ClockThứ Sáu, 19/02/2016 06:01

Tìm việc đầu năm

TTH - Trong những ngày này, các chuyến xe vào Nam đông nghịt người; trong đó đa phần là những người trẻ trở lại nơi làm việc sau thời gian về quê cùng gia đình sum họp trong dịp Tết Bính Thân. Trong khi đó, ở các khu công nghiệp trong tỉnh, ngay sau Tết có 99% lao động tại các doanh nghiệp đều trở lại làm việc. Đó là hai mặt của bức tranh lao động trên địa bàn tỉnh trong đầu năm Bính Thân này.

Việc làm không chỉ là nhu cầu chính đáng của người lao động mà còn là vấn đề của toàn xã hội. Việc lao động trẻ trên địa bàn tỉnh “ly nông, ly hương” để tìm việc làm cũng là điều dễ hiểu, bởi theo quy luật thị trường, nơi dễ kiếm việc làm, điều kiện lao động tốt và thu nhập cao thì sẽ thu hút nguồn nhân lực từ các nơi khác đến. Điều này đã diễn ra nhiều năm, nhưng nay đang có sự dịch chuyển tích cực, nhiều lao động trẻ “ly nông, bất ly hương”. Có sự chuyển dịch này là nhờ những năm qua trên địa bàn tỉnh, các khu công nghiệp thu hút nhiều nhà máy, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Không ít trường hợp sau thời gian bôn ba khắp nơi làm việc nay trở lại quê làm việc nhờ tìm được việc làm phù hợp, thu nhập đảm bảo. Con số 99% lao động trở lại làm việc sau Tết là minh chứng rõ nhất.

Thực tế hiện nay, nhu cầu việc làm của người lao động vẫn còn rất lớn; nhiều người vẫn tiếp tục bôn ba khắp nơi để tìm việc làm. Tại địa phương, không ít lao động vẫn ngóng chờ, hy vọng tìm được việc làm. Tất cả đều trông chờ vào đầu năm mới, bởi những tháng cuối năm hầu hết các doanh nghiệp đều không tuyển thêm lao động do nhiều nguyên nhân; trong đó có lý do doanh nghiệp muốn ổn định sản xuất, người lao động cũ cố gắng “bám” để nhận các khoản thưởng cuối năm nên khó có chỗ trống cho lao động mới.

Đầu năm, cơ hội tìm việc tại chỗ thuận lợi hơn, nhưng để tìm được việc làm, người lao động cần có sự chuẩn bị tâm thế, tay nghề, kỹ năng làm việc phù hợp đòi hỏi của công việc và doanh nghiệp. Đơn cử, hiện nhiều dự án dệt may đang được đầu tư trên địa bàn tỉnh và sẽ đi vào hoạt động ngay trong năm nay sẽ cần tuyển hàng nghìn lao động. Trước đây, các doanh nghiệp có thể tuyển dụng người chưa có tay nghề rồi tiến hành đào tạo tại chỗ. Nay đã khác, các doanh nghiệp đều tuyển những thợ có tay nghề thực sự chứ không dựa vào chứng chỉ hay bằng cấp của người lao động. Thậm chí có lao động được tuyển dụng, nhưng sau vài tháng thử việc không đáp ứng được yêu cầu công việc nên đành phải chia tay doanh nghiệp. Trong khi đó, không ít lao động lại chưa chú trọng đến việc học nghề, nâng cao tay nghề nên việc tìm kiếm việc làm sẽ mãi là bài toán không có lời giải đối với họ.

Trong xu thế hội nhập hiện nay, thị trường lao động rộng mở, nhất là trong khối ASEAN, người lao động được phép làm việc ở một số ngành nghề như hướng dẫn du lịch, hộ lý... Điều này đồng nghĩa, cơ hội tìm việc làm cũng tăng lên, nhưng cũng đòi hỏi người lao động phải có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, sát thực tế hơn. Đồng thời, đi đôi với việc nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, người lao động cần trang bị thêm các kỹ năng mềm, ngoại ngữ để sẵn sàng cho “cuộc đua” trong thị trường lao động mở.

Hoàng Giang

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân

Sáng 24/4, tại Khu công nghiệp huyện Phong Điền, Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tỉnh phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2024 với chủ đề "Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng" và Tháng Công nhân với chủ đề "Đoàn kết công nhân - Triển khai Nghị quyết".

Phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân
Lồng ghép các chương trình, nguồn lực giảm nghèo bền vững

Chiều 23/4, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết giữa kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh (gọi tắt Chương trình), đồng thời đưa ra những giải pháp giảm nghèo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế trong thời gian đến.

Lồng ghép các chương trình, nguồn lực giảm nghèo bền vững
Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top