ClockChủ Nhật, 19/02/2012 07:36

Tiếp sức người nghèo lo nhà ở

TTH - Theo dự kiến, nhiều khả năng Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ 2 mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở tại Việt Nam Trong quý I/2012, Bộ Xây dựng sẽ trình Thủ tướng Chính phủ về đề án quỹ tiết kiệm nhà ở sau hơn 2 năm “thai nghén”, với nhiều ý kiến đồng tình và phản đối.

Xóa bao cấp

Bộ Xây dựng lập luận, với giá bình quân từ 12 - 14 triệu đồng/m2, như vậy một căn hộ dành cho người thu nhập thấp ở Hà Nội cũng tới 1 tỉ đồng và là số tiền quá lớn đối với nhiều hộ gia đình. Từ đó dẫn tới tình cảnh nhiều hộ đủ tiêu chuẩn mua nhà đành phải bỏ qua cơ hội có một tổ ấm riêng vì không đủ khả năng thanh toán hoặc tìm cách sang tên “chui” cho người khác.
Bộ Xây dựng cho rằng lo nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của toàn xã hội nhưng sẽ không đi vào cách làm trước đây là bao cấp về nhà. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam phân tích, các quốc gia giàu có cũng không thể bao cấp về nhà ở cho người dân và Việt Nam càng không đủ điều kiện để làm được việc này.
Do vậy, không còn cách nào khác, hầu hết các hộ dân phải tự tạo lập chỗ ở cho mình; còn Nhà nước chủ yếu hỗ trợ cho việc tạo lập quỹ nhà... “Vì vậy, việc hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở với cơ chế lấy của số đông giúp số ít, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Từ nguồn quỹ này, người dân có thể vay vốn với lãi suất thấp để mua nhà”.
Nhu cầu nhà ở của người dân tại các TP là rất lớn song cơ hội sở hữu nhà
chưa cao. Trong ảnh: Bỏ phiếu bốc thăm mua nhà tại một dự án ở Hà Nội
Theo Bộ Xây dựng, cứ 5 người góp tiền vào quỹ thì 3 người có nhà để giúp cho 2 người chưa có nhà. Do vậy, 3 người đã có nhà mà nói “không”, dẫn đến chỉ còn 2 người chưa có nhà góp với nhau thì phải đợi mòn mỏi mới có nhà.
Ông Nguyễn Trần Nam cho biết ở một số nước hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở từ nhiều năm qua đã áp dụng mô hình lao động đi làm có thu nhập tự động trích mấy phần trăm cho vào quỹ này. Đến khi về hưu, nếu người lao động không có nhu cầu mua nhà thì được hoàn trả số vốn đóng góp và lãi suất trên số tiền đã đóng.
Tuy nhiên, theo ông Nam, có nước không áp dụng cơ chế bắt buộc mà là tự nguyện nên nguồn đóng góp có hạn. Để bổ sung nguồn cho quỹ, Nhà nước sẽ bỏ ra số vốn điều lệ ban đầu; các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng trích lợi nhuận mua trái phiếu…
Hai mô hình
Theo dự kiến, nhiều khả năng Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ 2 mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở tại Việt Nam. Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết với mô hình thứ nhất, quỹ tiết kiệm nhà ở chuyên phục vụ cho người có thu nhập thấp vay mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc cho doanh nghiệp vay đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp, nhà ở công nhân và đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Nguồn vốn hình thành quỹ được huy động từ tiền sử dụng đất thu được từ các dự án nhà ở thương mại; ngân sách địa phương; nguồn đóng tiết kiệm và trả nợ của các đối tượng có nhu cầu tham gia; lợi nhuận thu được từ phát hành xổ số kiến thiết hoặc phát hành xổ số nhà ở; phát hành trái phiếu nhà ở bắt buộc đối với các đối tượng tham gia một số hoạt động liên quan đến bất động sản...
Từ đó, quỹ sẽ cho các đối tượng tham gia chương trình tiết kiệm nhà ở vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội khi đã đóng tiền vào quỹ tối thiểu bằng khoảng 30% giá trị của nhà ở cần mua, thuê mua và đã tham gia đóng quỹ tối thiểu từ 5 năm trở lên, mức đóng chia đều cho hằng tháng. Nguyên tắc cho vay theo hướng ai gửi tiết kiệm nhiều hoặc thời gian đóng dài hơn thì được ưu tiên vay trước. Lãi suất huy động bằng khoảng 1/2 lãi suất vay thương mại.
Từ 2013 đến 2015, triển khai thí điểm
Với đề xuất song song 2 mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở cho thấy Bộ Xây dựng đã tiếp nhận nhiều ý kiến nghi ngờ tính khả thi của mô hình này.
Dự kiến, Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ đề án quỹ tiết kiệm nhà trong quý I/2012, để trong giai đoạn 2013-2015 sẽ triển khai thí điểm tại Hà Nội và TPHCM.
Người vay phải trả đều hằng tháng trong thời hạn tối thiểu là 15 năm, tính từ ngày được vay để mua nhà ở xã hội. Điểm khác biệt của mô hình này so với đề xuất trước đó là hình thức tham gia quỹ là tự nguyện, không bắt buộc và Nhà nước chỉ khuyến khích mọi đối tượng trong xã hội tham gia phát triển quỹ.
Đối với mô hình thứ 2, quỹ tiết kiệm nhà ở áp dụng cho người có thu nhập trung bình vay để mua nhà ở thương mại. Đối tượng tham gia đóng quỹ là người có thu nhập trung bình có nhu cầu mua nhà ở, tham gia tự nguyện, không bắt buộc. Sau khi tham gia đóng quỹ được khoảng 50% giá trị nhà ở cần mua thì người tham gia đóng sẽ được vay thêm 50% giá trị của nhà ở còn lại...

 Bảo Trân (theo NLĐ)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoãn đấu thầu vàng: Doanh nghiệp không mặn mà hay đang 'nghe ngóng'?

Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu vàng vào 10h sáng nay (ngày 22/4); đồng thời, công bố sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng mai, thứ Ba, 23/4.

Hoãn đấu thầu vàng Doanh nghiệp không mặn mà hay đang nghe ngóng
Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội

Đó là yêu cầu của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình tại phiên họp Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh nhằm đánh giá kết quả hoạt động quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại năm 2024, tổ chức chiều 17/4.

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top