ClockThứ Hai, 06/04/2015 16:19

Tìm giải pháp khắc phục sạt lở trên sông Bồ

TTH.VN - Thời gian gần đây, các xã ven sông Bồ đang đối mặt với tình trạng sạt lở bờ sông, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân.

Ghi tại Quảng Thành

Những năm qua, do tình trạng khai thác cát trái phép khiến tình trạng sạt lở bờ sông Bồ đoạn đi qua 2 thôn Thanh Hà và Phú Lương diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Theo những người dân ở đây, tình hình sạt lở bắt đầu diễn ra từ sau giải phóng, và sau cơn lụt lịch sử năm 1999 đến nay, tình trạng sạt lở diễn ra ngày một phức tạp hơn.


Đề xử lý những điểm sạt lở chỉ có phương án xây dựng kè là khả thi nhất

Theo chân ông Nguyễn Xuân Trẩy, Trưởng thôn Thanh Hà, chúng tôi đến con đường cuối thôn Thanh Hà, điểm giáp ranh với thôn Phú Lương. Theo quan sát, con đường liên thôn nối giữa thôn Thanh Hà và Phú Lương chỉ còn cách mép sông chừng 40cm. Những trụ tiêu ven đường có trụ đã nghiêng ngã, có trụ chỉ còn cách mép sông chừng 2cm. Điều đáng bàn là lưu lượng xe lưu thông qua con đường liên thôn này khá nhiều, có cả xe ô tô, xe tải. Nếu quan sát kỹ phía dưới mép sông đã ăn khá sâu xuống phía dưới chân đường. Nguy hiểm nhất là khi có ô tô, xe tải đi ngang vào đêm tối, việc sạt lở đường là một điều không khó hình dung.

Ông Trẩy cho hay: “Sạt lở bờ sông qua thôn Thanh Hà dài hơn 700m, điểm lở sâu hơn 15m, điểm lở ít cũng 4m đến 5m”. Vừa nói ông Trẩy vừa đưa tay về phía cành cây đang trôi nổi trước mắt cách chỗ chúng tôi đứng chừng 6m: “Cô chú nhìn đi, ngày trước bờ sông nằm ở chỗ đó, bây giờ sông lấn vào tận đây rồi. Vì lo lắng tình trạng sạt lở, từ nhiều năm trước, chúng tôi đã huy động dân trồng tre dọc bờ sông, nhờ vậy sạt lở cũng giảm đi. Tuy nhiên, do tình trạng khai thác cát sạn diễn ra mạnh mẽ nên giờ nhiều gốc tre cũng bị bật gốc ngã xuống sông. Còn những điểm không có cây cối che chắn thì khỏi nói, đất cứ thế nhào xuống sông, chẳng biết đến khi nào sông nuốt đường, nuốt ruộng của người dân”.

Bến Thanh Hà thuộc xóm 8 là điểm sạt lở nặng nhất của thôn Thanh Hà. Anh Nguyễn Ích Chiến, một người dân thôn Thanh Hà, cho hay: “Bến này ngày trước cách đây chừng 15m, nhưng do sạt lở nên người dân phải dời vào đây. Còn trên kia là miếu Thần Nông, cánh đồng lúa và khu nghĩa trang, nếu không có hàng tre che chắn chắc sông đã nuốt lâu rồi.

Để giảm bớt ảnh hưởng của tình trạng sạt lở bờ sông, xã Quảng Thành đã quyết định chi một triệu đồng mua tre làm kè tạm tại những điểm xung yếu của thôn Thanh Hà, còn nhân công thôn tự huy động. Ông Đào Trọng Thành, Chủ tịch xã Quảng Thành cho hay: Đây chỉ là giải pháp tình thế, điều cần thiết nhất lúc này là xây dựng hệ thống kè ngăn sạt lở ven sông.

Bàn giải pháp

Tình trạng sạt lở bờ sông Bồ không chỉ xảy ra ở xã Quảng Thành mà xảy ra ở hầu hết các xã ven sông Bồ khác như Quảng Phú, Quảng Thọ…, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.

Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, trong năm 2014 đã lập biên bản và Quyết định xử phạt 12 trường hợp khai thác cát sạn trái phép trên sông Bồ với số tiền 51 triệu đồng.

Trước đây, huyện Quảng Điền từng có đề xuất giao cho HTX Phú Hòa quản lý 30 hộ làm nghề khai thác cát, sạn trên địa bàn để đưa hoạt động khai thác đi vào nề nếp, tạo thuận lợi trong việc cấp phép khai thác và quản lý. Tuy nhiên sau khi kiểm tra, trữ lượng cát sạn cạn kiệt nên huyện đã ban hành thông báo cấm hoạt động khai thác cát sạn trên toàn bộ sông Bồ đi qua địa bàn huyện.

Tại xã Quảng Thọ, tình trạng sạt lở ở hai bên bờ sông đang là mối nguy hại đối với các hộ dân nơi đây. Hiện, thôn Niêm Phò sạt lở với chiều dài 700m; thôn Niêm Phò B sạt lở 200m; thôn Phước Yên đã sạt lở với chiều dài dài 500m, điểm sạt lở trung bình mỗi năm là 5m, đoạn sâu nhất lên tới 7m đến 8m ảnh hưởng rất lớn đến hoa màu của người dân. Nguyên nhân của tình trạng sạt lở bờ sông chính là do dòng chảy của sông và tình trạng khai thác cát sạn trên sông Bồ.

Những thuyền khai thác cát sạn chủ yếu hoạt động vào đêm tối nên rất khó trong việc kiểm soát. Để ngăn chặn tình trạng trên, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, huyện và xã thường xuyên phối hợp tiến hành kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm. Các thôn cũng thành lập các tổ tự quản thay nhau canh chừng ven sông nếu phát hiện thuyền khai thác cát sạn sẽ báo động cho người dân và công an địa phương tiến hành truy quét.

Từ việc xác định nguyên nhân tình trạng sạt lở, huyện đã có nhiều hành động nhằm chấn chỉnh tình trạng khai thác cát sạn trên địa bàn. Tuy nhiên để khắc phục tình trạng sạt lở là điều không mấy dễ dàng.

Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho hay: “Thời gian qua, huyện theo dõi rất kỹ tình hình sạt lở trên sông Bồ qua các xã và chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường phối hợp tuần tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về khai thác cát sạn trái phép”.

Về vấn đề xử lý những điểm sạt lở chỉ có phương án xây dựng kè là khả thi nhất, tuy nhiên để làm việc này cần một nguồn vốn lớn, vượt ngoài tầm của huyện. Vì thế, huyện đã kiến nghị lên tỉnh bố trí vốn để xây dựng kè chống sạt lở trên các khu vực chịu ảnh hưởng dọc sông Bồ, ông Đức nói.

 

Bài, ảnh: Hoàng Loan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tắt sóng 2G: Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng

Theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đến tháng 9/2024 sẽ tắt sóng 2G trên phạm vi toàn quốc, tiến tới tắt sóng 3G những năm sau đó. Để không có người dân, khách hàng nào bị bỏ lại phía sau, cơ quan chức năng cùng các nhà mạng đã chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng.

Tắt sóng 2G Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng
Thu hút đầu tư, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển ngành công nghệ thông tin

Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi các doanh nghiệp không những khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, mà còn phải nhanh nhạy trong phát triển, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) cao, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo. Đó cũng là vấn đề được thảo luận, chia sẻ tại diễn đàn "Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) trong lĩnh vực CNTT" do Sở KH&CN tổ chức vào chiều 13/3.

Thu hút đầu tư, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển ngành công nghệ thông tin
Đầu tư nguồn lực và nhân lực phát triển khoa học công nghệ

Không phải đợi đến lúc thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị mà từ trước đó, Thừa Thiên Huế đã đặt mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ (KH&CN). Cơ sở để hiện thực hóa kỳ vọng này là vì Thừa Thiên Huế có đội ngũ trí thức hùng hậu, có cơ sở hạ tầng, thiết chế về khoa học công nghệ, cơ sở thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đầu tư nguồn lực và nhân lực phát triển khoa học công nghệ
Return to top