ClockThứ Năm, 01/03/2012 13:11

Tìm nguồn lực tăng thu ngân sách 2012

TTH - Năm nay, Thừa Thiên Huế không những bắt đầu tăng tốc thu ngân sách mà còn phải tính đến nguồn thu cho năm 2013 và các năm tiếp theo để có nguồn lực chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển trước khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đó là kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh-Nguyễn Văn Cao tại hội nghị triển khai công tác tài chính ngân sách năm 2012.

Theo ông Phan Đình Công, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, tìm nguồn lực tăng thu cho ngân sách (NS) dựa trên cơ sở ổn định và mức tăng thu bình quân hàng năm hơn 20%, tập trung vào các ngành kinh tế chủ đạo để khai thác và nuôi dưỡng nguồn thu. Trong cơ cấu nguồn thu hàng năm của tỉnh, thu từ lực lượng doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) chiếm gần 40%, thu ngoài quốc doanh (NQD) chiếm hơn 10% trong tổng thu, nhưng khá bền vững; đây là hai trong những lĩnh vực mà ngành thuế tỉnh chú trọng khai thác và nuôi dưỡng nguồn thu. Ngoài ra, thu thuế xuất nhập khẩu từ hải quan và nhất là thu từ quỹ đất đã góp phần tăng thu cho NS địa phương.

Ông Huỳnh Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Năm 2011, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, song kết quả thu NS trên địa bàn tỉnh đạt hơn 3.620 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa đạt gần 3.140 tỷ đồng; riêng thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 1.700 tỷ đồng, tuy chỉ bằng 97% dự toán (DT) nhưng đã tăng 17% so với năm trước. Hầu hết các huyện, thị xã, TP Huế (gọi chung là các huyện) đều vượt DT đã giao. Trong đó, một số khoản, các huyện thu đạt cao như thu tiền sử dụng đất (SDĐ), thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất, phí, lệ phí ở TP Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà, huyện Phú Vang...
Nhìn vào cơ cấu nguồn thu trong năm qua, số thu lớn nhất vẫn là thu từ khu vực ĐTNN, tập trung chủ yếu vào Công ty TNHH Bia Huế (chiếm tỷ trọng gần 90% trong tổng thu khu vực này và khoảng 1/4 tổng nguồn thu NS của địa phương). Lực lượng DN có đóng góp lớn cho nguồn thu NS, phần lớn đều là DN hoạt động ở lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp, cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp đang đi đúng hướng và phát huy hiệu quả. Với khoảng 2.000 DN dân doanh, hàng tháng có kê khai nộp thuế đều đặn, hàng năm đóng góp hơn 10% trong thu NS tỉnh. Riêng năm 2011, thu từ khu vực NQD ước đạt 430 tỷ đồng, tăng hơn 30%; một số thu khá cao trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay. Điều này cũng thể hiện sự bứt phá đi lên của lực lượng DN trên địa bàn, đồng thời cũng cho thấy công tác chống thất thu NS ngày càng đi vào nề nếp.
Năm 2012, dự toán thu NS trên địa bàn tỉnh hơn 5.000 tỷ đồng (bao gồm cả thu chuyển nhượng vốn của Công ty Xổ số kiến thiết); trong đó thu nội địa hơn 3.325 tỷ đồng. Riêng thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các khu vực kinh tế gần 2.000 tỷ đồng. DT năm nay, tỉnh giao huyện thu khoảng 870 tỷ đồng, trong đó, TP Huế gần 460 tỷ đồng, thị xã Hương Thủy hơn 105 tỷ đồng. Tổng hợp DT thu NS các huyện đều đảm bảo phấn đấu cao hơn DT tỉnh giao (đạt 107% DT tỉnh giao và tăng 15% so với năm 2011). Trong đó, DT thu tiền SDĐ hối huyện giao hơn 350 tỷ đồng, thu NQD tăng 3%. Huyện Phú Lộc phấn đấu thu NS tăng 17%, trong đó thu NQD tăng 41%. Riêng thị xã Hương Trà phấn đấu tăng 54%, trong đó thu tiền SDĐ ăng 103% so với DT tỉnh giao.
Chỉ tiêu trên là khá cao, tập trung vào các khoản thu chính là thu từ DN có vốn ĐTNN, thu tiền SDĐ, thu NQD... Năm 2012, tỉnh dự kiến thu từ khu vực có vốn ĐTNN khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, phấn đấu thu tiền SDĐ trên địa bàn khoảng 973 tỷ đồng; trong đó thu tiền SDĐ cấp tỉnh trên 620 tỷ đồng, bao gồm quỹ đất phân lô, quỹ nhà ở, quỹ đất kêu gọi đầu tư, thu tiền SDĐ từ các dự án và thu tiền SDĐ cấp huyện trên 350 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Đình Đấu, Giám đốc Sở Tài nguyên & môi trường, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang chững lại, kế hoạch phát triển quỹ đất 2012-2015 chưa được phê duyệt thì chỉ tiêu đặt ra như trên không dễ hoàn thành.
Để tăng thu NS, cần phải thực hiện một hệ thống các giải pháp kinh tế-xã hội tồng hợp. Trong xu thế địa phương nào cũng cần nguồn lực để phát triển, nguồn thu NS của tỉnh chỉ ở mức độ trung bình khá, nguồn kinh phí thu được từ các loại thuế, phí... chưa cao, việc cân đối tự thu-chi e rằng còn gặp khó khăn. Mặc khác, tỉnh cũng không thể trông chờ nhiều vào nguồn NS Trung ương; thậm chí cả những khoản thu lớn như nguồn bán đất hay phương án đổi đất lấy hạ tầng, bởi đây chưa hẳn là giải pháp bền vững theo thời gian, quỹ đất này sẽ cạn dần.
 

Tăng thu ngân sách sẽ trở lại đầu tư cho phát triển, chỉnh trang đô thị

Một trong những nguồn lực có vai trò quan trọng để nâng cao tỷ suất đầu tư, đồng thời tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển, có lẽ là vốn đầu tư của các DN trong và ngoài nước. Và giải pháp để thu hút nguồn lực này là xúc tiến kêu gọi và ưu đãi đầu tư. Muốn tạo ra sức hút đối với các nhà đầu tư, quan trọng nhất là tạo đuợc môi trường thuận lợi và thông thoáng, ở đây không chỉ là ưu đãi nhiều hay ít mà là tạo môi trường kinh doanh để các DN kinh doanh hiệu quả và thu được lợi nhuận. Vì vậy, phải sớm hoàn thiện hạ tầng đô thị, hoàn thiện các đồ án quy hoạch, có như thế mới nâng cao giá trị đất đai. Các quy hoạch phát triển cần hướng tới tầm nhìn xa, mang tính định hướng cao để giúp các DN đầu tư có mục tiêu.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh-Nguyễn Văn Cao, các huyện đều phải tìm mọi cách để phát triển năng lực sản xuất, nâng cao hiệu quả đầu tư để tăng thu NS một cách bền vững. Lãnh đạo các huyện cần dành thời gian để làm việc với các ngành liên quan, để kịp thời phối, kết hợp; rà soát lại các quỹ đất trên địa bàn. Các cơ quan quản lý Nhà nước phải “xắn tay áo” đi về địa bàn, cơ sở, các huyện để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa...
 
Bạch Quang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Mặt bằng thi công Dự án (DA) đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương chưa giải phóng hoàn toàn, mới chỉ đủ để triển khai phần cầu. Chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm đáp ứng tiến độ thi công DA.

Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

TIN MỚI

Return to top