ClockThứ Năm, 25/04/2019 09:24

Thủy Thanh - vùng đất anh hùng

TTH.VN - Trải qua 2 cuộc kháng chiến, trên địa bàn xã Thủy Thanh hiện có 656 liệt sĩ, 66 mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 238 gia đình có công với cách mạng, 85 thương bệnh binh, 7 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý...

Về cầu ngói vui thú điền viênHương Toàn: Sau “cán đích” nông thôn mớiNhiều hoạt động thú vị về đêm tại Thanh Toàn

Chuyện dưới chân cầu Ngói

“Trong thời gian nuôi giấu cán bộ cách mạng, ông có gặp khó khăn chi không?". “Thời nớ không ăn chi hết…”.

Câu chuyện giữa chúng tôi với ông Nguyễn Quang Thỉu tưởng chừng sẽ kết thúc không đầu không cuối bởi cái chứng lãng tai thường thấy ở người già, nhưng ông Lê Đắc Lành, Phó Bí thư Thường trực xã Thủy Thanh ra dấu cứ nói to thêm một chút là ông Thỉu nghe hết. “Ông ngó rứa chơ minh mẫn lắm”, ông Lành nói.

Từ trái qua: ông Đỗ Văn Lệ, ông Lê Quang Thỉu và ông Lê Đắc Lành

Ông Thỉu người làng Thanh Toàn, năm nay đã 95 tuổi. Không trực tiếp cầm súng đánh giặc, nhưng ông từng nuôi giấu 6 chiến sĩ cách mạng kiên trung trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Hầm bí mật trong nhà ông Thỉu được xây dưới một bể nước sinh hoạt nhỏ. Khi có người trú ẩn, ông Thỉu xách nước đổ đầy, khi không có ông lại tát khô. Khi cần, nghiêng bể là có thể nhanh chóng xuống hầm.

“Nhà tui hồi nớ là cơ sở cách mạng. Sáng tui vẫn ra đồng như mọi người, đến tối thì tiếp tế, làm liên lạc cho bộ đội. Sau một thời gian dài hoạt động, có lần tui bị địch nghi ngờ, bắt bỏ tù, tra hỏi. Nhưng với sự giúp đỡ của bà con trong làng, bọn địch không tìm ra được chứng cứ nên đành phải thả tui”, ông Thỉu nhớ lại.

Sau đợt bị địch bắt, bỏ qua nguy hiểm khi đang trong “tầm ngắm” của địch, ông Thỉu vẫn tiếp tục nuôi giấu bộ đội, du kích, nhưng cẩn thận hơn. “Cán bộ mình hồi nớ cực lắm. Cơm không có ăn là chuyện bình thường”. Câu nói của ông Thỉu như vừa lý giải cho cái sự lãng tai ở đoạn thoại trên, nhưng cũng là chi tiết nhắc cho người viết hiểu thêm phần nào gian khổ mà thế hệ cha ông trải qua.

Câu chuyện với cụ ông 95 tuổi ngắt ngang nữa chừng khi ông Thỉu vỗ vai người sát bên rồi nói: “Ông là gián tiếp, còn muốn hỏi chuyện đánh địch thì hỏi ông ni nì”.

“Ông ni” mà ông Thỉu nói là ông Đỗ Văn Lệ, năm nay đã bước vào độ tuổi “thất thập cổ lai hy”, có người thân là liệt sĩ, trong nhà có 2 hầm nuôi giấu cán bộ cách mạng. Sau thời gian tham gia cách mạng, ông Lệ làm Xã đội phó du kích xã Thiên Thủy (bao gồm Vân Thê, Dạ Lê, Vân Thê Đập, Thượng An) năm 1968.

Tui còn sống đến chừ cũng nhờ mệ Chồn (thôn Dạ Lê, nay đã mất). “Có lần tui cùng anh em đánh nhau với một đại đội Mỹ. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, nên tui vừa bắn vừa chạy nhằm thu hút hỏa lực để đồng đội rút đi hướng khác. Khi địch rượt tới còn khoảng 40 mét, tôi nghĩ kiểu ni chắc mình xong rồi. Ai ngờ khi đó mệ Chồn đã không màng nguy hiểm, nhanh trí phủ lá cây, tre nứa lên người tui để che giấu. “Lúc đó địch mà phát hiện thì cả tui lẫn mệ Chồn bị bắn chết là cái chắc”, ông Lệ kể với giọng hàm ơn.

Mệ Trần Thị Tao làm Bí thư chi bộ thôn Thanh Thủy năm 1974, lúc đó mệ 30 tuổi. Nếu tính từ năm 1967 cho đến trước thời điểm làm bí thư, mệ Tao đã 6 lần phải chứng kiến người thân gồm chồng, anh em và chú ruột hy sinh. "Năm tui làm bí thư chi bộ cũng là thời điểm chiến tranh rất ác liệt. Khi đó có người hỏi đã có 6 người thân hy sinh, chừ bản thân vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng thì có sợ không? Với tui lúc đó đau đớn thì có chứ sợ thì không. Và nỗi đau đó chính là động lực, là sức mạnh để tui tiếp tục góp một phần sức đánh đuổi quân xâm lược”, mệ Tao nói.

Sống cho xứng với quê hương anh hùng

Trung tuần tháng 3/2019, Hội những người thoát ly tham gia kháng chiến chống Mỹ xã Thủy Thanh đã có buổi gặp mặt để tri ân đồng đội, để gợi nhắc lại quá khứ hào hùng, bi tráng của những người con không tiếc máu xương vì độc lập dân tộc, vì quê hương, Tổ quốc.

Sau khi thắp nén nhang tưởng nhớ đến đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Thủy Thanh, cựu binh Nguyễn Thanh Hải nói trong nghẹn ngào: “Trong cuộc chiến đấu ngày 10/3/1975, đơn vị 15 người chúng tôi tiêu diệt hơn 70 tên địch, bắt 3 tù binh. Nhưng đơn vị có 4 người hy sinh, trong đó, đồng chí Nguyễn Văn Nhâm bị thương gãy 2 chân, khi đồng đội đưa đi, đồng chí Nhâm nói cứ để tôi ở lại cản địch, các đồng chí cứ đi trước, cố gắng phải sống để chiến đấu bảo vệ quê hương”.

Hầm bí mật Cồn Miệu - một trong những căn hầm che chở nhiều chiến sĩ cách mạng hoạt động trên đất Thủy Thanh

“Cuộc hội ngộ này không chỉ ôn lại ký ức của những người cầm súng chiến đấu bảo vệ bình yên cho quê hương, mà còn là bài học ý nghĩa để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau tiếp nối con đường cha ông họ đã gìn giữ, cũng như nhắc nhở chúng ta phải sống cho xứng đáng với người đã mất…”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Toàn, Trưởng Ban liên lạc Hội những người thoát ly tham gia kháng chiến chống Mỹ xã Thủy Thanh bày tỏ.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến, bên cạnh hàng ngàn người con ưu tú tham gia chiến đấu, gia đình có công cách mạng, trên địa bàn xã Thủy Thanh hiện có 656 liệt sĩ, 66 mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 238 gia đình có công với cách mạng, 85 thương bệnh binh, 7 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, hàng ngàn huân, huy chương, bằng khen các loại, đặc biệt là danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân năm 1978.

Quyết tâm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn… đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, nên từ sau đại thắng mùa Xuân năm 1975 đến nay, bên cạnh nền kinh tế có bước phát triển vượt bậc nhờ tập trung vào chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, áp dụng thành tựu khoa học, chuyển dịch cơ cấu cây trồng…, các mặt như du lịch, văn hóa, giáo dục… của Thủy Thanh cũng tạo được dấu ấn đậm nét.

Về những hỗ trợ, chia sẻ với gia đình chính sách, ông Lê Đắc Lành, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thủy Thanh cho biết: “Cũng như đồng bào cả nước, những mất mát của người dân Thủy Thanh qua 2 cuộc kháng chiến không có gì bù đắp được. Để phần nào chia sẻ, tri ân, chính quyền xã có xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, tuy nhiên kinh phí quỹ hạn hẹp nên bước đầu mới hỗ trợ được phần nào trong việc sửa chữa, xây nhà tình nghĩa và tập trung hỗ trợ cho những hộ đặc biệt khó khăn”.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những mất mát vẫn còn hằn trong tâm trí của người ở lại. Dẫu vậy, như lời của mệ Trần Thị Tao, thì: “Gia đình tui có 6 người là liệt sĩ, nhưng nếu hỏi tôi có “đòi” ưu tiên chi nữa không thì tui nói không, bởi khắp Việt Nam còn có hàng trăm, hàng ngàn người mà những đau thương, mất mát hơn tui bội lần. Quan trọng là phải răn dạy con cháu, răn dạy lớp trẻ nhớ những gì mà thế hệ đi trước đã trải qua để từ đó sống, lao động, học tập xứng đáng với quê hương anh hùng…".

Bài, ảnh: Hàn Đăng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương Thủy: Phát động phong trào bơi an toàn

Lễ phát động bơi an toàn, phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em và khai mạc giải bơi học sinh phổ thông TX. Hương Thủy năm học 2023-2024 diễn ra ngày 23/3. Hoạt động do Phòng GD&ĐT và Trung tâm VH,TT&TT thị xã phối hợp tổ chức.

Hương Thủy Phát động phong trào bơi an toàn
Hương Thủy đóng góp nhiều vào sự phát triển chung của tỉnh

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đánh giá như vậy tại hội nghị quán triệt Chỉ thị 42/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và thông tin về định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Thường vụ Thị ủy Hương Thủy tổ chức ngày 12/3.

Hương Thủy đóng góp nhiều vào sự phát triển chung của tỉnh
Return to top