ClockThứ Năm, 01/09/2022 14:30

Tiếp nối & gìn giữ

TTH - Hơn ai hết, chính những người trẻ sẽ là thế hệ tiếp nối, gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa, đạo đức, lối sống và cốt cách của người Huế, làm nên bản sắc riêng có của vùng đất Cố đô.

Trao Giải thưởng Thanh niên tình nguyện ASEAN mở rộng năm 2022Lan tỏa phong trào tuổi trẻ sáng tạo

Lực lượng tình nguyện viên tham gia vào công tác tổ chức Festival Huế năm 2022

Tấm lòng người trẻ

Cuối tháng 6 vừa qua, tôi có dịp ghé thăm Lễ hội “Chợ quê ngày hội” trong khuôn khổ Festival Huế 2022. Một trong những địa điểm “hot” nhất của chợ quê là khu vực trò chơi dân gian do các bạn đoàn viên, thanh niên xã Thủy Thanh đảm nhận.

Chị Trần Thị Thúy Ngân, Phó Bí thư Chi đoàn thôn Thanh Toàn chia sẻ, các đoàn viên trong chi đoàn được phân công đảm nhận các trò chơi cộng đồng theo lịch cụ thể để đảm bảo phủ kín hoạt động trong những ngày diễn ra lễ hội. Đây là sân chơi bổ ích để đoàn viên, thanh niên giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết; vừa là cơ hội để người trẻ góp phần quảng bá văn hóa truyền thống địa phương đến du khách.

Bên cạnh các trò chơi cộng đồng, đoàn viên, thanh niên địa phương còn tích cực tham gia phối hợp tổ chức lễ cung nghênh hương linh bà Trần Thị Đạo (người có công xây dựng Cầu ngói Thanh Toàn…) và tổ chức nhặt rác, vệ sinh môi trường trong những ngày diễn ra lễ hội.

Tình nguyện viên Festival Huế năm 2022 quảng bá hình ảnh áo dài đến du khách nước ngoài

Trao đổi với anh Phùng Đức Chinh, Bí thư Xã đoàn Thủy Thanh mới biết, từ cuối tháng 5, Xã đoàn đã bắt tay lên kế hoạch tổ chức các hoạt động tại Lễ hội “Chợ quê ngày hội” Festival Huế 2022. Đây là nhiệm vụ được Đảng ủy tin tưởng giao phó, vừa là vinh dự nhưng cũng là thách thức đối với tổ chức Đoàn địa phương khi phải đảm nhận hoạt động lớn và quy mô.

Bí thư Xã đoàn Thủy Thanh còn chia sẻ, bản thân anh ấp ủ dự định tiếp tục đảm nhận tổ chức các tour, tuyến tham quan, trải nghiệm cho học sinh tại di tích lịch sử Cầu ngói Thanh Toàn.

Trên thực tế, hoạt động trên đã bắt đầu diễn ra từ cuối năm 2019, nhưng bị gián đoạn hai năm trở lại đây do ảnh hưởng dịch bệnh. Dịp festival năm nay cũng là dấu mốc để thanh niên Thủy Thanh khởi động lại mô hình giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Thời gian tới, Xã đoàn sẽ tiếp tục duy trì và phát triển mô hình trên với việc thành lập các đội hình thanh niên và duy trì hoạt động dựa trên nguồn kinh phí xã hội hóa thu được.

Festival Huế năm 2022 thu hút gần 200 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ

Không riêng Thủy Thanh, các lễ hội lớn như: “Sóng nước Tam Giang” ở Quảng Điền ; “Thuận An biển gọi”… hay những chương trình trong khuôn khổ Festival Huế đều có sự chung sức của đoàn viên, thanh niên ở cả khâu tổ chức lẫn tham gia hoạt động.

Có dịp tiếp xúc với các bạn tình nguyện viên trong quá trình tác nghiệp tại Festival Huế năm 2022, điều tôi ấn tượng nhất ở Lê Hương Giang (sinh viên Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng) chính là sự hoạt bát, nhanh nhẹn và nhiệt tình hướng dẫn du khách tham gia các hoạt động lễ hội với lợi thế ngoại ngữ. Với Giang, được chung sức giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của mỗi người trẻ.

“Ngay khi nhận được thông báo vượt qua vòng sơ tuyển, em gấp rút chuẩn bị hành lý trở về Huế để tham gia tập huấn. Tuy còn nhiều bỡ ngỡ do là lần đầu tiên tham gia, nhưng bản thân quyết tâm nỗ lực để có thể góp phần sức nhỏ bé quảng bá hình ảnh quê hương đến du khách và bạn bè quốc tế”, Hương Giang chia sẻ.

Cần chiến lược lâu dài

Trên thực tế, việc phát huy vai trò của tuổi trẻ tham gia bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Huế không còn là câu chuyện quá mới. Khi Nghị quyết 54 được Bộ Chính trị thông qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã bắt tay tổ chức nhiều hoạt động nhằm kêu gọi, vận động đoàn viên, thanh niên hưởng ứng.

Đoàn viên, thanh niên xã Thủy Thanh tham gia các trò chơi dân gian tại "Chợ quê ngày hội"

Gần đây nhất, hai cuộc thi “Sinh viên với Áo dài Huế” và “Nét đẹp văn hóa, di sản Thừa Thiên Huế qua lăng kính thanh niên” là minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực của tuổi trẻ tỉnh nhà. Với hình thức dự thi ảnh và xây dựng video clip trên nền tảng số, đây sẽ là cơ hội để người trẻ thể hiện được góc nhìn mới, đa dạng về văn hóa Huế với nhiều trầm tích.

Đại diện Tỉnh đoàn cho biết, đầu tháng 6 vừa qua, đơn vị đã ban hành Kế hoạch Phát huy vai trò của thanh niên trong tham gia xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa và du lịch, giai đoạn 2022 - 2027 thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy về “Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”.

Kế hoạch trên sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các cấp bộ Đoàn, đoàn viên, thanh thiếu nhi về vai trò quan trọng trong việc chăm sóc phát triển văn hóa xã hội, xây dụng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc của văn hóa Huế, con người Huế, chú trọng các giá trị văn hóa truyền thống gia đình của người dân; từ đó xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm văn hóa, đậm bản sắc văn hóa Huế, hướng đến một xứ sở hạnh phúc.

Đây cũng là cơ sở để đẩy mạnh phong trào tuổi trẻ sáng tạo, phát huy tiềm năng và thế mạnh của đoàn viên, thanh niên trong việc xây dựng quê hương thành trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa và du lịch; qua đó, góp phần thúc đẩy hoàn thành các nội dung Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị đề ra.

Ông Nguyễn Thanh Hoài, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, thời gian tới, Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục tập trung vào công tác tuyên truyền, khơi gợi lòng yêu văn hóa, quê hương của thế hệ trẻ; đồng thời tổ chức các diễn đàn, cuộc thi và hoạt động trong đoàn viên về triển khai các đề án phát triển văn hóa Huế như: “Huế - Kinh đô áo dài”; “Huế - Kinh đô ẩm thực”; “Festival 4 mùa”; “Thành phố 4 mùa hoa”; “Ngày Chủ nhật xanh”… Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn ở mỗi địa phương cũng cần tư duy, linh hoạt tổ chức các hoạt động căn cứ theo lợi thế và tình hình đặc điểm ở mỗi vùng.

Phải nhìn nhận rằng, việc định vị vai trò của thanh niên trong một tổng thể chung về xây dựng văn hóa Huế là câu chuyện dài hơi, còn nhiều điều phải bàn. Tuy nhiên, cần xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị không thể tách rời của tổ chức Đoàn Thanh niên, về lâu dài cần xây dựng một chiến lược có chiều sâu để chung sức cùng cả hệ thống chính trị xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo định hướng Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Bài: Minh Nguyên

Ảnh: Minh Nguyên - Xã đoàn Thủy Thanh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa văn hóa đọc trong đoàn viên, thanh niên

Với nhiều mô hình thiết thực và cách làm hiệu quả, tuổi trẻ Thừa Thiên Huế đã lan tỏa những giá trị, nét đẹp của sách và văn hóa đọc đến với các bạn đoàn viên, thanh niên.

Lan tỏa văn hóa đọc trong đoàn viên, thanh niên
Diện mạo mới từ các công trình thanh niên

Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện và sáng tạo tuổi trẻ trong thực hiện phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, Huyện đoàn A Lưới tích cực triển khai những công trình, mô hình đoàn thanh niên tiêu biểu, góp phần thay đổi tích cực diện mạo huyện miền núi.

Diện mạo mới từ các công trình thanh niên
“Lửa” từ những trái tim yêu thương

Trong trái tim của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) Xã đoàn Phú Gia (Phú Vang) luôn cháy ngọn lửa nhiệt huyết và yêu thương, mang ấm áp đến với những phận đời kém may, xây dựng niềm tin trong lòng người dân trên địa bàn.

“Lửa” từ những trái tim yêu thương
Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc

Ngày 7/4, Tỉnh đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam tổ chức chương trình trao mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Phú Lộc.

Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc
Return to top