ClockThứ Ba, 08/08/2017 05:41

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số cải cách hành chính

TTH - Kết quả đánh giá, xếp loại chỉ số cải cách hành chính (CCHC) cấp huyện của tỉnh năm 2016, UBND huyện A Lưới xếp thứ 8 với số điểm 76,95%. Hiện, địa phương đang tập trung rà soát các tiêu chí thành phần đánh giá, xếp loại công tác CCHC của các ngành và UBND các xã, thị trấn đảm bảo chính xác, phù hợp với thực tiễn để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC của từng cơ quan, đơn vị.

Giao dịch thủ tục ở Trung tâm Hành chính công huyện A Lưới

Tác động đến chất lượng phục vụ

Thị trấn A Lưới là một trong những đơn vị tiêu biểu trong thực hiện CCHC theo cơ chế một cửa của huyện. Tuy còn những khó khăn nhất định, nhưng 6 tháng đầu năm 2017, thị trấn được UBND huyện công nhận là đơn vị dẫn đầu về chỉ số CCHC. Chủ tịch UBND thị trấn A Lưới Đoàn Thanh Hùng chia sẻ: UBND thị trấn đã ban hành nhiều kế hoạch, giải pháp và chỉ đạo các bộ phận thường xuyên cập nhật, rà soát các thủ tục hành chính (TTHC); công khai, minh bạch các TTHC ở các lĩnh vực tại bộ phận “một cửa” của thị trấn. Đồng thời, tăng cường phối hợp đồng bộ với các cơ quan cấp huyện trong luân chuyển, thụ lý hồ sơ. Khi phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm quyền hạn của các bộ phận, cá nhân, sẽ tránh được sự chồng chéo, đùn đẩy trong xử lý công việc, giúp lãnh đạo UBND thị trấn kiểm soát được số lượng hồ sơ tiếp nhận và tiến độ, quy trình xử lý hồ sơ cho cá nhân, tổ chức của từng bộ phận, từng cán bộ, công chức.

Anh Lê Văn Tuấn là người đầu tư kinh doanh dịch vụ ở thị trấn A Lưới cho biết: Ngoài việc bố trí cán bộ tiếp nhận hướng dẫn đầy đủ trình tự thủ tục và cung cấp thông tin về chế độ ưu đãi trong đầu tư kinh doanh, địa phương còn công khai, minh bạch các thủ tục, kết quả giải quyết TTHC, nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và cá nhân trong việc cập nhật, tra cứu thông tin và giám sát việc thực hiện các TTHC.

Sau khi UBND huyện A Lưới triển khai xác định chỉ số CCHC tại các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị với những tiêu chí sát hợp thực tế, công tác CCHC trên địa bàn toàn huyện có sự chuyển biến đáng kể, tỷ lệ hồ sơ giải quyết xong trước hẹn tăng lên gần 55%. Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng cho hay: UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các xã, thị trấn kiện toàn và thống nhất áp dụng việc thực hiện cơ chế một cửa đối với tất cả TTHC của 13 lĩnh vực, với 179 TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để các tổ chức, cá nhân dễ dàng tra cứu, giám sát và thực hiện... Cùng với các địa phương, các ban, ngành của huyện triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh cải cách TTHC, rút ngắn quy trình xử lý, đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện TTHC...

Nhiều giải pháp

Theo Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng, phân tích các tiêu chí đánh giá, xếp loại công tác CCHC cho thấy, tiêu chí cải cách TTHC chiếm số điểm khá lớn. Tiêu chí này được xây dựng và đánh giá trên các tiêu chí thành phần như việc ban hành kế hoạch kiểm soát TTHC; công tác thống kê, rà soát TTHC; tình hình tiếp nhận cũng như việc xử lý các phản ánh, kiến nghị đối với các quy định hành chính và TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị… Qua đó, phản ánh khách quan việc triển khai CCHC thực tế của các ban, ngành, địa phương; đồng thời là cơ sở quan trọng giúp người đứng đầu các cơ quan, đơn vị xác định được những mặt mạnh, mặt yếu trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC.

Từ phân tích trên, UBND huyện tăng cường chỉ đạo các ban, ngành cấp huyện chủ động tham mưu việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, góp phần hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ CCHC, đưa tỷ lệ TTHC vào thực hiện cơ chế “một cửa, “một cửa liên thông” đạt trên 80%. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc giải quyết TTHC, thực hiện hình thức liên thông trong các lĩnh vực quản lý nhà nước giữa các cơ quan cùng cấp, và giữa cấp huyện, cấp xã.

UBND huyện cũng đã chỉ đạo ngành nội vụ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các tiêu chí thành phần để việc đánh giá, xếp loại công tác CCHC hằng năm thực chất, khách quan, hiệu quả hơn và có sự tham gia đánh giá của người dân, tổ chức đối với công tác CCHC của các cơ quan, đơn vị, tiến tới nâng cao hơn nữa tác động tích cực của CCHC đối với chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

“Qua việc đánh giá, xếp loại công tác CCHC sẽ tác động đến hoạt động của các cơ quan hành chính, tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công cuộc CCHC, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai CCHC tại các cơ quan, đơn vị, từ đó, thúc đẩy kinh tế- xã hội huyện nhà phát triển” – ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trở lại quán quân trong bảng xếp hạng PAPI

Với điểm tổng hợp đạt 46,0414 điểm, Thừa Thiên Huế dẫn đầu toàn quốc Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023. Đây là lần thứ 2 Thừa Thiên Huế quán quân chỉ số này.

Trở lại quán quân trong bảng xếp hạng PAPI
Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới

Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế-xã hội; liên quan trực tiếp các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương. Ðây là nguồn lực, là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới
Return to top