Thế giới

Tiếp cận vaccine không bình đẳng là mối đe dọa đối với cả thế giới

ClockChủ Nhật, 14/03/2021 15:29
TTH.VN - Mới đây, vaccine của Johnson & Johnson – cùng với các loại vaccine của Pfizer, Moderna, AstraZeneca, Sputnik V và một số loại khác đang chờ được phê duyệt – đã được công nhận là vũ khí hiệu quả chống lại virus Sars-CoV-2, điều này càng làm tăng thêm hy vọng rằng đại dịch COVID-19 có thể sớm được kiểm soát.

Châu Á: Phân phối vắc-xin không công bằng đe dọa quá trình phục hồi toàn cầuTổng giám đốc WHO: Thế giới có thể bắt đầu mơ đại dịch kết thúcCơ chế COVAX: “Chúng ta hãy cùng bơi hoặc cùng chìm với nhau”

Sự phân chia giàu nghèo có thể dẫn đến việc tiếp cận vaccine không bình đẳng. Ảnh: VOV

Tuy nhiên, trong khi sự sẵn có của các loại vaccine hiệu quả đang ngày càng tăng, thì ánh sáng cuối đường hầm vẫn chưa rõ nét. Khi các nước giàu đang đẩy mạnh các chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn, thì sự phân chia giàu - nghèo càng trở thành thách thức lớn nhất trong việc thực sự khống chế được đại dịch một cách toàn diện, nghĩa là trên phạm vi toàn cầu.

Thật vậy, các nước giàu có đã mua được hàng triệu liều vaccine ngừa COVID-19 thông qua các thỏa thuận song phương và việc triển khai đã bắt đầu ở các nước phương Tây, trong khi các nước nghèo hơn buộc phải chờ đợi. Trước thực tế đó, đã xuất hiện các chương trình quốc tế nhằm giảm thiểu sự mất cân bằng này, bao gồm sáng kiến ​​COVAX, một liên minh toàn cầu do WHO đồng dẫn đầu. COVAX có kế hoạch mua vaccine để phân phối cho các quốc gia có thu nhập từ thấp đến trung bình, từ đó thu hẹp khoảng trống mất cân bằng và đảm bảo rằng tất cả những người cần chủng ngừa đều sẽ được tiêm vaccine.

Chủ nghĩa dân tộc vaccine

Theo Devdiscourse, sự khác biệt giữa các quốc gia giàu-nghèo trên hành tinh đang bộc lộ một cách rõ ràng nhất. Trong một cuộc khủng hoảng lớn, ví như đại dịch COVID-19, đó thực sự là một quả bom hẹn giờ đáng lo ngại. Các quốc gia phát triển đã nhanh chóng ký các thỏa thuận cung cấp với các nhà sản xuất thuốc, đảm bảo công dân của họ sẽ là những người đầu tiên được tiêm phòng, trong khi các quốc gia nghèo hơn bị bỏ lại ở cuối danh sách. Trong thời điểm đại dịch mới bùng phát, một mô hình tương tự đã xảy ra khi cơn sốt mua trang thiết bị y tế rất thiết yếu đã cho thấy tình trạng bất cân bằng giữa các nước. 

Các nhà bình luận đã nhanh chóng đặt ra thuật ngữ "chủ nghĩa dân tộc vaccine" cho hành vi này, điều mà COVAX hy vọng có thể xoá bỏ bằng cách điều phối việc phân phối để vaccine được tiếp cận bình đẳng trên toàn thế giới. Trong đợt đầu tiên, COVAX đã phân phối hơn 20 triệu liều vaccine phòng COVID-19 tới 20 quốc gia. COVAX cũng đặt mục tiêu tăng số vaccine được phân phối thông qua chương trình này lên 150 triệu trong quý I/2021 và lên đến 2 tỷ liều vào cuối năm nay.

Thiếu các chiến dịch tiêm chủng toàn diện

Mặc dù đầy tham vọng và cần thiết, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi được đặt ra về việc liệu có thể thực sự đạt được các mục tiêu của COVAX ở mức độ nào, khi việc phân phối và tiêm chủng phải đối mặt với nhiều khó khăn ngay cả ở các nước giàu có. Ví như ở Hàn Quốc - đất nước từng được ca ngợi vì phản ứng nhanh với đại dịch, nhưng đã tụt lại phía sau trong cuộc đua tiêm chủng cho người dân, một phần do nước này đã chậm chân trong việc bảo đảm liều lượng vaccine ngay từ đầu khi đặt hy vọng quá nhiều vào việc phát triển vaccine trong nước. Mặc dù Tổng thống Moon Jae-in khẳng định Hàn Quốc vẫn đang trên đà đạt được miễn dịch cộng đồng vào mùa thu năm nay, nhưng rõ ràng nước này vẫn thiếu một lộ trình tiêm chủng chi tiết, cũng như các kế hoạch hậu cần để đảm bảo rằng vaccine được phổ biến rộng rãi và sẵn có cho người dân kịp thời.

Ở châu Âu, mọi thứ không khá hơn là mấy. Ngay cả những nước đã nhanh chóng ký hợp đồng mua vaccine sớm cũng khó đạt được tỷ lệ tiêm chủng mạnh. Đức, Pháp và Italy, các quốc gia lớn nhất và giàu có nhất của EU, đang có một khởi đầu khó khăn cho chiến dịch tiêm chủng sau khi vaccine được phê duyệt. Mặc dù Thủ tướng Đức Merkel phủ nhận mọi vấn đề nghiêm trọng về hậu cần, nhưng theo các nhà phê bình, việc quản lý khủng hoảng của chính phủ Đức chưa thực sự xuất sắc.

Tuy vậy, các nước châu Âu giàu có vẫn đang dẫn trước các nước nghèo ở Nam bán cầu. Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, hành vi của các nước giàu "sẽ phải trả bằng mạng sống và sinh kế ở các nước nghèo nhất thế giới", cái mà ông gọi là "một sự thất bại thảm hại về đạo đức". Ông cũng lên án các hành vi có thể gây bất bình đẳng trong việc phân phối vaccine, khi chúng dẫn đến việc “tích trữ, thị trường hỗn loạn, phản ứng thiếu phối hợp và tiếp tục làm gián đoạn kinh tế và xã hội”.

Mối đe dọa toàn cầu

Các chuyên gia cảnh báo rằng việc tạo ra một hành tinh 2 tầng, trong đó người nghèo không được tiếp cận với tiêm chủng sẽ tiếp tục làm trầm trọng thêm suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch gây ra. Các quốc gia giàu có cũng sẽ không thể phục hồi kinh tế nhanh chóng nếu không có nỗ lực toàn cầu để dập tắt đại dịch. Và thiệt hại sẽ rất nghiêm trọng không chỉ với các nước đang phát triển mà sẽ được cảm nhận bởi cả những các nước nghèo hay giàu.

Giờ đây, hơn bao giờ hết, các nước giàu có và quyền lực trên thế giới cần hiểu rằng đại dịch sẽ không có hồi kết nếu những nỗ lực mạnh mẽ để tiêm phòng cho người nghèo trên thế giới không được thực hiện. Rõ ràng, việc tiêm chủng quy mô lớn đang đối mặt với nhiều khó khăn ngay cả ở các nước có đủ nguồn lực và cơ sở hạ tầng, và COVAX có thể sẽ còn khó khăn hơn trong việc phân phối vaccine ở những vùng hẻo lánh. Nhưng sự thật là, không có sự lựa chọn nào khác - hoặc cả thế giới sẽ cùng nhau kết thúc đại dịch này, hoặc sẽ không thể đánh bại nó.

TỐ QUYÊN (Tổng hợp và lược dịch từ UN News, Devdiscourse​)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nigeria trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai vaccine mới chống viêm màng não

Trong một động thái lịch sử, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cho biết, Nigeria đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai loại vaccine 5 trong 1 mới “mang tính cách mạng” chống viêm màng não, nhằm bảo vệ con người, chống lại 5 chủng vi khuẩn não mô cầu chính là A, C, W, Y và X.

Nigeria trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai vaccine mới chống viêm màng não
COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm
Return to top