ClockThứ Năm, 11/09/2014 05:49

Thuyền đi, mong muốn theo đi

TTH - Nối với đầm phá Cầu Hai, có rất nhiều nhánh sông nhỏ và điều cơ bản hơn, sông Hương còn là tuyến giao thông đường thủy quan trọng nối với nhiều địa chỉ văn hóa, nhiều điểm di tích, danh lam thắng cảnh của Huế. Những góc nhìn từ sông bao giờ cũng mang đến cho du khách xúc cảm mềm từ sự trong xanh của con nước; những bờ cỏ, bờ cây hiền hòa vừa được sự chăm chút của con người, lại vừa như là sự gần gũi, thân thiện mà thiên nhiên trao tặng. Rồi những làng xóm bình yên, những con đường yên ả; cái mát rượi của gió...

Chính vì những tiềm năng này, khai thác tour du lịch đến các điểm tham quan bằng đường sông là điều đã được làm từ rất lâu. Có lẽ cũng không khó để thống kê hay đánh giá số lượng tàu thuyền xuất bến hàng ngày, hàng tháng hay hàng năm. Điều cần đánh giá ở đây có lẽ là ở chỗ, việc khai thác tuyến đường sông này đã phát huy được như mong muốn? Đã có những thay đổi gì trong cách thức quản lý, phương tiện vận tải, trong vận hành bảo đảm an toàn cho người đi trên tàu thuyền? Trong ứng xử của chủ thuyền đối với du khách? Trong ứng xử đối với môi trường của các phương tiện tham gia lưu thông trên suốt cả tuyến sông...?

Tôi cứ nghĩ, câu trả lời cho những vấn đề đặt ra có thể sẽ là hoặc sẽ ở một chuyên đề khác. Ở đây, chỉ xin được đề cập đến một vài khía cạnh, chẳng hạn như tiếng nổ và độ ồn của các tàu thuyền khi chạy trên sông. Câu chuyện này đã không ít lần được đề cập trên diễn đàn của Báo Thừa Thiên Huế hay một số kênh thông tin khác. Thế nhưng cho đến nay, tiếng ồn có lẽ cũng vẫn chưa hề được giảm đi và nó vẫn là điều mà nhiều người kiến nghị nên có phương pháp giảm thiểu. Nhất là khi nó làm cho không chỉ những cuộc trò chuyện mà cả những phút cần yên tĩnh, cần những khoảng lặng để chiêm nghiệm bị xao lãng quá mức.

Còn nhớ cách đây ít lâu, dư luận rất quan tâm đến việc cải tiến mẫu mã, hình dáng và cả một vài tính năng phục vụ của con thuyền, một mặt để có một phương cách tốt trong việc giảm thiểu ô nhiễm khi thuyền chở khách đến các điểm tham quan, mặt khác làm cho thuyền du lịch trên sông Hương (chưa phải là du thuyền) gần gũi với văn hóa, phong cách và bản sắc văn hóa Huế hơn nhưng cho đến bây giờ, điều ấy hình như đã bị lãng quên. Đã lâu lắm, không còn ai đề cập đến nó.

Một con thuyền cung đình - thuyền Long Quang - được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đầu tư một khoản tiền khá lớn trên 3 tỷ đồng từ Festival Huế 2008 đến nay cũng vừa mới được đưa vào khai thác trở lại bằng một dịch vụ mới - ngự thuyền trên sông Hương - cũng chưa phải là đại diện tốt nhất cho việc khai thác tuyến giao thông trên sông Hương, khi mà sự đánh giá còn chờ đợi vào hiệu quả của hoạt động trong nhiều phương diện trong một thời gian cụ thể. Hơn nữa, con thuyền này có lẽ nên được xếp vào tiêu chí đặc trưng, hơn là phổ thông trong việc cải tiến chất lượng phục vụ cũng như mẫu mã, hình dáng...mà chúng tôi đã đề cập ở trên.

Một cuộc thi về ý tưởng thiết kế mẫu trang trí cùng với một cuộc thi về chất lượng kỹ thuật để giảm độ ồn cho máy chạy thuyền, trên cơ sở đảm bảo an toàn của sự vận hành cho thuyền du lịch trên sông Hương có lẽ là điều cần được nghiên cứu và khởi động lại...
Lê Nguyễn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top