ClockChủ Nhật, 09/11/2014 14:58

Tìm sinh kế cho người dân tái định cư vạn đò

TTH - Giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho dân tái định cư (TĐC) vạn đò vươn lên trong cuộc sống là vấn đề cần thiết cho cuộc sống lâu dài.

Khó việc làm

Cư dân vạn đò vốn quen nghề chài lưới đánh bắt tôm cá trên sông. Khi được định cư trên bờ, họ vẫn chí thú làm ăn. Những ngày không chài lưới được, người dân tìm kiếm nghề khác mưu sinh. Với đủ các nghề như phụ hồ, đạp xích lô, khai thác cát sạn, đúc bờ lô thuê, làm lồng chim... mỗi ngày kiếm được trên 100 ngàn đồng, song phần lớn người dân đều cho rằng, việc mưu sinh còn khó khăn.
Nuôi cá lồng trên sông ở thôn Lại Tân cho thu nhập cao
Nằm cuối hạ lưu sông Hương, thôn Lại Tân, xã Phú Mậu (Phú Vang) có điều kiện mặt nước cho việc nuôi cá lồng, nhưng với cư dân vạn đò TĐC thì chưa làm được. “Vụ nuôi nào cũng lỗ. Càng nuôi càng lỗ đành bỏ không lồng bè, trở lại nghề chài lưới”, ông Nguyễn Cư bộc bạch. Ngặt nỗi, ở thôn Lại Tân không có âu thuyền, phải neo đậu khá xa khu dân cư nên trở ngại trong việc làm ăn. Một số thuyền từng bị mất cắp lưới cụ, máy móc... Nghề nghiệp không ổn định, nhiều hộ có nguy cơ tái nghèo.
Việc mưu sinh của bà con khu TĐC Hương Sơ cũng là vấn đề nan giải. Một thời thú chơi chim rất thịnh, mỗi ngày người dân cũng kiếm được cả trăm ngàn đồng từ làm lồng. Bây giờ, thú chơi chim không còn như trước, nhiều hộ bỏ nghề này. Các nghề phụ hồ, khai thác cát sạn, chạy xích lô, xe thồ.. mỗi ngày kiếm được trên trăm ngàn đồng, song phụ thuộc vào thời tiết nên cũng bấp bênh. Chị Lê Thị Liêm nhẩm tính: “Mỗi tháng chỉ làm được 10-15 ngày, bình quân mỗi tháng cao lắm cũng chỉ hơn hai triệu đồng. Trong khi phải trả chi phí tiền điện, nước, xăng xe, mua gạo, thực phẩm, áo quần, sách vở cho con... nên không đủ sống”.
 
Cần một nghề ổn định
Bố trí TĐC cư cho dân phù hợp với điều kiện sinh sống, làm ăn được các cấp, ngành tính toán rất kỹ. Những hộ dân có truyền thống nghề chài lưới, khai thác cát sạn được bố trí ở khu TĐC Phú Mậu để thuận tiện cho việc làm ăn. Các hộ chuyên nghề xích lô, xe thồ, làm lồng chim, phụ hồ... được bố trí tại khu TĐC Hương Sơ, Phú Hậu. Sau khi TĐC, các ban ngành, chính quyền địa phương tổ chức tập huấn, đào tạo nghề cho bà con như nuôi cá lồng, may mặc... Đến nay, phần lớn người dân vẫn chưa “bắt nhịp” với các nghề mới. Đó chính là nguyên nhân số hộ nghèo, cận nghèo ở khu TĐC Phú Mậu vẫn còn cao đến 188 hộ, chiếm gần một nửa; khu TĐC Hương Sơ còn khoảng 10%...
Theo ông Trần Hiếu Cơ, Chủ tịch UBND xã Phú Mậu, nuôi cá lồng là một hướng đi phù hợp, hiệu quả tại địa phương. Cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ kinh phí nuôi thí điểm và nhân rộng mô hình. Hướng dẫn kỹ thuật cho dân bằng cách “bắt tay chỉ việc” là việc cần làm ngay từ bây giờ. Thấy hiệu quả rõ ràng bà con mới tin. Chính quyền địa phương cần tạo điều kiện cấp mặt nước, hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, phải quan tâm đầu tư xây dựng khu neo đậu ghe thuyền gần khu TĐC để thuận tiện nghề chài lưới và quản lý tài sản, ngư lưới cụ, đánh bắt thủy sản.
Ông Trương Đình Hạnh, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội TP Huế cho biết, sắp tới, cùng với một số nghề đã được người dân TĐC và chính quyền các địa phương hướng dẫn thực hiện có hiệu quả như lâu nay, thành phố sẽ chọn thêm một số nghề được xem “vừa sức” với bà con, như: may, thêu, một số nghề đan lát, tăm, đũa, làm nhang... để đưa vào danh mục đào tạo. Hầu hết tâm lý người dân muốn có nghề ngay mà không mất nhiều thời gian. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức với phương châm “mưa dầm thấm sâu” để người dân tự nguyện tham gia học nghề. Các địa phương cần có cơ sở may, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp... góp phần giải quyết thỏa đáng, kịp thời việc làm cho cư dân TĐC vạn đò là vấn đề cấp bách để họ an cư, lạc nghiệp.
Ông Nguyễn Đình Cáng, Giám đốc Ban Đầu tư và Xây dựng TP Huế:
Kinh phí bù giá căn hộ được cấp cho chủ đầu tư
Dự án định cư và cải thiện cuộc sống vạn đò được bố trí tại 3 khu TĐC: Phú Mậu, Hương Sơ và Phú Hậu với gần 1.000 hộ, khoảng 6.000 nhân khẩu, kinh phí đầu tư trên 260 tỷ đồng. Mỗi căn hộ trị giá 65 triệu đồng, được hỗ trợ 100% đối với các chủ hộ; các hộ mới tách được hỗ trợ 15 triệu đồng, số hộ còn lại trả góp trong 10 năm. Quá trình xây dựng do trượt giá, mỗi căn hộ từ 65 triệu đồng tăng lên gần 68,3 triệu đồng, nên mới đây, UBND tỉnh quyết định hỗ trợ bù giá mỗi căn hộ gần 3,3 triệu đồng. Nguồn kinh phí trên được cấp bù cho chủ đầu tư.
 
Bài, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục nắng nóng gay gắt

Dự báo hôm nay (18/4), ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi hơn 38 độ C. Cảnh báo, nắng nóng có thể gây ra tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục nắng nóng gay gắt
Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh

Vụ cháy rừng ở A Lưới được xác định xảy ra vào sáng sớm 17/4, phải đến chiều cùng ngày, các lực lượng mới dập tắt. Đến ngày 18/4, các lực lượng vẫn tiếp tục kiểm tra, theo dõi nhằm ngăn chặn kịp thời lửa rừng có thể tái bùng phát.

Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top