ClockThứ Hai, 06/07/2015 10:42

Tiếp sức cho “Tiếp sức mùa thi”

TTH - Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 vừa kết thúc, để lại nhiều cảm xúc trong lòng phụ huynh, thí sinh và những ai quan tâm đến kỳ thi.

Một trong những ấn tượng khó quên là phong trào “Tiếp sức mùa thi” đã được đẩy lên thành một cao trào, thu hút không chỉ lực lượng đoàn viên, thanh niên mà nhiều tầng lớp người dân trong xã hội. Từ chị hàng rau chấp nhận nghỉ bán để làm nước trà đá đem đến điểm thi phục vụ miễn phí cho phụ huynh đến thành viên các câu lạc bộ mô tô thể thao cũng dùng phương tiện của mình để tiếp sức mùa thi. Hàng loạt các điểm cơm miễn phí, nhà trọ miễn phí và nhiều việc làm có ý nghĩa khác được triển khai đã góp phần giảm bớt khó khăn cho phụ huynh, giúp thí sinh tự tin để có kết quả thi tốt nhất... Tất cả các hoạt động đó đã nói lên được tinh thần tương thân, tương ái; coi trọng hiền tài của người dân Việt Nam.

Cứ mỗi mùa thi đến, chúng tôi, những thế hệ đi trước đều không khỏi ngậm ngùi nhớ về kỷ niệm của một thời, với bao ước mơ, hoài bão. Nhìn cảnh những phụ huynh lo lắng, bất kể thời tiết nóng như thiêu đốt vẫn ngồi chờ đợi con làm bài; và nhiều câu chuyện cảm động, để có tiền cho con ứng thi, cho thấy một kỳ vọng lớn lao về tương lai con em từ con đường học vấn. Tình cảm của phụ huynh là một động lực quan trọng để thí sinh và sinh viên sau này ý thức hơn trong việc học.

Đây chỉ là bước khởi đầu. Còn một chặng đường dài phía trước, với bao gánh nặng về cơm áo gạo tiền đè lên vai phụ huynh. Điều mà phụ huynh lo lắng nhất là việc làm của con em sau khi ra trường. Thực tế những năm qua cho thấy, bên cạnh một số cử nhân ra trường xin được việc như ý thì phần lớn vẫn rất khó khăn để có việc làm ổn định. Có em phải giấu bằng cử nhân để xin vào làm công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp; có em không xin được việc làm, tiếp tục tạo gánh nặng cho gia đình...

Nguyên nhân được chỉ ra là do số lượng sinh viên đầu ra mỗi năm quá nhiều, trong khi thực tế vấn đề việc làm đang gặp khó khăn, do chịu ảnh hưởng nền kinh tế khủng hoảng thời gian qua, khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động hoặc giải thể, đóng cửa. Một nguyên nhân nữa là xuất phát từ chính nguồn nhân lực được đào tạo nhưng không đáp ứng được yêu cầu công việc. Sinh viên sau khi tốt nghiệp không đủ năng lực, trình độ đảm nhận các vị trí trong doanh nghiệp, khiến các nhà tuyển dụng từ chối hoặc phải đào tạo lại... Đây là một trong những vấn đề nổi cộm cần sớm quan tâm giải quyết, từ công tác hướng nghiệp, đến chỉ tiêu đào tạo, chất lượng đào tạo cũng như có chính sách kích thích ổn định sản xuất kinh doanh trong xã hội; nhằm tạo nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, đáp ứng sự mong chờ của gia đình, xã hội.

Đặng Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông

Ngày 19/4, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm trưởng đoàn công tác đã khảo sát thực tế nút giao cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua địa bàn huyện Phong Điền; sau đó làm việc với UBND tỉnh về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông
Cần tiên lượng thời hạn giải quyết dứt điểm kiến nghị của công dân

Ngày 17/4, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân; Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phạm Như Hiệp có buổi tiếp công dân định kỳ tháng 4.

Cần tiên lượng thời hạn giải quyết dứt điểm kiến nghị của công dân
Return to top