ClockThứ Ba, 13/04/2021 13:15

Tiên phong hỗ trợ thanh niên lập nghiệp

TTH - Bên cạnh khơi nguồn để thanh niên tự tin nuôi dưỡng và hiện thực ý tưởng khởi nghiệp, Huyện đoàn A Lưới chủ động xây dựng và phát huy “Quỹ hỗ trợ thanh niên lập nghiệp” giúp nhiều bạn trẻ phát triển kinh tế.

Xây dựng 3 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo ở A LướiTrao tặng quà cho học sinh nghèo và công an các xã ở huyện A Lưới

Huyện đoàn A Lưới trao Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp trong Chương trình “Tháng ba biên giới”

Tạo đà

Được thành lập từ năm 2014, với phương châm “tích tiểu thành đại”, Quỹ hỗ trợ thanh niên lập nghiệp của Huyện đoàn A Lưới được hình thành dựa trên sự đóng góp của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) toàn huyện và nguồn xã hội hóa. Hàng năm, mỗi bạn trẻ đóng góp từ 5 nghìn đến 30 nghìn đồng. Sau 7 năm triển khai, quỹ đã huy động được trên 500 triệu đồng, bằng hình thức “cho mượn không lãi suất”, quỹ lần đầu tiên giải ngân cho 8 ĐVTN với số tiền 5 triệu đồng/mô hình. Hiện nay, quỹ đã có thể giải ngân với mức tối đa là 20 triệu đồng/mô hình trong thời hạn “mượn” là từ 1 đến 2 năm.

Anh Trần Toàn, Bí thư Huyện đoàn A Lưới cho biết: “Từ các hồ sơ vay vốn, Ban quản lý Quỹ sẽ tiến hành khảo sát thực địa, họp xét cho vay để đảm bảo quỹ đến đúng, đủ với những ĐVTN và người dân có nguyện vọng, nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế. Đến nay, quỹ đã tạo điều kiện cho 74 ĐVTN tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế”.

Chắp cánh cho các mô hình

Nhìn thấy những tiềm năng mà địa phương đang có, chị Lê Thị Lý, Bí thư Đoàn thị trấn A Lưới đã quyết tâm khởi nghiệp với mô hình trồng rừng kết hợp trồng chuối, chăn nuôi gia súc. Với niềm tin và ý chí vượt khó, từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ thanh niên lập nghiệp ban đầu là 15 triệu đồng cùng với nguồn huy động khác, chị Lý đã dần hiện thực ước mơ của mình. Không những tận dụng đất đai hoang hóa của gia đình để trồng rừng, chị còn mở rộng diện tích để trồng chuối và chăn nuôi gà, dê. Hiện, 2ha keo của gia đình đã vươn lên xanh tốt; hơn 1.600 gốc chuối già lùn đến thời điểm thu hoạch; số lượng gia súc, gia cầm ngày càng tăng… Qua đó, giúp chị có thu nhập hàng năm trên 200 triệu đồng.

Được Quỹ Hỗ trợ thanh niên lập nghiệp cho mượn không lãi 20 triệu đồng cùng với nguồn vốn của gia đình, chị Phạm Thị Thủy, đoàn viên Chi đoàn Trường THCS- THPT Hồng Vân đã tận dụng nguồn nước mát từ khe suối vùng núi cao, đầu tư hệ thống nước tự chảy, rồi đào ao, lót bạt, thả nuôi cá tầm. Nhờ nguồn nước không bị ô nhiễm, lại có nhiệt độ thích hợp để cá phát triển nên trọng lượng cá tăng nhanh. Sau thời gian thả nuôi, lứa cá cho thu hoạch với giá bán từ 200 - 300 nghìn đồng/kg. Mô hình cá tầm mang về lợi nhuận khá lớn, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Thông qua các hoạt động hỗ trợ thiết thực của Huyện đoàn A Lưới, đã xuất hiện nhiều mô hình thanh niên sản xuất kinh doanh có hiệu quả, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm như: mô hình du lịch sinh thái suối A Lin của anh Hồ Thượng Lịu; trồng rừng, phát triển kinh tế gia trại của các anh Hồ Văn Bê Một, Hồ Văn Hòa; mô hình nuôi cá trắm, rô phi và cá mè của anh Nguyễn Trung Kiên, đoàn viên tổ 4, thị trấn A Lưới; mô hình trồng thanh long ruột đỏ của anh Trần Văn Thu, đoàn viên xã Hương Phong…

Dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931- 26/3/2021), từ nguồn Quỹ hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, Huyện đoàn đã trao vốn khởi nghiệp cho các thanh niên vùng biên giới với tổng kinh phí 145 triệu đồng.

“Với chủ đề năm 2021 là thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, Đoàn Thanh niên huyện tiếp tục duy trì có hiệu quả nguồn vốn của quỹ, lựa chọn những thanh niên có khát vọng làm giàu và có kế hoạch khả thi để tiếp tục hỗ trợ, đồng hành. Qua đó, giúp ĐVTN phát huy được khả năng, biết tận dụng thế mạnh sẵn có tại địa phương để khởi nghiệp làm giàu cho bản thân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện”, anh Trần Toàn, Bí thư Huyện Đoàn A Lưới chia sẻ.

Huyện đoàn A Lưới cũng đang quản lý Quỹ phát triển sinh kế cộng đồng xã Hương Nguyên với tổng quỹ hơn 300 triệu đồng. Quỹ được triển khai từ năm 2018, giúp nhiều bà con tại xã Hương Nguyên phát triển kinh tế bằng mô hình trồng lúa Ra Dư và nuôi bò bán thâm canh.

Bài, ảnh: Hồ Thủy Xuân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa văn hóa đọc trong đoàn viên, thanh niên

Với nhiều mô hình thiết thực và cách làm hiệu quả, tuổi trẻ Thừa Thiên Huế đã lan tỏa những giá trị, nét đẹp của sách và văn hóa đọc đến với các bạn đoàn viên, thanh niên.

Lan tỏa văn hóa đọc trong đoàn viên, thanh niên
Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống

Các nước trên toàn thế giới đã dành 2 năm qua để soạn thảo một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nhưng hiện vẫn còn khá xa để đạt được đồng thuận về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine và giám sát mầm bệnh.

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống
“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”
Return to top