ClockThứ Tư, 30/11/2016 05:31

Tiểu thương bỏ chợ Hương Sơ

TTH - Có 174 lô được đấu để đăng ký kinh doanh tại chợ Hương Sơ (phường Hương Sơ, T.P Huế), nhưng sau một thời gian, chỉ 60 lô còn hoạt động. Một số bỏ chợ Hương Sơ quay trở lại kinh doanh ở những chợ cóc, quán bạ vốn hình thành từ trước.

Chợ cóc Đức Bưu vẫn còn người mua kẻ bán

Bỏ chợ vì ế ẩm

Ghé “chợ cóc” nằm trên đường Trần Quý Kháng, thuộc phường Hương Sơ, chúng tôi thấy có khoảng gần 10 gánh hàng đang buôn bán với các loại thực phẩm tiêu dùng hằng ngày như rau, cá, thịt, bánh, trái cây, chè… Khi chúng tôi dò hỏi việc mua bán ở đây, chị Bé, chủ hàng thịt nhanh miệng: “Hôm qua đội trật tự đô thị của phường vừa đến dẹp. Mình bán trong khuôn viên nhà thì không có chi, nhưng mấy dì bán cá, bán rau, bán chè ngồi ngoài vệ đường thì phải nách hàng chạy trốn. Thấy đội trật tự đi rồi thì mọi người họp chợ trở lại. Cảnh ni quen rồi!”. Thắc mắc vì sao không vào chợ Hương Sơ chỉ cách khoảng nửa cây số để mua bán, chị Bé cho hay, đầu 2013, khi chợ Hương Sơ xây xong và đi vào hoạt động, chị cùng 2 người em đều đóng tiền lô mỗi người 14, 15 triệu đồng để kinh doanh. Sau một thời gian, vì mua bán ế ẩm, cả 3 người đều phải bỏ chợ ra ngoài buôn bán, chấp nhận mất tiền lô.

Ông Trần Hữu Thành, Trưởng Ban quản lý (BQL) chợ Hương Sơ cho biết, chợ Hương Sơ đi vào hoạt động từ đầu năm 2013 với quy mô 199 lô, sau đó thành phố cho mở thêm hai bên cánh gà 36 lô, tổng cộng chợ có 235 lô. Thời điểm đó, các tiểu thương đã đăng ký hợp đồng kinh doanh 174 lô. Nhưng đến nay, chỉ còn 60 lô duy trì kinh doanh, còn lại đều bỏ ra ngoài thuê nhà, ki-ốt hoặc họp lại 2 chợ cóc Đức Bưu (đường Trần Qúy Kháng) và Lệ Khê (đường Tản Đà) vốn dĩ đã có từ lâu. Mặc dù tiền đấu lô phía trong đình chợ từ 18 đến 20 triệu đồng/lô, phía ngoài đình chợ từ 14 đến 15 triệu đồng/lô và 16 ki-ốt mặt tiền từ 70- 80 triệu đồng/ki-ốt trong vòng 5 năm, nhưng vì buôn bán ế ẩm, nhiều tiểu thương chấp nhận bỏ chợ. Hầu hết những lô còn duy trì chỉ kinh doanh các mặt hàng gia vị, ăn uống, tươi sống hằng ngày; còn những lô hàng kinh doanh giày dép, vải, áo quần… đều đóng kín cửa.

Nguyên nhân ông Trần Hữu Thành đưa ra là do người dân còn nghèo, chợ cóc, quán bạ nổi lên nhiều, đại bộ phận người dân ở các khu chung cư làm nghề bốc xếp, buôn bán ở các chợ Đông Ba, chợ đầu mối Phú Hậu, nên họ đều mua sắm đồ ăn uống, tiêu dùng tại những chợ này. Nguyên nhân khác theo Chủ tịch UBND phường Hương Sơ - Nguyễn Văn Tài là do lò giết mổ gia súc tập trung nằm đối diện với chợ, làm phát sinh rất nhiều ruồi, muỗi, ô nhiễm mùi hôi…, gây giảm sút hoạt động mua bán tại chợ. “Buôn có bạn, bán có phường{, vì lượng tiểu thương ít, hàng hóa không phong phú, thiếu nhiều mặt hàng, nên sau một vài lần ghé không đáp ứng đủ nhu cầu, người tiêu dùng tìm đến chợ khác để mua sắm là lẽ đương nhiên. Cứ thế, lượng khách đến chợ thưa vắng dần đồng nghĩa với việc tiểu thương rời bỏ chợ tăng lên.

Vận động và tìm hướng tháo gỡ

 Từ khi tách phường An Hòa và Hương Sơ, nhận thấy cần có ngôi chợ để phục vụ nhu cầu mua bán cho người dân cũng như để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, phường đã đề xuất xây dựng chợ Hương Sơ với quy mô chợ hạng 2. Khi thành lập chợ, phường ưu tiên bố trí lô và không thu một số khoản lệ phí đối với những tiểu thương kinh doanh lâu đời từ 2 chợ cóc Đức Bưu và Lệ Khê. Tuy nhiên, qua thời gian hoạt động, vì sức mua, sức bán ít, nên một số quay trở lại mua bán ở 2 chợ cóc này. Chủ tịch UBND phường Hương Sơ cho rằng, nguyên nhân chợ Hương Sơ vắng người bán và người mua không phải do 2 chợ cóc này còn tồn tại. Tuy nhiên, thời gian qua, đội trật tự đô thị của phường vẫn thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, quyết dẹp bỏ các chợ tạm. Khó ở chỗ, nếu việc mua bán ngoài lề đường, vỉa hè thì có thể đẩy đuổi được, nhưng một số người lại bán hàng ở trong, trước mặt nhà, nên địa phương không có chế tài xử lý. Nếu đưa những hộ kinh doanh này vào diện thu thuế môn bài thì vô hình trung phường đồng ý cho họ hoạt động kinh doanh và dễ tạo cớ cho những hàng rong, quán bạ lợi dụng làm điểm tụ tập họp chợ.

Một nhân viên BQL chợ Hương Sơ cho hay, BQL đã trực tiếp gọi điện thoại từng tiểu thương để mời gọi, vận động họ trở về kinh doanh, nhưng không có kết quả.

Để thu hút, phường vận động và “cho không” tiền mặt bằng phía trước mặt chợ để người dân mở hàng ăn uống từ sau 4 giờ chiều đến tối. Dù nằm ở vị trí thuận lợi, khu dân cư đông đúc, nhưng vì ảnh hưởng từ lò mổ, ruồi nhặng nhiều, khách không đến ăn uống, nên các hàng quán cũng không duy trì được lâu. 

Theo ông Nguyễn Văn Tài, với quyết tâm lập lại trật tự, cũng như phục hồi sức mua, sức bán cho chợ Hương Sơ, thời gian tới, UBND phường sẽ cùng với BQL chợ đến từng hộ tiểu thương bỏ chợ để thăm dò, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và ghi nhận đề xuất để tiếp tục nghiên cứu, đề ra giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để tiểu thương vào chợ.

HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khi chợ Đông Ba có cả tên đường

Chợ Đông Ba đã có một bước tiến chưa từng có trong lịch sử hơn 120 năm của mình với việc lần đầu tiên có tên đường.

Khi chợ Đông Ba có cả tên đường
Return to top