ClockThứ Bảy, 13/06/2015 17:28

Tiếp tục huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển

TTH.VN - Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, giai đoạn 2016-2020 sẽ huy động khoảng 171.000 tỷ đồng vốn ngoài Nhà nước để đầu tư cho hệ thống đường bộ.

Sẽ huy động khoảng 171.000 tỷ đồng đầu tư vào đường bộ

Báo cáo trước Quốc hội sáng 13/6 làm rõ thêm một số vấn đề trong chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm của Chính phủ, về nhiệm vụ đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đến nay, khung khổ pháp lý cơ bản được hình thành, đã huy động theo hình thức BOT, BT và doanh nghiệp tự đầu tư được 203.000 tỷ đồng cho 71 dự án đường bộ và 158.000 tỷ đồng cho hệ thống cảng biển, thiết bị bốc xếp. Hầu hết hệ thống cảng, bến trên đường thủy nội địa do các doanh nghiệp tự đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 19.000 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói về các nhiệm vụ xã hội hóa đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Theo Phó Thủ tướng, trong giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến huy động vốn ngoài Nhà nước khoảng 171.000 tỷ đồng đầu tư vào hệ thống đường bộ; khoảng 44.000 tỷ đồng vào kết cấu hạ tầng hàng hải, 13.000 tỷ đồng vào kết cấu hạ tầng vào đường thủy nội địa, khoảng 56.000 tỷ đồng vào hệ thống các cảng hàng không và 14.000 tỷ vào các nhà ga, kho bãi, dịch vụ đường sắt.

Chính phủ tập trung chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi hơn, thúc đẩy xã hội hóa đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng theo đúng quy định của pháp luật, huy động được nhiều nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, bảo đảm sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, bảo đảm phát triển kinh tế và quốc phòng an ninh.

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế chính sách, giải pháp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tham gia xã hội hóa đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng, nhất là lĩnh vực giao thông.

Hết 2015, chỉ tiêu môi trường kinh doanh đạt và vượt ASEAN 6

Về nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Phó Thủ tướng cho biết, nhiều văn bản pháp luật đã sửa đổi, bổ sung, nhiều thủ tục hành chính đã được cải cách mạnh mẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, cụ thể thời gian nộp thuế đã giảm từ 537 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm; tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử đã tăng từ 65% lên 95%. Từ đầu năm 2015, thực hiện luật thuế sửa đổi, đã giảm thêm 80 giờ, từ 247 giờ/năm xuống còn 167 giờ/năm. Thời gian nộp bảo hiểm xã hội giảm từ 335 giờ/năm xuống còn 235 giờ/năm. Thời gian thông quan từ 21 ngày xuống còn 14 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu và 13 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu.

Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp được sửa đổi theo hướng bảo đảm nguyên tắc đối xử công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; thời gian khởi sự kinh doanh giảm từ 34 ngày xuống còn 17 ngày. Thời gian tiếp cận điện năng từ lưới điện trung áp giảm từ 115 ngày xuống còn 33 ngày đối với đường dây trên không và 41 ngày đối với đường cáp ngầm. Trong lĩnh vực quản lý đất đai, đã rà soát, giảm từ 71 thủ tục xuống còn 41 thủ tục đối với việc thành lập văn phòng đăng ký đất đai một cấp; rút ngắn được 5 đến 25 ngày đối với thủ tục cấp giấy chứng nhận. Lĩnh vực khoáng sản cắt giảm gần 40% thủ tục.

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan và địa phương tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, phấn đấu đến hết năm 2015 các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN 6 và đến hết năm 2016 một số chỉ tiêu chủ yếu đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4.

Theo VOV
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhận biết và phòng ngừa dịch cúm gia cầm

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm (DCGC), ngày 23/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức hướng dẫn cách nhận biết và các biện pháp phòng trừ DCGC. Mục tiêu là hạn chế thấp nhất vi rút DCGC lây nhiễm và gây tử vong cho người, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi.

Nhận biết và phòng ngừa dịch cúm gia cầm
Return to top