ClockThứ Hai, 30/05/2022 18:46

Thủy sản nuôi vùng đầm phá có nguy cơ chết vì thời tiết

TTH.VN - Thời tiết diễn biến phức tạp, mưa giông bất thường, môi trường thay đổi đột ngột khiến thuỷ sản nuôi ở vùng đầm phá có nguy cơ chết rất cao.

Bảo vệ cá lồng trước rét kéo dàiCá đặc sản nuôi đầm phá bị chếtMôi trường nhiều vùng nuôi thủy sản thay đổi đột ngộtCá nuôi nổi đầu, chết rải rácĐề phòng dịch bệnh trên tôm, cá

Người dân Quảng Thái (Quảng Điền) chăm sóc thuỷ sản nuôi đầm phá

Ông Võ Văn Chương ở xã Quảng Công (Quảng Điền) rất lo lắng trước thời tiết diễn biến thất thường từ đầu tháng 5 đến nay khiến thủy sản nuôi trên vùng đầm phá có nguy cơ chết. Một số loại cá nuôi như dìa, kình, nâu… có hiện tượng lờ đờ, kém ăn. Nếu thời tiết ngày nắng, chiều tối mưa giông tiếp tục kéo dài thì nguy cơ cá chết rất cao.

Ông Chương cũng như các hộ nuôi thuỷ sản trên đầm phá tại địa phương đã triển khai nhiều biện pháp như tạo ô-xy thường xuyên, tăng cường thức ăn dinh dưỡng, vitamin C…nhằm bảo vệ cá nuôi trong điều kiện thời tiết nắng, mưa thất thường, đột ngột khiến thuỷ sản khó thích nghi.

Chủ tịch UBND xã Quảng Công, ông Nguyễn Hữu Truyền thông tin, trước diễn biến thời tiết phức tạp, địa phương phối hợp ngành thú y, thủy sản tuyên truyền, hỗ trợ người dân triển khai các biện pháp bảo vệ thủy sản nuôi. Người dân thường xuyên theo dõi diễn biến về các yếu tố môi trường trong ao nuôi để có biện pháp xử lý phù hợp, giúp thủy sản có thể thích nghi, sinh trưởng tốt.

Yêu cầu của cơ quan chức năng với người dân khi thấy thủy sản có dấu hiệu bất thường, chết rải rác là phải báo với chính quyền địa phương để có biện pháp hướng dẫn xử lý kịp thời. Sau khi lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, tìm nguyên nhân dịch bệnh, cá chết, người dân cần khẩn trương vớt cá chết đưa đi tiêu huỷ, kết hợp các biện pháp bảo vệ thủy sản, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan diện rộng.

Người dân thị trấn Sịa chăm sóc thủy sản nuôi cao triều

Chi cục Thuỷ sản tỉnh thông tin, từ đầu tháng 5 đến nay, thời tiết có sự thay đổi bất thường so với nhiều năm trước. Ngoài hiện tượng mưa nắng luân phiên và có mưa giông, còn có các đợt không khí lạnh, mưa lớn làm độ mặn toàn vùng đầm phá giảm thấp, không đảm bảo cho nuôi trồng thủy sản. Chẳng hạn như tại Tân Lập, thị trấn Sịa (Quảng Điền) gần như bị ngọt hóa hoàn toàn; một số ao, lồng nuôi cá bị nhiễm ký sinh trùng, nấm trên mang làm tỷ lệ hao hụt khá cao trong quá trình nuôi.

Kết quả các chỉ tiêu môi trường đo được vào giữa tháng 5 tại vùng đầm phá, ven biển và vùng nuôi cá lồng trên sông đều nằm trong giới hạn cho phép và khá thích hợp đối với nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, hiện tượng mưa giông thường xảy ra vào chiều tối nên các yếu tố môi trường có sự biến động lớn, gây ra sự chênh lệch giữa ngày và đêm, đặc biệt độ pH trong nước. Ngoài ra, nước mưa còn mang theo nhiều chất bẩn từ sông, nội đồng làm cho màu nước tại một số vùng đầm phá khá đục, dễ xảy ra các loại dịch bệnh.

Kết quả phân tích mẫu nước của Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc cho thấy, vùng nước cấp tại Lăng Cô (Phú Lộc), Thuận An (TP. Huế)…, một số yếu tố môi trường rất cao, đặc biệt mật độ coliform và TSS cao hơn đến 76 lần so với quy định tiêu chuẩn cho phép nuôi trồng thuỷ sản.

Chi cục Thủy sản khuyến cáo, nếu không có các biện pháp kỹ thuật phù hợp sẽ tác động, ảnh hưởng lớn làm thuỷ sản nuôi bị yếu, giảm ăn, bỏ ăn dẫn đến dịch bệnh và chết. Bên cạnh đó, các loài gây bệnh, dịch hại trên thủy sản nuôi có khả năng phát triển nhanh do thời tiết phức tạp nên phải tăng cường sức khỏe cho vật nuôi như bổ sung vitamin C, men tiêu hóa, khoáng, sử dụng chế phẩm sinh học để gia tăng vi khuẩn có lợi; xử lý chất hữu cơ tầng đáy và trong nước nhằm giúp vật nuôi phát triển, hạn chế nguy cơ dịch bệnh, thuỷ sản chết gây thiệt hại lớn.

Bài, ảnh: Triều Giang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phục hồi, cân bằng sinh thái trên sông, đầm phá

Thả con giống để tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản trên sông, đầm phá là hoạt động thiết thực được duy trì hàng năm nhằm góp phần phục hồi, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.

Phục hồi, cân bằng sinh thái trên sông, đầm phá
Ngăn chặn lấn chiếm đất có mặt nước chuyên dùng trên đầm phá

Tình trạng sử dụng lưới vây và các dụng cụ khoanh vùng mặt nước đầm phá Tam Giang - Cầu Hai để nuôi trồng, khai thác thủy sản gây ảnh hưởng đến dòng chảy và môi trường sinh thái, làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản vùng đầm phá. Cùng với các địa phương, huyện Phú Lộc đang quyết liệt hơn để giải quyết, ngăn chặn nạn chiếm dụng trái phép mặt nước trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Ngăn chặn lấn chiếm đất có mặt nước chuyên dùng trên đầm phá

TIN MỚI

Return to top