ClockThứ Năm, 29/04/2021 18:29

Tìm giải pháp thu kinh phí công đoàn trong doanh nghiệp

TTH.VN - “Tài chính công đoàn là khâu quan trọng nhằm đảm bảo hoạt động của công tác công đoàn, đặc biệt là đối với CĐCS, bởi nó trực tiếp ảnh hưởng đến việc chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên và NLĐ”, ông Lê Minh Nhân, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh khẳng định tại hội nghị “Giải pháp đẩy mạnh công tác thu kinh phí công đoàn khu vực sản xuất kinh doanh” tổ chức ngày 29/4.

Hương Thủy tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa trong Tháng Công nhânNgười lao động Huế hưởng ứng Tháng Công nhân

Chủ tịch LĐLĐ TP. Huế (bên trái) nắm bắt tình hình lao động tại doanh nghiệp

Có luật vẫn khó

Ghi nhận nỗ lực thu kinh phí công đoàn (KPCĐ) thời quan qua, ông Lê Minh Nhân  nhấn mạnh phân tích những hạn chế khó khăn trong công tác thu KPCĐ ở khu vực doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Nhắc lại Luật Công đoàn 2012, ông Lê Minh Nhân cho biết: “Tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế không phân biệt nơi đã thành lập hay chưa thành lập công đoàn, đều phải có nghĩa vụ đóng KPCĐ bằng 2% tính trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động”.

Thế nhưng trên thực tế, tình hình thu KPCĐ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cụ thể năm 2020, có 102/311 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có tổ chức công đoàn nhưng chưa trích nộp KPCĐ, chưa kể số doanh nghiệp sản xuất chưa có tổ chức công đoàn.

Nguyên nhân được các đơn vị nêu là mặc dù có văn bản chế tài nhưng chưa thực hiện để xử phạt đối với những đơn vị doanh nghiệp cố tình né trách, chây ì trong việc trích nộp KPCĐ. Đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở hầu hết là kiêm nhiệm, nên không có nhiều thời gian dành cho công tác đôn đốc nộp KPCĐ. Các chủ doanh nghiệp cố tình không thực hiện việc trích nộp KPCĐ cố tình né tránh, không thực hiện Luật Công đoàn. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, có một số đơn vị chưa tích cực, chưa thường xuyên gặp gỡ, tuyên truyền đôn đốc, nhắc nhở, thông báo trích nộp KPCĐ, đồng thời chưa nghiên cứu kỹ các văn bản quy định của cấp trên để làm căn cứ thuyết phục.

  Đề xuất nhiều giải pháp

Các đại biểu tham dự hội nghị đưa ra nhiều giải pháp căn cơ nhằm đảm bảo thu đúng, thu đủ và kịp thời nguồn KPCĐ theo quy định, góp phần chăm lo, bảo vệ tốt hơn cho người lao động. Trong đó, cách làm của LĐLĐ TP. Huế là phối hợp chặt chẽ với Bảo Hiểm Xã hội, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội thành phố kịp thời nắm bắt số lượng các doanh nghiệp mới thành lập để tuyên truyền, vận động hiệu quả.

Công nhân khu công nghiệp Phú Bài lao động sản xuất

Bên cạnh đó, chú trọng chăm lo đời sống đoàn viên, người lao động. Ngoài nguồn KPCĐ, LĐLĐ TP Huế còn linh hoạt vận động nguồn xã hội hóa chăm lo cho đoàn viên, NLĐ. Trong năm 2020, tổng kinh phí hỗ trợ chăm lo đời sống cho đoàn viên công đoàn trên 1,2 tỷ đồng trong đó 450 triệu đồng trích từ ngân sách công đoàn còn 750 triệu đồng từ vận động xã hội hoá. “Từ những hành động công khai minh bạch và nỗ lực vì NLĐ, LĐLĐ thành phố đã tạo niềm tin cho NLĐ cũng như người sử dụng lao động đối với tổ chức công đoàn”, ông Trần Văn Đồng, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP. Huế khẳng định.

Trong khi đó, giải pháp được LĐLĐ thị xã Hương Trà đề ra là bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp cho cán bộ công đoàn từ thị xã đến cơ sở nhằm tiếp cận và vận động chủ doanh nghiệp thành lập công đoàn và thực hiện nghĩa vụ nộp KPCĐ theo quy định.

Để giải quyết hạn chế trong thu KPCĐ, Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh công khai tình hình thu, nộp kinh phí công đoàn lên trang facebook Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh để các đơn vị thi đua thực hiện. Đối với các đơn vị cơ sở có tỉ lệ trích nộp KPCĐ đạt dưới 90% sẽ không được xét khen thưởng cuối năm. Với cách làm đó, năm 2020, số KPCĐ Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh thu được là 22, 4 tỷ đồng, tăng hơn 6,2 tỷ đồng so với năm 2019.

Theo ông Lê Minh Nhân, thời gian đến, LĐLĐ tỉnh và các công đoàn sở sẽ tích cực tuyên truyền, vận động doanh nghiệp thực hiện trích nộp KPCĐ. Chủ động tham mưu với chính quyền địa phương thành lập đoàn liên ngành kiểm tra thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp, trong đó có lồng ghép kiểm tra Luật Công đoàn.

Đồng thời, các cấp công đoàn cần chú trọng đảm nguyên tắc minh bạch trong quản lý tài chính công đoàn, tăng cường công tác quản lý tài chính của công đoàn vừa theo pháp luật, vừa bảo đảm tính độc lập của công đoàn. Các nội dung chi và quy định công đoàn thực hiện quản lý, sử dụng và kiểm tra tài chính công đoàn phải theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam; cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn.

Bài, ảnh: Hải Thuận

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững

Ngày 15/3, UBND tỉnh phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), cùng các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp... liên quan trên địa bàn tổ chức hội nghị "Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giải quyết việc làm bền vững".

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững

TIN MỚI

Return to top