ClockThứ Năm, 26/04/2012 11:22

Tiếp sức cho ngư dân ra khơi

TTH - Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước bà con ngư dân được hỗ trợ máy ICom, máy trực canh, phao cứu sinh, vay vốn ưu đãi... Đó là động lực giúp bà con ngư dân quyết tâm bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Những hỗ trợ thiết thực 

Trò chuyện với chúng tôi, ngư dân Ngô Đức Toan, ở xã Phú Thuận (Phú Vang) vui mừng: “Được Nhà nước tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi, gia đình tui vay hơn 200 triệu đồng đầu tư trang thiết bị, cải hoán máy, có điều kiện bám biển dài ngày; năng suất mang lại cao gấp hai đến ba lần so với trước. Bình quân mỗi chuyến đi biển 15 ngày, đánh bắt khoảng 15 tấn cá các loại; trừ mọi chi phí, lãi từ 100-120 triệu đồng”. Chia tay với tàu ông Toan, chúng tôi gặp anh Nguyễn Thanh Hùng, chủ tàu đánh bắt xa bờ TTH 96699. Ông Hùng cho biết: “Năm 1998, mua lại tàu của dự án đánh bắt xa bờ, do khó khăn nên gia đình không sắm được bộ đàm tầm xa HF (máy ICom). Năm 2010, được Nhà nước trang bị cho một chiếc máy ICom, liên lạc từ 90-100 hải lý. Nhờ vậy, trong mùa mưa bão vừa rồi, tui rất yên tâm khi tham gia khai thác thủy sản trên biển và tự hào khi được góp sức mình vào việc bảo vệ biên cương Tổ quốc”.
 
Bên cạnh đó, bà con ngư dân còn chủ động thành lập các tổ tàu liên kết giúp nhau trong khai thác thủy hải sản và khi xảy ra hoạn nạn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 2.000 chiếc tàu đánh bắt thủy hải sản trên biển, với hơn 6.000 lao động; trong đó có 215 chiếc tàu đánh bắt xa bờ. Đến nay, có 14 đội liên kết, gồm 40 tổ; trong đó, xã Phú Thuận có 10 tổ, thị trấn Thuận An 7 tổ, xã Vinh Thanh 5 tổ... Hàng tháng, ngư dân trong tổ đóng phí thành lập quỹ (mức đóng phí tùy theo quy định của từng tổ); nếu có tàu trong tổ gặp nạn thì dùng quỹ đó để hỗ trợ khoảng 50% chi phí thiệt hại.
 

Sau khi được Nhà nước hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển

 
Với quyết tâm cùng ngư dân bám biển, giữa tháng 8-2011, Tập đoàn Viễn thông Quân đội chính thức cung cấp gói cước Sea + dành cho ngư dân, với thông điệp “Cùng ra khơi”. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 10.000 ngư dân sử dụng gói cước này phục vụ cho việc khai thác nguồn lợi thủy hải sản trên biển”.
 
Mong sớm được tiếp sức
 

Ông Hoàng Ngọc Việt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Bằng nguồn ngân sách của Trung ương và địa phương, từ đầu năm 2010 đến nay, Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh đã hỗ trợ 6 bộ ICom, 84 máy trực canh, 10 phao cứu sinh, khoảng 30 áo phao cho bà con ngư dân có hoàn cảnh khó khăn ven biển và đầm phá. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất với UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ bà con ngư dân máy trực canh và ICom, giúp bà con yên tâm bám biển".

Theo thống kê từ Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chỉ có 23 chiếc tàu đánh bắt xa bờ có trang bị bộ đàm ICom. Trong khi đó, tàu đánh bắt xa bờ ngư dân thường đi đánh bắt thuỷ sản cách bờ biển trên 100 hải lý, không may gặp sự cố xảy ra, thông tin liên lạc không đảm bảo sẽ thiệt hại rất lớn về tài sản và con người.
 
Anh Võ Giang, Trưởng phòng Quản lý tàu cá và Hậu cần nghề cá, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cho biết: “Thực hiện Quyết định 48/2010/QĐ-TTg về hỗ trợ tổ chức cá nhân và hộ gia đình khai thác và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa được hỗ trợ chi phí nhiên liệu, hỗ trợ bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn thuyền viên; hỗ trợ 100% tiền mua máy bộ đàm tầm xa sóng HF có tích hợp định vị vệ tinh (GPS) phục vụ việc xác định vị trí tàu cá trên biển... Điều kiện được hỗ trợ, tàu có công suất từ 90CV trở lên; tàu phải đảm bảo về kết cấu vỏ máy, đủ tiêu chuẩn kỹ thuật; ghi và nộp nhật ký khai thác thủy sản từng chuyến biển với Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ngư dân có nguyện vọng đăng ký tham gia hoạt động tại vùng biển quy định... Thời gian qua, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy tỉnh đã phổ biến quyết định này đến bà con ngư dân có tàu đánh bắt xa bờ. Theo đó, có 65 chiếc tàu đủ điều kiện hỗ trợ. Hiện, công tác hỗ trợ chưa triển khai được do việc đầu tư xây dựng trạm bờ để xác định vị trí tàu cá trên biển chưa hoàn tất. Do vùng biển của Thừa Thiên Huế không có cơ quan đóng trên biển để xác định vị trí việc xác định vị trí tàu cá phải thực hiện bằng công nghệ định vị vệ tinh.
 
Nghề đánh bắt xa bờ vô cùng khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để có những chuyến biển an toàn, bà con ngư dân cần trang bị đầy đủ bộ đàm ICom để đảm bảo thông tin liên lạc trên biển nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản. Đồng thời, các cơ quan ban ngành chức năng trên địa bàn tỉnh cần đẩy nhanh công tác hỗ trợ cho ngư dân theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
 
Thanh Thuận
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Mặt bằng thi công Dự án (DA) đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương chưa giải phóng hoàn toàn, mới chỉ đủ để triển khai phần cầu. Chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm đáp ứng tiến độ thi công DA.

Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương
Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam

Theo các quy hoạch chiến lược của tỉnh, huyện Phú Lộc trở thành cụm động lực tăng trưởng phía nam; trong đó xã Lộc Sơn nằm cửa ngõ phía bắc huyện đang phấn đấu trở thành đô thị loại V, góp phần quan trọng cho sự thành công trên.

Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam
Return to top