Thể thao

Tiếc cho một sân chơi

ClockChủ Nhật, 23/02/2020 08:10
TTH - Là một thành phố có nhiều trường đại học, cao đẳng, ngay từ những năm 1980 của thế kỷ trước, bóng đá sinh viên Huế đã phát triển mạnh, trở thành một sân chơi tạo dấu ấn sâu đậm trong các phong trào văn hóa - thể thao của sinh viên Huế.

Khởi tranh giải bóng chuyền sinh viên ĐHSP HuếKhởi tranh giải bóng đá Hội Thể thao đại học và chuyên nghiệp HuếFC Trẻ Huy Hoàng giành cúp vô địch giải bóng đá Hue Student

Một trận đấu của giải sinh viên ĐH Huế năm 2010

Dấu ấn một thời

Với lực lượng sinh viên đông đảo, tất cả các trường đại học, cao đẳng lúc đó đều có đội bóng đá mạnh. Hàng năm, giải bóng đá sinh viên Huế vẫn được tổ chức tại sân vận động Tự Do. Nhiều trận đấu hấp dẫn, kịch tính vẫn được các thế hệ sinh viên Huế nhắc lại. Hấp dẫn nhất vẫn là những cuộc đối đầu giữa 2 đội bóng sinh viên Đại học Y khoa với sinh viên Đại học Tổng hợp (nay là ĐH Khoa học). Nếu như các bác sĩ tương lai là một đội bóng chơi bài bản, khoa học và khá thực dụng thì đội bóng của các chàng trai Tổng hợp chuộng về lối chơi đẹp mắt, lên công về thủ nhịp nhàng. Vì vậy, thường cuộc đối đầu “đỉnh cao” này các cầu thủ Đại học Y khoa Huế vẫn thường giành phần thắng...

Nhưng sân chơi bóng đá sinh viên Huế được tổ chức bài bản, chất lượng và tạo được tiếng vang là từ năm 2007 với sự tài trợ của Công ty Bia Huế. Với số kinh phí mà Công ty bia Huế hỗ trợ cho các đội bóng cũng như số tiền thưởng khá lớn, giải bóng đá sinh viên Huế gắn liền với tên nhà tài trợ Huda đã trải qua 8 lần tổ chức.

Có năm số lượng đội tham gia giải lên đến 16 đội. Nếu như trước đây, hai đội bóng sinh viên của Đại học Y khoa và Đại học Tổng hợp luôn được xếp ở cửa trên thì từ năm 2007, chất lượng của các đội bóng đã khá đồng đều. Có những đội bóng mạnh như Khoa Giáo dục thể chất - Đại học Huế, Cao đẳng Công nghiệp, Cao đẳng Sư phạm hay Đại học Phú Xuân... Có năm, các lưu học sinh - sinh viên Lào đang học tập tại Huế thành lập riêng một đội bóng để tham dự giải và đã giành chức vô địch.

Còn nhớ, cứ vào dịp tháng 3, tháng 4 hàng năm, các sân cỏ Tự Do, Trung tâm Thể thao tỉnh đã được hâm nóng bởi không khí rạo rực của các trận đấu bóng đá sinh viên. Với tinh thần thể thao học đường vô tư, trung thực và cao thượng, các trận đấu đã diễn ra sôi nổi, hấp dẫn, thu hút sự cổ vũ của đông đảo sinh viên. Có thể tìm thấy ở giải bóng đá phong trào này nhiều nét ưu điểm như tinh thần thi đấu mạnh mẽ của cầu thủ, sự cổ vũ hết mình của các CĐV. Nhưng nét nổi bật nhất của giải đấu này đó là sinh viên các trường ĐH - CĐ Huế đã hết mình trong sân chơi này. Họ đã đến với sân chơi thể thao này với tình yêu trong sáng, tinh thần thể thao lành mạnh và tất cả họ đều là người chiến thắng.

Khôi phục lại phong trào

Không chỉ bó hẹp trong sân chơi của sinh viên Huế, bắt đầu từ năm 2010, Công ty Bia Huế đã mở rộng sân chơi bóng đá học đường này thành giải bóng đá sinh viên khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Các đội bóng vô địch của sinh viên Huế, Đà Nẵng, Vinh và Tây Nguyên sẽ giành suất tham dự giải đấu này. Sân chơi thể thao này thực sự là một điểm kết nối thú vị cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong khu vực.

Cũng chính từ nền tảng này, mà sau đó không lâu Viettel đã tài trợ để tổ chức giải bóng đá sinh viên toàn quốc và đội bóng đá sinh viên Huế đã từng giành chức vô địch năm 2015 sau khi thắng Đại học Tôn Đức Thắng 3-1 ở trận chung kết. Một chi tiết đáng nhớ nữa, đó là tiền đạo số 10 Phan Công Thuận của đội bóng đá sinh viên Huế giành ngôi vua phá lưới giải năm đó, với 10 bàn thắng và sau đó đã được đội bóng đá Đồng Tháp ký hợp đồng thi đấu.

Có thể nói, việc giành chức quán quân của giải bóng đá sinh viên toàn quốc của đội bóng sinh viên Huế cũng là dấu son cuối cùng của một thời hoàng kim của sân chơi phong trào bóng đá sinh viên Huế. Sau khi nhà tài trợ Công ty Bia Huế rút lui thì giải bóng đá sinh viên Huế cứ thế lu mờ dần với một lý do duy nhất là thiếu kinh phí tổ chức.

Nếu những năm khó khăn khi chưa có nhà tài trợ, giải bóng đá này còn được tổ chức ở sân vận động Tự Do thì các giải bóng đá sinh viên Huế những năm gần đây chủ yếu tổ chức ở các sân cỏ nhân tạo và cũng rất ít được quan tâm, kể cả các bạn sinh viên các trường đại học.

Một sân chơi thể thao phong trào lớn và có sức lan tỏa đã dang dở sau 8 mùa giải được tổ chức. Câu hỏi được đặt ra là vì sao đại học Huế không tìm nhà tài trợ để có thể khôi phục được giải bóng đá hàng năm một cách bài bản như trước đây? Bóng đá sinh viên luôn hấp dẫn và cũng là một “thị trường” tiềm năng để các doanh nghiệp đầu tư nhằm gây tiếng vang cho thương hiệu của mình.

Sinh viên cần có một sân chơi lớn và lành mạnh để giao lưu, nâng cao thể lực góp phần phát triển trí lực. Vì lẽ đó, Đại học Huế cần quan tâm tạo điều kiện cho sinh viên các trường thành viên phát triển các phong trào thể thao, trong đó có bóng đá. Đó cũng là một cách xây dựng thương hiệu khác của Đại học Huế.

Bài, ảnh: PHI TÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thể thao phong trào, sân chơi của chị em

Phong trào rèn luyện thể dục thể thao (TDTT) với nhiều loại hình phong phú của hội viên phụ nữ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP. Huế đã được các cấp Hội phát động, triển khai, duy trì và ngày càng được nhân rộng, thu hút ngày càng đông hội viên tham gia.

Thể thao phong trào, sân chơi của chị em
Cầu thủ nhập tịch

Trước thềm 2 trận đấu gặp tuyển Việt Nam vào cuối tháng 3 này, theo tờ Bola. Okezone, Indonesia đã hoàn thành nhập tịch cầu thủ gốc Hà Lan, Nathan Tjoe-A-On. Cầu thủ này đã tuyên thệ trở thành công dân Indonesia. Sau khi tuyên thệ, Nathan Tjoe-A-On có thể khoác áo đội tuyển Indonesia ngay.

Cầu thủ nhập tịch
Không còn “có mới, nới cũ”

Trong danh sách 33 cầu thủ được HLV Troussier triệu tập trong lần tập trung vào đầu tháng 3 này, chuẩn bị cho 2 trận đấu gặp Indonesia ở vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á, xuất hiện nhiều cái tên cũ, là trụ cột và chỗ dựa một thời của bóng đá Việt Nam.

Không còn “có mới, nới cũ”
Return to top