ClockThứ Bảy, 26/12/2020 19:10

Tìm giải pháp giảm nghèo bền vững

TTH.VN - Làm thế nào để tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tiếp tục giảm và khoảng cách nghèo giữa các vùng, miền được rút ngắn... là yêu cầu được đưa ra bàn thảo tại hội nghị khoa học do Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tổ chức vào ngày 26/12 với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan, những nhà hoạch định chính sách.

Nhiều nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội đạt, vượt chỉ tiêuThừa Thiên Huế nhận Huân chương Lao động hạng Ba về công tác giảm nghèoXây dựng kế hoạch cụ thể triển khai chương trình liên quan giảm nghèo bền vững

Chưa đồng đều giữa các vùng, miền

Báo cáo tại hội thảo kết quả thực hiện công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,36% đầu giai đoạn xuống còn 3,43% vào cuối năm 2020. Bình quân giảm 0,99%/năm là vượt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo Chính phủ giao 0,87%/năm.

Hỗ trợ gói an sinh theo Nghị quyết 42 của Chính phủ cho các đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng dịch COVID-19

Trợ cấp xã hội đến tháng 12/2020 cho 58.883 đối tượng bảo trợ xã hội, với kinh phí 21,5 tỷ/tháng; trợ cấp ưu đãi cho 18.491 người có công, với kinh phí 29,6 tỷ/tháng. Hàng năm tạo việc làm mới cho hơn 16.500 lao động; ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho hơn 500.000 người; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt trên 98,6%. Giai đoạn 2016-2020 có hơn 118.500 hộ dân thuộc các đối tượng theo quy định được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội với tổng dư nợ hơn 2.800 tỷ đồng. 

Năm 2020, tỉnh triển khai thực hiện hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng cho 167.645 người với tổng kinh phí 173,8 tỷ đồng theo Nghị quyết 42 của Chính phủ về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, qua phân tích cụ thể, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng chủ yếu chuyển sang cận nghèo, nguy cơ tái nghèo còn cao, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) hoặc có thiên tai xảy ra. Điều này chứng tỏ tỷ lệ giảm nghèo vẫn chưa đồng đều, thiếu tính bền vững, nhất là đối với vùng đồng bào DTTS.

Theo phân tích của TS Dương Ngọc Phước, Khoa Phát triển Nông thôn - Trường đại học Nông lâm - Đại học Huế, khoảng cách chênh lệch này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan: điều kiện tự nhiên, điều kiện sản xuất, năng lực và trình độ nhận thức, tập quán sinh sống của đồng bào DTTS, người dân vùng bãi ngang ven biển; một số chính sách, dự án giảm nghèo còn dàn trải, chưa thật sự phù hợp với từng nhóm đối tượng đặc thù. Tâm lý ỷ lại, trông chờ, chưa nỗ lực vươn lên tự thoát nghèo của người dân cũng là rào cản ảnh hưởng đến kết quả giảm nghèo.

Ông Hồ Đính, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho rằng, phải thừa nhận những dự án về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trong 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đưa nhiều hộ nghèo, cận nghèo và nhiều xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi diện nghèo, xây dựng xã đạt nông thôn mới. Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh cho người dân, các cấp chính quyền cần sâu sát thực tế, nắm tình hình điều kiện nhân lực, nguồn lực, điều kiện đất đai, nhu cầu đăng ký sản xuất của từng hộ gia đình để có sự đầu tư hỗ trợ mô hình cây, con hợp lý.

Cùng quan điểm này, ông Lê Văn Cường, Phó Ban Dân tộc tỉnh cho rằng các chương trình, dự án cần xoáy vào hỗ trợ phát triển sản xuất, nhất là những mô hình bà con đang sản xuất hiệu quả và khắc phục, rút kinh nghiệm đối với mô hình chưa thành công.

Vì theo ông Cường, trong 5 năm qua, có khoảng 1.800 mô hình triển khai vùng đồng bào dân tộc, nhưng số mô hình hiệu quả ít, khó tái đầu tư. Bên cạnh đó, một lỗ hổng nữa cần khắc phục là một số chính quyền cấp xã, thôn chưa quan tâm tập huấn, hướng dẫn và giám sát năng lực sản xuất của bà con, nên nhiều trường hợp hỗ trợ cây, con giống nhưng không sinh lợi. Nên chăng cần xem lại việc giao quyền quản lý, làm chủ đầu tư trực tiếp về xã quản lý hay giao đơn vị chuyên môn cũng là vấn đề được hội thảo quan tâm đưa ra nhiều ý kiến.

Tăng tính chủ động và phát huy nội lực 

Giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài đòi hỏi các nguồn lực vật chất và tinh thần rất lớn. Nguồn vốn của Nhà nước đầu tư cho mục tiêu giảm nghèo là rất quan trọng, song không thể thụ động trông chờ vì ngân sách của Nhà nước là có hạn. Hơn nữa, nguồn đầu tư của Nhà nước cho mục tiêu giảm nghèo chỉ có kết quả và ý nghĩa tích cực khi được đặt trong tổng thể các nguồn lực vật chất huy động từ sự đóng góp của toàn xã hội.

Nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, trong đó có chính sách cho vay ưu đãi đã kích cầu sản xuất

Tại hội thảo, nhiều ý kiến chỉ ra rằng, giảm nghèo là vấn đề nội sinh và cần sự chủ động của người dân, mà chủ thể chính là hộ nghèo, cận nghèo. Nên nguồn hỗ trợ của Nhà nước chỉ là động lực, nền tảng cho người dân.

Để tạo tính chủ động, động lực, ý chí thoát nghèo cho người dân, theo ông Nguyễn Quang Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư, khi lập kế hoạch giảm nghèo cần tập trung vào 3 nguyên tắc: có sự tham gia của cộng đồng dân cư; thực hiện dân chủ và công khai, minh bạch để tất cả người dân đều được đề đạt nguyện vọng, có ý kiến vào kế hoạch; khả năng nguồn lực, khả năng đóng góp của cộng đồng.

Thực tế thời gian qua, nguồn lực của địa phương, của bản thân hộ nghèo tham gia đối ứng cùng với ngân sách hỗ trợ thấp hoặc chưa có. Nên, khi bàn đến phát huy nội lực, Giám đốc Sở LĐTB&XH, ông Đặng Hữu Phúc cho rằng, phải cân đối được nguồn "đối ứng" từ nội lực đạt 70-80% và cần thêm ngoại lực 20-30% thì mới thúc đẩy được tính chủ động giảm nghèo, thoát nghèo bền vững.

Ngoài ra, theo ông Đặng Hữu Phúc, bên cạnh tập trung giảm nghèo, cần đảm bảo bền vững cho những xã nghèo vừa lên nông thôn mới, hộ nghèo vừa thoát nghèo để kết quả đạt đúng thực chất, "không ai bị bỏ lại phía sau" thông qua những mô hình sản xuất ngắn hạn, dài hạn phù hợp; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư giảm nghèo và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững...

Ngoài tập trung đánh giá toàn diện, phát huy những thành quả đã đạt được, đồng thời nhận diện rõ các hạn chế và nguyên nhân để khắc phục, hội thảo cũng đưa ra nhiều ý kiến thảo luận nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo và an sinh xã hội trong thời gian tới cho các xã, thôn, bản vùng miền núi, hộ gia đình, cá nhân người DTTS; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế - xã hội hoạt động ở các địa bàn đặc biệt khó khăn.

Những thảo luận tại hội thảo sẽ làm cơ sở để xây dựng các nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025, hướng đến năm 2030, trong đó chú trọng giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp; phát huy các tiềm năng thế mạnh của vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống của Nhân dân; phát triển giáo dục- đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của vùng, miền gắn với phát triển du lịch…

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia

Ngày 22/4, Đoàn giám sát của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn tiến hành giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận huyện A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia. Về phía tỉnh có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng chủ trì.

Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia
Cội nguồn đoàn kết dân tộc

Hằng năm, cứ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10/3 âm lịch, người Việt dù ở nơi đâu cũng tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng hướng về cội nguồn, bởi từ bao đời nay, trong tâm thức của "con Lạc cháu Hồng", Hùng Vương là vị Vua thủy tổ dựng nước, là tổ tiên của dân tộc Việt Nam.

Cội nguồn đoàn kết dân tộc
Khởi công xây nhà cho hộ nghèo ở Quảng Điền

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quảng Điền phối hợp Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế và Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Quảng Phú tổ chức khởi công nhà tình thương cho bà Nguyễn Thị Mong ở thôn Phú Lễ, xã Quảng Phú.

Khởi công xây nhà cho hộ nghèo ở Quảng Điền
Return to top