên tui đầu tư khoan một cái giếng, nhưng nguồn nước nhiễm phèn, có mùi hôi nên phải tự chế một bể lọc. Nước qua bể lọc trong hơn nhưng đảm bảo vệ sinh hay không thì không ai dám chắc. Không chỉ riêng tui, nhiều người trong thôn cũng mong mỏi có nguồn nước sạch để sinh hoạt, chứ dùng nước giếng thì nguy cơ bệnh tật xảy ra bất cứ lúc mô”, ông Ninh chia sẻ.

Vẫn chờ

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Thìn, Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng thừa nhận: “Vấn đề thiếu nước sạch ở các thôn Tân Ba, Vỹ Dạ, Võ Xá, Nguyệt Biều và một số xóm trên địa bàn xã diễn ra trong mấy chục năm nay. Người dân chủ yếu sử dụng nước sông hoặc nước giếng để sinh hoạt. Bây giờ, nước sông không còn đảm bảo nên những hộ ở thôn Tân Ba đi xin nước ở các công ty khai thác cát tư nhân”.

Năm 2014, xã Thủy Bằng được UBND tỉnh đầu tư dự án, kinh phí 3,5 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống nước sạch tại các thôn. Đây là nguồn vốn được tỉnh bố trí từ chương trình xây dựng nông thôn mới cho xã Thủy Bằng và giao UBND xã làm chủ đầu tư, chịu trách nhiệm phối hợp đơn vị tư vấn lập báo cáo kỹ thuật, xây dựng công trình cấp nước cho các thôn. “Nếu theo chủ trương, kế hoạch thì đến nay người dân đã có nước sạch. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, chúng tôi gặp một số khó khăn về vấn đề thi công, thiết kế do hạn chế về năng lực, chuyên môn nên đến bây giờ vẫn chưa thể hoàn thành được. Đây là dự án có tính đặc thù, để đảm bảo dự án được triển khai tốt, vừa qua chúng tôi có tờ trình gửi UBND tỉnh, thị xã đề xuất bàn giao cho Công ty TNHH NNMTV Xây dựng và Cấp nước tỉnh làm chủ đầu tư”, ông Thìn nói.

Ông Trương Công Hân, Phó Giám đốc kiêm Trưởng phòng Kế hoạch - Công ty TNHH NNMTV Xây dựng và Cấp nước tỉnh cho biết, khu vực chưa có nước ở xã Thủy Bằng là khu vực cuối mạng và hệ thống đường ống cấp nước sẵn có, nhưng đường kính nhỏ nên không thể cấp đủ nước cho các thôn. Qua khảo sát, cần phải thi công trạm tăng áp, bồn chứa nước sạch công suất 200 m3/ngày đêm và đầu tư hệ thống truyền tải và phân phối với tổng chiều dài 4,4km, tổng mức đầu tư 3,5 tỷ đồng. Dự án được giao UBND xã Thủy Bằng làm chủ đầu tư, nhưng đến ngày 12/6/2015, UBND xã Thủy Bằng có tờ trình đề xuất công ty làm chủ đầu tư hệ thống nối mạng cấp nước sạch cho xã Thủy Bằng. Công ty sẵn sàng làm chủ đầu tư dự án và sẽ triển khai xây dựng hệ thống cấp nước trong thời gian sớm nhất sau khi được sự đồng ý của UBND tỉnh.

Lê Thọ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như cơ quan chức năng liên quan đang gấp rút chạy đua để thực hiện mục tiêu đến 31/3/2024 hoàn thành triển khai xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với lĩnh vực xăng dầu.

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi
Dấu ấn khuyến nông

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng đến thời điểm này ngành nông nghiệp tỉnh đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong sự chuyển biến chung đó phải kể đến dấu ấn quan trọng của hoạt động khuyến nông.

Dấu ấn khuyến nông
Tạo động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển

Những năm gần đây, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các HTX. Trong đó, hoạt động ký kết thi đua do Liên minh HTX phát động là động lực giúp các HTX nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần để HTX phát triển bền vững.

Tạo động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển
Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

Thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang phát triển mạnh mẽ, đặt ra thách thức lớn đối với công tác quản lý thuế (QLT), đảm bảo sự công bằng cho các tổ chức, cá nhân. Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các đơn vị, tích cực thực hiện một số giải pháp, nhằm nâng cao hiệu quả QLT đối với hoạt động TMĐT trên địa bàn.

Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

TIN MỚI

Return to top