ClockThứ Sáu, 05/08/2016 14:12

Tìm người tài…

TTH - Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 1/8 và cũng là phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới vừa nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Phải đổi mới công tác cán bộ, chấn chỉnh ở các khâu, kể cả khâu tuyển chọn, bổ nhiệm. Thi tuyển để tìm người tài chứ không phải tìm người nhà”. Phát biểu mạnh mẽ của Thủ tướng được đông đảo cử tri cả nước đón nhận và kỳ vọng về việc xây dựng một chính phủ kiến tạo và phục vụ.

“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”(*). Điều này đã được chứng minh qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta nói riêng và các nước trên thế giới. Từ thời Phong kiến, các bậc minh quân đều chú trọng tuyển chọn người tài để phục vụ đất nước, điển hình là tổ chức các kỳ thi hương, thi hội, thi đình. Ngay khi nước ta vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi chọn nhân tài kiến quốc. Nhờ đó, nhiều nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước đã đem hết tài trí phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc. Tư tưởng trọng dụng người tài của Bác vẫn luôn được Đảng ta phát huy, nhưng trong quá trình thực hiện cũng nảy sinh không ít bất cập và cả tiêu cực, làm mất lòng tin của Nhân dân. Nổi cộm nhất gần đây là vụ luân chuyển cán bộ của ông Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT của Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí (PVC, thuộc Tập đoàn dầu khí) về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, hay vụ nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm con trai vào làm Phó Tổng giám đốc CTCP Rượu-Bia-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Chẳng thế mà dư luận cứ râm ran chuyện đáng buồn: “Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư trí tuệ”.

Để tuyển chọn được người thực tài, hiện nay nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị đã thực hiện thi tuyển cán bộ lãnh đạo, thi tuyển công chức. Việc thi tuyển không chỉ tạo cơ hội bình đẳng cho những người thực tài mà còn giúp các cơ quan, đơn vị chọn được người có tài để đảm đương công việc, góp phần tinh giản bộ máy hiệu quả. Với Thừa Thiên Huế, việc thi tuyển bước đầu được triển khai ở một sở, ngành cấp tỉnh. Rõ nhất là việc thi tuyển giáo viên; tuyển chọn đội viên Đề án 500 gần đây… Tuy nhiên, việc thi tuyển vẫn chưa được áp dụng rộng rãi và chưa trở thành quy định bắt buộc, nhất là việc thi tuyển lãnh đạo từ cấp phòng trở lên ở các cơ quan cấp sở và tương đương trở lên.

Để tìm được người thực tài phục vụ bộ máy quản lý nhà nước, có rất nhiều việc phải tiến hành đồng bộ. Trong đó, cần xóa bỏ tâm lý, thói quen đã lên thì khó xuống, đã vào thì khó ra ở các cơ quan nhà nước. Muốn vậy cần sớm có đề án vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị; có quy chế làm việc quy định trách nhiệm từng cá nhân rõ ràng và đổi mới công tác thi đua khen thưởng để giải tỏa sức ỳ và có cơ sở đánh giá chính xác về từng cán bộ công chức. Trên cơ sở đó kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ trình độ, năng lực, thiếu tinh thần trách nhiệm và tuyển chọn những người thực tài để đảm đương công việc.

Hoàng Giang


(*) TS. Thân Nhân Trung (1419-1499 ) – Bài khắc trên bia tiến sĩ đầu tiên dựng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người trong làng trong họ, lo gì không hiển đạt…

Cho dù có gen nổi trội thế nào, có bề dày truyền thống ra sao đi nữa, thì điều quan trọng là bản thân người ấy phải thực sự có trình độ, có tố chất, có đạo đức và nhân cách, thì được cất nhắc, đề bạt làm lãnh đạo mới là “hạnh phúc của dân tộc”.

Người trong làng trong họ, lo gì không hiển đạt…
Thiên hướng xã hội của người tài

Mấy ngày nay, chuyện về thu hút nhân tài ở TP. Hồ Chí Minh cũng là một tâm điểm của dư luận. TP. Hồ Chí Minh là một đầu tàu về kinh tế và có nhiều thế mạnh vượt trội khác ở nhiều lĩnh vực, cái nôi năng động trên nhiều mặt mà vẫn cần thu hút nhân tài. Phát triển là một mục tiêu khó có điểm dừng. Đã phát triển rồi cần phát triển hơn nữa. Đã có người tài rồi thì cần người tài hơn nữa. Nói cách khác, đã đặt ra vấn đề thu hút, nghĩa là chúng ta vẫn còn thấy thiếu.

Thiên hướng xã hội của người tài
Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ

Xây dựng Đảng gắn liền với xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là một trong những phương hướng đã được Đại hội XIII của Đảng xác định.

Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ
Return to top