ClockThứ Ba, 12/04/2016 06:00

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong tâm thức người việt

TTH - Lễ hội Đền Hùng gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được tổ chức vào tháng Ba âm lịch hàng năm là một trong những hình thức biểu đạt tập trung nhất của tín ngưỡng thờ Tổ, là sợi dây bền chặt gắn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Đoàn hành lễ dân gian của các xã ven Đền Hùng

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là tín ngưỡng đầu tiên của thế giới được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo thống kê, cả nước hiện có 1.417 địa điểm có di tích thờ cúng các vua Hùng và tướng lĩnh thời đại Hùng Vương. Riêng Phú Thọ có 326 di tích liên quan đến thời Hùng Vương, trong đó có 109 di tích thờ vua Hùng. Thông qua công tác kiểm kê nắm bắt tổng thể và thực trạng không gian Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã tham mưu với tỉnh và phối hợp với các ngành làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy di sản. Sau khi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO vinh danh, lượng khách hành hương về Đền Hùng những năm gần đây tăng hơn trước, khách thập phương về thắp hương bái Tổ đều các ngày trong năm chứ không chỉ tập trung vào ngày giỗ Tổ. Mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, cùng thời điểm tỉnh Phú Thọ thay mặt đồng bào cả nước dâng hương tưởng niệm các vua Hùng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, các địa phương ở Phú Thọ và các tỉnh, thành trong cả nước có đền thờ Hùng Vương và các tướng lĩnh thời đại Hùng Vương cũng làm lễ dâng hương, tri ân công đức các bậc tiền nhân có công mở núi, đắp nền, dựng nên bờ cõi.

Những năm qua, nhiều dự án trong Khu di tích lịch sử đền Hùng đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo hoặc xây dựng mới như Đền Thượng, Đền Trung, Đền Giếng, Đền Hạ, Chùa Thiên Quang; cảnh quan sân vườn; cải tạo hệ thống đường bậc lên xuống các đền trên núi Nghĩa Lĩnh; xây dựng mới đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ và đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân; các hạng mục thuộc khu trung tâm lễ hội; các công trình hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan; dự án phát triển Rừng Quốc gia Đền Hùng đã cơ bản hoàn thành. Các dự án đã tạo cho Đền Hùng diện mạo linh thiêng, bề thế, xứng đáng là Di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia, nơi thờ cúng Tổ tiên của người Việt Nam.

Nghệ nhân hát Xoan tại Lễ hội đền Hùng

Từ nguồn kinh phí của Nhà nước và nguồn xã hội hóa, tỉnh Phú Thọ cũng thực hiện khôi phục, tu bổ các di tích tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thuộc các xã vùng ven Đền Hùng và trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo không gian thiêng cho quần chúng nhân dân thực hành, tổ chức các nghi lễ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đúng với nghi thức truyền thống. Đề tài khoa học “Điều tra, nghiên cứu phục dựng và chuẩn hóa nghi lễ thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UBND tỉnh phê duyệt là căn cứ chuẩn hóa nghi lễ thờ cúng Hùng Vương để thực hành tại các di tích thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và các di tích thờ cúng Hùng Vương trên cả nước. Khu di tích đã phối hợp với Viện nghiên cứu Hán Nôm điều tra, nghiên cứu nguồn thư tịch như sắc phong, ngọc phả, thần tích tại các di tích thờ Hùng Vương, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn 10 tỉnh phía Bắc đồng thời cùng các ngành liên quan tiếp tục khôi phục và tổ chức tốt một số lễ hội dân gian liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như: Lễ hội Trò Trám, lễ hội làng He, lễ rước vua về làng ăn tết, lễ rước ông Khiu bà Khiu, lễ hội Ném chài, lễ Hạ điền và tín ngưỡng phồn thực, lễ Dâng bánh chưng - bánh dày.

Để phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, thời gian tới, Phú Thọ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình quốc gia về “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” với phương châm: Vừa huy động sự tham gia tối đa của cộng đồng trong việc giữ gìn, sáng tạo và chuyển giao di sản, vừa nâng cao năng lực quản lý của chính quyền các cấp trong việc bảo vệ di sản, để việc bảo tồn Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành hình mẫu trong công tác quản lý, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được hình thành và kết tinh trong tâm thức người Việt và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên một giá trị riêng có. Tín ngưỡng ấy đã, đang và sẽ luôn sống trong lòng mỗi người dân, trong cộng đồng với một vị trí quan trọng, vừa thiêng liêng, vừa cụ thể - đó là điểm tựa tinh thần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tiến trình dựng nước và giữ nước.

 Lưu Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rực rỡ đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam

Đông đảo người dự lễ hội điện Huệ Nam (điện Hòn Chén) đã tham gia lễ rước bộ từ Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo (352 Chi Lăng, TP. Huế) lên Nghinh Lương Đình trước khi xuống thuyền để di chuyển lên điện.

Rực rỡ đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam
Lễ hội điện Huệ Nam năm nay sẽ có đoàn rước bộ

Đoàn rước đường bộ xuất phát từ 352 Chi Lăng để di chuyển lên Nghinh Lương Đình. Cùng lúc, đoàn thuyền xuất phát từ 352 Chi Lăng lên bến Nghinh Lương Đình chờ để nhập đoàn đường bộ rước Mẫu lên điện Huệ Nam.

Lễ hội điện Huệ Nam năm nay sẽ có đoàn rước bộ

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top