ClockThứ Năm, 28/07/2022 13:30

“Tiếc lắm nhưng vẫn phải thay đổi”

TTH - Cho đến thời điểm này, Thừa Thiên Huế vẫn chưa thông tin cụ thể về số lượng nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển việc. Tuy nhiên, câu chuyện được nhiều người chia sẻ lại không có nhiều điểm khác với tình hình chung cả nước: Áp lực công việc cao, nhưng thu nhập lại không đủ trang trải.

Đó mới là điều đáng quan tâm

Bác sĩ trẻ của thăm khám sức khỏe miễn phí cho bà con vùng khó khăn

“Phải quyết tâm lắm mới thay đổi”

Bác sĩ CKII. Nguyễn T.X (TP. Huế) bày tỏ sự tiếc nuối khi nói về quyết định rời bỏ công việc anh đã bắt đầu gắn bó từ năm 2000, tại một trong những bệnh viện lớn ở TP. Huế để chuyển qua một đơn vị ngoài công lập. Anh bảo, dù đã ở vị trí cán bộ lãnh đạo khoa, nhưng cho đến thời điểm anh nghĩ đến việc rời đi, tổng thu nhập mỗi tháng của anh nhiều nhất cũng cỡ khoảng 15 triệu đồng. Chừng đó anh không thể lo xuể cho việc học của các con và phụ vợ trang trải cuộc sống của gia đình. Sau cả năm trời suy nghĩ, đắn đo cuối cùng năm 2021, anh đã quyết định nghỉ công việc hiện tại và đầu quân cho một đơn vị y tế ngoài công lập ở địa phương khác.

“Không chỉ tiếc mà là quá tiếc khi đành phải rời bỏ công việc mà mình đã dành cho nó rất nhiều tâm huyết, công sức. Phải suy nghĩ cả năm trời mới quyết định được”, BSCKII. Nguyễn T.X chia sẻ. Hiện tại, anh làm việc cho một đơn vị y tế ngoài công lập ngoài địa bàn Thừa Thiên Huế. Mỗi tháng về thăm nhà một lần, đi lại có chút vất vả, nhưng anh bảo “bù lại thì thu nhập cao hơn và lo cho con tốt hơn”.

Khác với BSCKII. Nguyễn T.X, nữ bác sĩ Trần T. T. Q. còn rất trẻ, mới chỉ gắn bó với ngành y tế Thừa Thiên Huế khoảng 2 năm trước khi rời đi. Q. tốt nghiệp “Bác sĩ đa khoa”, thi đậu viên chức của ngành y tế, được bố trí công tác tại một bệnh viện trên địa bàn thành phố. Ban đầu, mức lương thử việc là 3,8 triệu đồng, hết giai đoạn thử việc thì thu nhập nâng lên khoảng 5 triệu đồng. Lương thấp không là 100% lý do để Q. thay đổi quyết định “mong muốn gắn bó lâu dài với Huế".

Q. chia sẻ: “Em không phải là người Thừa Thiên Huế, nhưng ra trường lại muốn được gắn bó với Huế. Em rời đi hoàn toàn không phải do lương quá thấp hay do áp lực công việc. Tụi em còn trẻ, mới ra trường, rất sẵn sàng chịu khó khăn để cống hiến, học nghề. Nhưng, thu nhập đã thấp rồi, em lại không được làm việc ở khoa em có nguyện vọng nên rất chán nản. Em có cảm giác như khi mình được nhận vào làm rồi, người ta không còn nhớ đến nguyện vọng ban đầu của mình nữa, mà đơn vị thiếu vị trí nào thì lãnh đạo bố trí mình vào vị trí đó. Bố trí rồi mới thông báo. Những điều đó như những giọt nước tràn ly để em quyết định rời đi”.

Đề xuất sớm nâng mức lương

Theo Công đoàn Y tế Việt Nam, tính từ đầu năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022, có tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Trong số này, có 8.620 viên chức y tế thuộc quyền quản lý của các Sở Y tế các địa phương; 777 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế. Từ số liệu trên, Công đoàn ngành đã chỉ ra 8 nguyên nhân dẫn đến gần 9.400 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc.

Đầu tiên là do lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Trong khi, mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 đến 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 đến 6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập.

Thứ hai, tại một số đơn vị sự nghiệp y tế được giao tự chủ kinh phí chi thường xuyên, nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị đang ở mức thấp, khiến thu nhập nhân viên y tế giảm mạnh.

Thứ ba, chính sách thu hút nhân viên y tế chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo được động lực để giữ chân cán bộ y tế và tạo sức hút để đội ngũ cán bộ viên chức y tế trẻ, có trình độ và năng lực đăng ký tuyển dụng tham gia làm việc tại địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế.

Cùng với đó là nguyên nhân thứ tư, sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống các bệnh viện tư nhân. Các cơ sở y tế tư nhân sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút nhân viên y tế, trong khi các cơ sở y tế công lập lại không có cơ chế để giữ. Những lý do còn lại là vì áp lực công việc cao, vì những tác động của các vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế trong thời gian qua; vì hoàn cảnh gia đình…

Công đoàn Y tế Việt Nam đề xuất sớm nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40%-70% lên mức 100% để thu hút nhân lực y tế công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở. Đồng thời, cho phép Bộ Y tế tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế kể cả giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế làm cơ sở để động viên khuyến khích các đơn vị sự nghiệp y tế tăng cường cung ứng dịch vụ có chất lượng, tăng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức y tế.

Để khắc phục những ảnh hưởng của dịch COVID-19 và kịp thời động viên khích lệ cán bộ y tế, Công đoàn đề nghị Chính phủ cấp kinh phí để hỗ trợ cho cán bộ, viên chức ngành y tế. Về lâu dài, kiến nghị Chính phủ nâng lương cán bộ y tế bảo vệ sức khỏe Nhân dân bằng lực lượng vũ trang, quy định cụ thể về các biện pháp bảo vệ nhân viên y tế, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm bạo hành nhân viên y tế…

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm quyền lợi bảo hiểm y tế cho bệnh nhân

Triển khai chuyển tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) điện tử, giấy hẹn khám điện tử, cải tiến quy trình cấp giấy chuyển tuyến có thời hạn 1 năm cho một số bệnh mãn tính là những quy định mới nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám, chữa bệnh (KCB) sử dụng BHYT bắt đầu từ tháng 4/2024.

Thêm quyền lợi bảo hiểm y tế cho bệnh nhân

TIN MỚI

Return to top