ClockThứ Bảy, 20/11/2021 06:45

Tình cảm thầy cô quyết định thành công dạy học trực tuyến

TTH - Trao đổi với Thừa Thiên Huế Cuối tuần dưới góc độ chuyên gia tâm lý và cũng là giảng viên, TS. Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý và Giáo dục, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế khẳng định dạy học trực tuyến có nhiều khó khăn và sự đầu tư cho bài giảng trực tuyến vất vả hơn rất nhiều. Tuy nhiên, sự tâm huyết, tình cảm của thầy cô với học trò mới là điều quyết định.

17 phường, xã ở TP. Huế học sinh chuyển sang học online từ ngày 8- 10/11Địa phương chưa phong tỏa vẫn dạy và học trực tiếpĐẩy nhanh chuyển đổi số trong công tác quản lý, đào tạo

TS. Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý và Giáo dục, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế

Theo TS. Nguyễn Thanh Hùng, thường thì yêu thương thầy cô, học sinh cũng thích và chờ đợi đến giờ học của họ. Kết nối cảm xúc thầy - trò, làm sao để học sinh yêu thích giáo viên và cuốn hút vào bài học là yếu tố đặc biệt. Không chỉ cần nghiệp vụ giảng dạy mà giảng viên, giáo viên phải biết kiểm soát cảm xúc từ khâu thiết kế bài giảng đến quá trình giảng dạy, đó là chiến lược. Và, nếu yêu thương học trò, tâm huyết và hăng say với bài dạy, các thầy cô đều có thể làm tốt.

Chuyển từ giảng dạy trực tiếp sang trực tuyến khác biệt thế nào về kết nối cảm xúc của giảng viên, giáo viên với sinh viên, học sinh, thưa TS?

Dù dạy học trực tiếp hay trực tuyến thì việc kết nối cảm xúc giữa người dạy và người học cũng quan trọng để tạo động lực, mức độ hưng phấn, sự gắn kết trong lớp học. Ở tất cả bậc học, càng kết nối được cảm xúc tốt giữa giáo viên và học sinh trong dạy học sẽ tạo được môi trường đầy hứng khởi để học sinh tích cực, hăng say tham gia vào bài học.

Kết nối được cảm xúc làm cho không khí buổi học không còn khoảng cách, mọi người hòa chung vào môi trường, đó chính là sự chia sẻ, tiếp nhận, sự trao đổi để giáo viên hiểu học sinh hơn và để học sinh có thể tiếp nhận được kiến thức mà giáo viên truyền dạy trong trạng thái thoải mái và thuận lợi nhất.

Khi chuyển từ dạy trực tiếp sang dạy trực tuyến, chắc chắn có sự khác biệt rất nhiều. Nếu như dạy trực tiếp giáo viên có thể chủ động nắm bắt mức độ hiểu bài, sự say mê, tập trung chú ý vào bài dạy của học sinh để kịp thời điều chỉnh phương pháp thì với hình thức dạy trực tuyến, để nắm bắt những biểu hiện đó vô cùng khó, vì chỉ nắm bắt được qua camera. Trong nhiều trường hợp, có khi lại gặp vấn đề trong khâu kết nối, mạng chập chờn, nhòe màn hình, không rõ âm thanh, đó là rào cản lớn trong khâu kết nối và dạy học trực tuyến.

Nghĩa là dạy học trực tuyến giáo viên cũng gặp áp lực không nhỏ?

Không chỉ học sinh căng thẳng mà giảng viên, giáo viên cũng dễ bị rơi vào trạng thái căng thẳng khi dạy online, bởi họ không chỉ đối diện với học sinh, với áp lực thời gian, thay đổi ứng dụng công nghệ, đặc biệt là áp lực với phụ huynh và với chính cảm xúc của bản thân mình.

Kết nối cảm xúc trong giờ dạy trực tiếp hay trực tuyến đều quan trọng

Thực ra, khi dạy online, nhiều giáo viên gặp các vấn đề dễ ảnh hưởng đến cảm xúc trực tiếp, như kết nối mạng ngắt quãng; học sinh không kịp tắt mic để lọt vào những âm thanh bị xáo trộn từ phụ huynh, từ bên ngoài… Thậm chí, một số trường hợp còn nghe cả tiếng đánh giá, lời chê của phụ huynh về giáo viên hoặc những âm thanh, hình ảnh không phù hợp trên lớp học.

Thêm vào đó, thiết kế bài dạy online khó hơn rất nhiều lần bài dạy trực tiếp. Giáo viên phải biết chắt lọc nội dung, thiết kế bài dạy theo hình thức dạy học mới và phải ứng dụng công nghệ nhiều. Sự đầu tư công sức và thời gian lớn hơn, không thể tránh khỏi những áp lực.

Có bí quyết nào để giáo viên giải tỏa căng thẳng khi dạy trực tuyến?

Nếu học sinh thích và thương thầy cô, các em sẽ thích và chờ đợi đến giờ học của họ. Ngược lại, để học sinh, sinh viên yêu thương, thiện cảm với giáo viên, trước tiên mình phải thương học trò.

Khi có sự tâm huyết, dành tình cảm yêu thương, thầy cô không chỉ quan tâm đầu tư thiết kế bài giảng mà còn chú ý đến cảm xúc của mình để chủ động giải phóng căng thẳng, kéo gần khoảng cách trong lớp học. Tình cảm người thầy là bí quyết lớn nhất để xua tan mọi khó khăn. Tình cảm đó sẽ giúp họ quên đi mệt mỏi, say mê nội dung bài dạy, dành nhiều thời gian, tình cảm cho bài dạy. Đó cũng là động lực để họ tìm cách thiết kế bài dạy phù hợp với học sinh của mình.

Khi có sự chuẩn bị tốt trong thiết kế bài dạy, kết nối được cảm xúc thầy - trò, học sinh không chỉ dễ dàng tiếp thu kiến thức mà còn dễ dàng biểu thị cảm xúc. Điều đó có tác động trở lại, tạo thuận lợi cho giáo viên có thể nắm bắt được biểu hiện của học sinh là có hiểu bài không, có căng thẳng, mệt mỏi không, mức độ tiếp thu thế nào để giáo viên kịp thời điều chỉnh phương pháp tác động của mình.

Theo TS, đâu là giải pháp tốt để dạy trực tuyến hiệu quả?

Để tạo hiệu quả cho dạy học trực tuyến, mỗi giáo viên cần có chiến lược hợp lý. Đầu tiên, giáo viên phải chuẩn bị về tâm thế, tâm trạng vui vẻ nhất trước khi vào bài giảng, đồng thời cần chuẩn bị hình ảnh bên ngoài, từ trang phục, biểu hiện nét mặt vui vẻ.

Thứ hai là, phải chuẩn bị khâu khởi động, bởi vì dạy học online đã quá căng thẳng, nhàm chán. Khi giáo viên chuẩn bị hoạt động khởi động vui nhộn, càng hứng thú, sẽ dẫn dắt học sinh, sinh viên vào bài giảng, giúp các em hồ hởi đón nhận kiến thức mới. Tiếp theo là cần khai thác sức mạnh từ camera, đó là kênh duy nhất kết nối cảm xúc, cần quan sát biểu hiện của học sinh để kịp thời điều chỉnh.

Một nội dung nữa là giáo viên cần thiết kế bài dạy sinh động và kết nối đa giác quan. Nếu dạy học trực tiếp rất thuận lợi để tổ chức các hoạt động thì dạy học trực tuyến việc thiết kế các hoạt động rất khó. Giáo viên cần thiết kế bài dạy sinh động, kết nối hình ảnh, video, bài tập sinh động. Giáo viên phải thiết kế nội dung bài dạy, lôi cuốn học sinh từ dạy, từ nghe… cùng lúc học sinh huy động nhiều giác quan.

Giáo viên cũng luôn đặt câu hỏi gợi mở để thu hút học sinh và khuyến khích các em chủ động có cơ hội trả lời. Đồng thời, cho các em được nói thể hiện quan điểm, hòa chung vào bài học. Nếu chỉ truyền thụ kiến thức một chiều mà không cho các em tham gia vào quá trình thảo luận, tranh luận thì không hiệu quả. Trong thiết kế bài dạy, nên lồng ghép một số bài tập dưới dạng các trò chơi, có thể khai thác lợi thế phần mềm thiết kế câu hỏi động để học sinh vừa tiếp thu kiến thức, vừa có thể vui chơi thông qua các câu hỏi đó.

Giáo viên cũng không nên quá gò bó về mặt thời gian. Có thể điều chỉnh thời gian linh động, giảm tối thiểu sự căng thẳng, mệt mỏi khi học sinh phải tập trung vào màn hình máy tính, điện thoại và cần tạo sự hài hước, mang lại sự hứng thú cho học sinh, có thể lồng ghép kể những câu chuyện, trò chơi.

Sự kết nối giữa thầy và trò trong dạy học trực tuyến chủ yếu thông qua giọng nói. Giọng nói là khả năng bẩm sinh, nhưng giáo viên có thể chú ý 3 điểm để thay đổi: Tốc độ nói, cường độ nói và sự biểu cảm. Dạy học online chỉ có kênh duy nhất là nhìn và nghe qua camera. Phải làm sao để học sinh nghe, thấy bài giảng thực sự hấp dẫn.

Tất nhiên, để thực hiện các việc trên là điều không đơn giản, đòi hỏi công sức đầu tư của giáo viên rất lớn. Nhưng nếu giáo viên thực sự yêu thương, tâm huyết với học trò của mình thì sẽ làm được.

Xin cảm ơn những chia sẻ của TS!

HỮU PHÚC (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bổ nhiệm 2 Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh

Ngày 2/4, Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tối cao phối hợp với Viện KSND tỉnh tổ chức công bố các quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh. Các quyết định này có hiệu lực 5 năm, kể từ ngày 1/4/2024.

Bổ nhiệm 2 Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh
Công bố quyết định thành lập Trường Cao đẳng Huế

Chiều 15/3, UBND tỉnh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Trường Cao đẳng Huế theo Quyết định số 147 ngày 05/2/2024 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH); đồng thời, công bố và trao các quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng nhà trường.

Công bố quyết định thành lập Trường Cao đẳng Huế
Cậu học trò năm ấy

Xuân ngẩng đầu lên nhìn tôi rồi ngoảnh mặt đi nơi khác. Nhiều lần tôi cố tình nhìn chăm chăm về phía Xuân để cậu ta không còn “cơ hội” đánh lảng sang hướng khác. Vậy mà dường như đoán biết được lúc nào là có ánh mắt của tôi đưa xuống chỗ ngồi của mình, khi thì cậu cúi mặt xuống, khi thì cậu nhìn mông lung ra cửa sổ, nơi có cây khế sai quả của nhà bác cai trường.

Cậu học trò năm ấy
“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

TIN MỚI

Return to top