ClockThứ Hai, 08/06/2015 18:07

Tiếp tục xử lý nghiêm, bảo vệ thói quen đội mũ bảo hiểm

TTH - Chưa thấy có thống kê phân tích, nhưng chắc chắn, kể từ lúc triển khai quy định người đi mô tô, xe máy phải đội mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông được triển khai đến nay, chiếc mũ bảo hiểm hẳn đã cứu rất nhiều người…

Tham gia một cuộc liên hoan với bạn bè, vui hơi quá đà, khi ra về, cậu em vợ của bạn tôi đã “phi” thẳng chiếc xe máy vào “con lươn” giữa đường. Sau đó nữa, “phi” thẳng vào bệnh viện. Phim cắt lớp cho thấy, não bị xuất huyết nặng. Điều trị hơn tháng, tưởng “đi” luôn. May sao, nhờ già thầy già thuốc, và có lẽ, cũng nhờ phúc đức gia đình, cậu ta tỉnh lại và dần dần hồi phục.

Dễ dàng nhận thấy trong dòng người này không ít trường hợp “quên” mũ bảo hiểm. Ảnh: HK
Những người thân, đặc biệt là bạn bè cùng dự cuộc vui và cùng về với cậu ta lúc ấy thì lại biết rằng, một phần may mắn là cậu ta có đội MBH. Còn không thì cũng chẳng… còn não để mà xuất huyết. Phóng nhanh, va đập mạnh, cái MBH vỡ nát đến thế kia mà.
Chưa thấy có thống kê phân tích, nhưng chắc chắn, kể từ lúc triển khai quy định người đi mô tô, xe máy phải đội MBH khi tham gia giao thông được triển khai đến nay, chiếc MBH hẳn đã cứu rất nhiều người khỏi lưỡi hái tử thần vì chấn thương sọ não. Công an làm ráo riết một thời gian, và có lẽ thấy được lợi ích của chiếc MBH cho nên bây giờ ra đường đã thấy người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy để đầu trần hay đội mũ vải chỉ còn là thiểu số.
Cũng vì lợi ích của việc đội MBH mà chủ trương này đã được mở rộng ra đối với đối tượng là trẻ em trên 6 tuổi. Để nói rõ lợi ích, tầm quan trọng của việc đội MBH cho trẻ, ngay từ các tháng đầu năm 2015, Ủy ban ATGT quốc gia phối hợp với Bộ GD-ĐT, CSGT, các cơ quan báo chí đã tích cực tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận, hưởng ứng trong xã hội. Sau đó, đầu tháng 4/2015, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã đồng loạt ra quân kiểm tra, nhắc nhở. Tiếp đến ngày 10/4/2015 là “Ngày cao điểm” tuần tra, kiểm soát, xử lý; sau đó CSGT tiếp tục duy trì theo kế hoạch tuần tra kiểm soát thường quy.
Với quyết tâm và sự đồng bộ trong cách làm, tỷ lệ trẻ em được phụ huynh cho đội MBH khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp điện đã tăng lên đáng kể. Theo đánh giá của AIP (Quỹ Phòng chống thương vong châu Á) tại hội nghị sơ kết “Kế hoạch hành động thực hiện quy định của pháp luật về đội MBH đối với trẻ em năm 2015” do Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức tại Hà Nội trong tháng 5 vừa rồi, khảo sát tại một số thành phố lớn sau đợt cao điểm cho thấy tỷ lệ đội MBH ở học sinh tăng trung bình từ 38% lên gần 70%, dẫu chưa đạt con số tuyệt đối nhưng đó là một tỷ lệ đáng khích lệ, đáng hy vọng về một sự lan tỏa trong thời gian tới.
Còn nhớ thời gian đầu năm 2007, khi quy định bắt buộc đội MBH (ban đầu mới chỉ là trên các tuyến quốc lộ) ra đời, xã hội đã bàn luận, ý ra, ý vào không ít. Cũng cho đến thời điểm ấy, ra đường, hễ thấy ai đi xe máy mà đội MBH thì không ít người…cười giễu, đại loại: Quá kỹ, trời nắng thế này mà cũng “chụp nồi cơm điện”; Nhỡ bị xe nó cán qua mình thì… giữ cái đầu làm gì?!!... Thế nhưng… sợ phạt, cuối cùng đội cả. Và bây giờ, có lẽ vừa sợ phạt, vừa thấy lợi ích thiết thực của chiếc MBH, ra đường không có MBH lại thấy thiêu thiếu, khó chịu. Đối với trẻ em cũng vậy, rất nhiều gia đình không cần đợi đến 2015 mà ngay khi có quy định là đã trang cấp MBH luôn cho cả nhà. Có thể khẳng định, cho đến thời điểm này, thói quen đội MBH đã hình thành trong xã hội, đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, cũng thật khó hiểu, không biết vì lý do gì mà vẫn còn đó một bộ phận người đi mô tô, xe máy tỏ ra thờ ơ với một chủ trương mang lại lợi ích cho chính sức khỏe, mạng sống và hạnh phúc của bản thân và gia đình họ? Một số bậc phụ huynh vẫn còn nại lý do hoặc là quên, hoặc là… nghèo, không có tiền mua mũ, hoặc là do nhà trường không bố trí chỗ treo MBH để mong CSGT… thông cảm (!??)
Nhiều tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã có những chương trình tặng MBH cho người nghèo, cho trẻ em; các cơ quan có trách nhiệm cũng đã hết lòng hết sức để tuyên truyền, vận động... Chẳng lẽ ai đó lại không thấy tự ái, hổ thẹn khi mà người khác quan tâm cho lợi ích của mình còn bản thân mình thì lại thờ ơ? Chẳng lẽ cái gì cũng đợi nhắc, đợi phạt mới chịu chấp hành (?!!) Nhưng nếu không phạt, không nhắc thì sẽ tạo tiền lệ xấu trong xã hội về coi thường phép nước; và rất có thể nó sẽ làm tổn hại thói quen đội MBH vừa được hình thành chưa được bao lâu.
Hiền An
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6: Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi

Cuộc đánh chiếm đảo Cô Lin của kẻ thù vào năm 1988 đã thất bại trước sự anh dũng, kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ Hải quân. Hình ảnh con tàu HQ 505 huyền thoại bốc cháy thành ngọn lửa quyết tử để giữ được đảo Cô Lin luôn in hằn trong trí nhớ người dân Việt Nam. Cô Lin ngày xưa kiên cường, Cô Lin ngày nay luôn chắc tay súng, thường trực cảnh giác để canh giữ trời biển. Gió biển vẫn mát rượi thổi vào đảo như tình yêu quê hương…

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6 Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi
Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng
Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long

Nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống lực lượng Tham mưu, An ninh nội địa Công an Nhân dân (18/4/1946 - 18/4/2024), Đoàn Thanh niên Phòng Tham mưu, Đoàn Thanh niên Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh cùng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về cơ sở.

Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long
Return to top