ClockThứ Sáu, 28/10/2022 18:07

Tích hợp hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để phát triển

TTH.VN - Không để kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) nằm trong ngăn kéo, không phát triển KHCN cũng như đổi mới sáng tạo (ĐMST) một cách riêng lẻ, riêng ngành mà cần có sự tích hợp giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương để cùng nhau hình thành một hệ sinh thái ĐMST mạnh, phát triển. Đó là tinh thần tại hội thảo khoa học "Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vùng Bắc Trung bộ" do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đăng cai phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức sáng 28/10.

Xây dựng Khu công nghệ cao cần xác định mục tiêu cụ thểKết nối các Làng Công nghệ quốc gia thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạoỨng dụng khoa học công nghệ đem lại diện mạo mới cho ngành công nghiệp

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu ý kiến tại hội thảo

Lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới sáng tạo

Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Thế Duy, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, trước đây, chúng ta thường nhắc đến nghiên cứu khoa học, nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng sau đó là phát triển KHCN và thêm một cụm từ nữa là thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Còn hiện nay có thêm ĐMST và được hiểu rộng hơn. Nếu chúng ta coi nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là quá trình chuyển từ tiền, công sức đầu tư sang tri thức thì ĐMST là quá trình quay vòng trở lại, là biến từ tri thức trở lại thành tiền, thành sản phẩm.

Quá trình này không chỉ gắn liền với các công việc chúng ta thường làm liên quan đến nghiên cứu và phát triển mà ĐMST gắn với các quy trình liên quan đến sản xuất kinh doanh, đến đổi mới công nghệ, quy trình quản lý, nâng cao chất lượng và năng lực của đội ngũ cán bộ của DN. Để từ đó tạo ra sản phẩm mới, tạo ra các quy trình mới, tạo ra thị trường mới.

Nhiều diễn giả, trong đó có doanh nghiệp tham luận để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Thảo luận về các giải pháp, kinh nghiệm làm thế nào để phát triển hệ sinh thái ĐMST vùng Bắc Trung bộ, nhiều diễn giả cho rằng, để đưa KHCN vào cuộc sống, chúng ta không thuần túy chỉ giao nhiệm vụ này cho sở KHCN, các viện nghiên cứu của các trường đại học, mà cần một hệ sinh thái tích hợp để phát triển, trong đó phải kể đến nhân tố quan trọng là DN. Trong hệ sinh thái ĐMST, phải đặt DN làm trung tâm, phải thúc đẩy ĐMST trong DN. Có nghĩa yêu cầu đặt hàng, bài toán phải từ DN mà ra và kết quả sau đó phải đưa được vào DN để đưa được vào cuộc sống. Hay nói cách khác, hệ sinh thái ĐMST ngoài ngành KHCN, DN và viện nghiên cứu khoa học là chủ thể nghiên cứu còn cần các thiết chế trung gian như các thiết chế tài chính, quỹ đầu tư, ngân hàng và các tổ chức trung gian về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, môi giới... để kết nối thông tin KHCN, chuyển giao công nghệ, định giá, giám định công nghệ...

Hướng hàm lượng khoa học công nghệ vào doanh nghiệp

Trong chiến lược phát triển KHCN và ĐMST 10 năm tới, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh một số vấn đề đặc biệt có ý nghĩa đối với sự phát triển của địa phương. Trước hết, phải quay lại giai đoạn tập trung đổi mới công nghệ cho DN, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của DN. Vì hiện tại, năng lực trình độ công nghệ của các DN, nhất là DN sản xuất mới ở mức 2, 2,5 so với công nghệ 4.0. Nên việc quan trọng cần làm là cùng nhau thúc đẩy DN cập nhật đổi mới công nghệ. Giai đoạn đầu tiên, DN cần đổi mới dây chuyền thiết bị máy móc, giai đoạn thứ hai, DN hiểu, dùng được dây chuyền máy móc đó để làm ra sản phẩm và giai đoạn thứ ba là phải sửa chữa được, cải tiến được dây chuyền máy móc thiết bị công nghệ. Nếu đảm bảo 3 giai đoạn này thì DN, ngành KHCN sẽ thành công và là cơ sở để thúc đẩy nghiên cứu phát triển ra các công nghệ mới.

Muốn phát triển hệ sinh thái ĐMST cần sự liên kết vùng, quốc gia và liên kết giữa các nhà

Ngoài ra, cần tập trung nâng cao năng lực ĐMST cho nguồn nhân lực cũng như DN. Ở đây, không chỉ năng lực hấp thụ công nghệ, năng lực nghiên cứu phát triển mà còn nhiều năng lực khác liên quan đến ĐMST, đổi mới quy trình kinh doanh, quản lý và các ý tưởng, sáng kiến hay để tạo ra sản phẩm mới, thiết thực với cuộc sống.

Mục tiêu chiến lược phát triển KHCN và ĐMST được xây dựng bám sát với mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, nên dựa trên mục tiêu chiến lược này, Bộ KH&CN đề nghị các Sở KHCN tham mưu tỉnh ban hành kế hoạch triển khai chiến lược bám chặt với mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, trong đó cần tập trung vào chỉ tiêu tăng trưởng chỉ số TFP (Năng suất nhân tố tổng hợp), gắn phát triển KHCN với phát triển nhiều lĩnh vực khác để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định, trong định hướng phát triển từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh xác định KHCN là trụ cột để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và ĐMST là nội dung rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển KHCN và các ngành, lĩnh vực.

Đồng quan điểm với lãnh đạo Bộ KH&CN, với góc độ địa phương, ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng đã đến lúc cần hướng hàm lượng KHCN vào DN, thúc đẩy DN tham gia ĐMST để đóng góp phát triển kinh tế trực diện. Để làm tốt, ngoài vận hành tốt cơ cấu tổ chức, tăng ý thức ĐMST trong mỗi DN, tỉnh sẽ huy động cơ chế phối hợp 3 nhà: Nhà nước- Nhà khoa học (nhà trường)- DN để phát triển ĐMST gắn với khởi nghiệp, để đưa kết quả KHCN ra thực tiễn. Ngoài ra, cần có sự liên kết, hợp tác trong ĐMST để mở rộng phạm vi thực hiện, ứng dụng rộng hơn, lan tỏa ra quy mô vùng, khu vực và cả nước.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu tư nguồn lực và nhân lực phát triển khoa học công nghệ

Không phải đợi đến lúc thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị mà từ trước đó, Thừa Thiên Huế đã đặt mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ (KH&CN). Cơ sở để hiện thực hóa kỳ vọng này là vì Thừa Thiên Huế có đội ngũ trí thức hùng hậu, có cơ sở hạ tầng, thiết chế về khoa học công nghệ, cơ sở thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đầu tư nguồn lực và nhân lực phát triển khoa học công nghệ
HỆ SINH THÁI THƯƠNG MẠI BỀN VỮNG:
Con đường phục hồi tốt nhất của ASEAN

Trong nhiều thập kỷ, các quốc gia trên toàn thế giới, nhất là ở khu vực châu Á đã chứng kiến những lợi ích to lớn từ toàn cầu hóa. Thương mại đã thúc đẩy các nền kinh tế và sinh kế, giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo.

Con đường phục hồi tốt nhất của ASEAN

TIN MỚI

Return to top