ClockThứ Tư, 30/10/2019 06:00
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào (30/10/1949-30/10/2019)

Tiếp tục xây đắp tình hữu nghị

TTH - Đất nước Lào hiện lên trong tâm trí những người lính tình nguyện năm xưa như một phần máu thịt. Ở đó, họ cùng “nằm gai nếm mật” với người dân để hôm nay, trên mặt trận thời bình, nghĩa tình ấy vẫn được sẻ chia.

70 năm nghĩa tình sắt son

Những người lính ôn lại kỷ niệm xưa tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào

Dấu chân người lính

Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Hà (phường Phước Vĩnh, TP. Huế) từng 11 năm gắn bó ở mặt trận phía Tây dãy Trường Sơn.

Ông Hà là một trong những chiến sĩ tình nguyện Việt Nam thời ấy không quản ngại khó khăn lên đường đến tỉnh Salavan giúp nước bạn.

Với phương châm “3 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc) với người dân, ông nhanh chóng thích ứng với hoàn cảnh, điều kiện sống mới. “Thời ấy rất gian khổ, những người lính tình nguyện chúng tôi phải tự hỏi đường để đi đến đúng địa chỉ. Đến nơi phải tự học tiếng Lào để thích nghi”, ông Hà chia sẻ.

Không biết bao nhiêu lần ông Hà đến từng bản làng tuyên truyền, vận động các bộ tộc Lào đoàn kết, tăng gia sản xuất; xây dựng lực lượng dân quân du kích sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ quê hương. “Trước lúc chúng tôi lên đường, Bác Hồ đã căn dặn phải yêu thương con dân nước bạn như chính mình. Người Lào rất chân thành, tốt bụng, sự yêu thương của những người lính tình nguyện Việt Nam giúp họ ấm áp và họ coi chúng tôi như những thành viên trong gia đình. Vào những ngày tết truyền thống của Lào lẫn Việt, họ dành cho chúng tôi những tình cảm yêu thương dù cuộc sống còn nhiều gian khó”, ông Hà nhớ lại.

Ngày chia tay đất Lào, chiến sĩ Nguyễn Văn Hà được người dân tri ân với những dòng vấn vương: “Hôm nay anh đi, chúng tôi rất buồn vì lẻ loi. Được một người bạn chí tình giúp đỡ, anh về chúng tôi như mất một cánh tay”.

Sau ngày Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định các lực lượng quân sự của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ Quốc tế tại Lào năm 1949, hàng chục vạn chuyên gia, cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã không quản ngại gian khổ, chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng hy sinh chống kẻ thù chung.

Qua thống kê, cả nước có hơn 5 vạn cán bộ, chiến sĩ bị thương, hơn 4 vạn cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên đất bạn Lào; hơn 3.000 hài cốt liệt sĩ bộ đội Việt Nam vẫn còn nằm trên đất bạn.

Tại mặt trận Bình Trị Thiên trong cuộc kháng chiến chống Pháp cũng hình thành nên Sư đoàn 325, gồm 3 trung đoàn là 101, 95 và 18 với nhiệm vụ ngăn chặn, kìm chân Pháp tại khu vực Trung Lào, không cho tiếp viện chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Lê Văn Thiệp, Phó Trưởng Ban liên lạc quân tình nguyện Việt – Lào tỉnh (BLL), một trong những chiến sĩ tham gia chiến đấu thời điểm ấy bộc bạch: “Bây giờ nhớ lại thì đó là những ngày gian khó nhưng ấm áp tình yêu thương giữa hai dân tộc Việt - Lào”.

Xuyên suốt cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bên kia dãy Trường Sơn luôn in hằn dấu chân chiến sĩ tình nguyện Việt Nam. Nhiều người đã ngã xuống sau những trận đánh lớn lẫn những cuộc nội chiến trên đất bạn. “Sự giúp đỡ của chiến sĩ, chuyên gia quân đội Việt Nam là nhân tố quyết định trong cuộc cách mạng Lào. Sự hy sinh của các bạn nhiều thế hệ Lào sẽ không bao giờ quên”, ông Viêng Xay Phommachanh,Tổng Lãnh sự quán Lào tại Đà Nẵng nói.

Tô thắm thêm những chiến công

Chiến tranh đã lùi xa, những người lính tình nguyện năm xưa mỗi lần gặp nhau lại rưng rưng. Trong câu chuyện của họ bây giờ không chỉ là những kỷ niệm ngày trước mà còn có những nỗ lực đắp xây tình hữu nghị. CCB Hoàng Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh trong nhiều chuyến đi về vùng tiếp giáp với tỉnh Salavan và Sê Kông đúc rút những điều rất đặc biệt.

Ông Đức bảo, không nơi nào ở vùng biên giới có đến 70-80% cán bộ nước bạn thông thạo tiếng Việt. Trong số đó, nhiều CCB cùng ăn, ở gắn bó với quân tình nguyện Việt Nam. Tình cảm ấy gắn bó keo sơn qua nhiều năm.

Đường biên giới giữa Thừa Thiên Huế - Lào được cắm 44 mốc quốc giới, cọc dấu và tình hữu nghị ngày một được xây đắp vững chắc nhằm phát huy truyền thống vẻ vang, thành quả cha anh để lại. Những hoạt động được Ban liên lạc Quân tình nguyện Việt – Lào tỉnh, Hội Hữu nghị Việt – Lào, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh triển khai như, tặng quà, tu sửa doanh trại, xây nhà hữu nghị, công trình dân sinh… càng tô thắm thêm những chiến công ngày trước.

Ông Nguyễn Đức Thuận, Trưởng BLL cho biết: “Sau khi thành lập BLL với 350 thành viên để kết nối những chiến sĩ năm xưa, chúng tôi xem việc giúp đỡ du học Lào là nhiệm vụ chính trị. Tổng số học sinh Lào được bảo trợ hiện đã 75 em. Ngoài ra, còn tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi từng thành viên…Những chiến sĩ tình nguyện năm xưa có người còn người mất nhưng những chiến công vẫn được truyền lại cho thế hệ trẻ hôm nay”.

Bài, ảnh: Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Việt Nam - Indonesia: Điểm tựa Mỹ Đình

Chưa bao giờ đội tuyển Việt Nam lại bị dư luận phản ứng nhiều như hiện tại. Điều đó đang tác động rất lớn đến tâm lý của thầy trò HLV Philippe Troussier.

Việt Nam - Indonesia Điểm tựa Mỹ Đình
Quốc hội Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế tại IPU-148

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại năm 2024 của lãnh đạo cấp cao, nhận lời mời của Chủ tịch và Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng IPU lần thứ 148 (IPU-148) và các hội nghị liên quan tại Thụy Sĩ.

Quốc hội Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế tại IPU-148

TIN MỚI

Return to top