ClockThứ Năm, 27/01/2022 14:00

Tình người ở bệnh viện dã chiến Hương Sơ

TTH - Không may trở thành F0, có những nhân viên y tế đã không chọn cách nghỉ ngơi trọn vẹn mà vẫn tích cực hỗ trợ đồng nghiệp chăm sóc F0 mỗi khi có thể. Điều dưỡng Phan Thị Thanh Thúy (Bệnh viện dã chiến Hương Sơ) là một trong số đó.

Bên trong Bệnh viện dã chiến Hương Sơ

Chị Thúy (đeo khẩu trang) hỗ trợ đồng nghiệp chăm sóc bệnh nhân COVID-19

“Thay cho những âm thanh khô lạnh đặc trưng của phòng cấp cứu, là những tiếng cười, những lời hỏi han nhẹ nhàng, những câu nói đùa giữa người chăm sóc F0 và các F0. Nhưng đặc biệt ở đây, những người chăm sóc, thăm khám cho F0 là những bác sĩ, điều dưỡng ở các đơn vị khám chữa bệnh khác không may trở thành F0 vào điều trị nội trú tại bệnh viện. Họ không thể thờ ơ, họ luôn nhớ lấy sứ mệnh cứu người của mình. Và họ đã đứng dậy, tình nguyện tham gia vào việc chăm sóc, thăm khám, theo dõi các F0 nặng diễn biến đang nằm xung quanh và hỗ trợ việc cứu chữa cho người dân cả thể xác lẫn tinh thần”... Đó là không khí của một ngày bình thường như nhiều ngày tại khu vực hồi sức cấp cứu Bệnh viện thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 Hương Sơ, được một bác sĩ xúc động ghi lại và lan tỏa.

Bệnh viện thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 Hương Sơ là một trong những bệnh viện dã chiến đầu tiên của Thừa Thiên Huế được kích hoạt để ứng phó với tình hình dịch bệnh. Hiện nay, cơ sở y tế này là nơi thu dung, điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng của tỉnh, nhằm giảm một phần áp lực cho tuyến cuối là Bệnh viện Trung ương Huế.

F0 là bác sĩ hỗ trợ bệnh nhân COVID-19

Chị Phan Thị Thanh Thúy là Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện Phổi Thừa Thiên Huế - nơi là một phần của Bệnh viện dã chiến Hương Sơ. Chị trở thành F0 ở thời điểm TP. Huế căng mình kiểm soát dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng. Tuy không phải là F0 có biểu hiện bệnh nặng, nhưng chị Thúy cũng có những triệu chứng đặc trưng của COVID-19 nên thu dung, điều trị ngay tại cơ sở y tế chị đang công tác. Trở thành bệnh nhân của đồng nghiệp mình, nhưng chị Thúy không hoàn toàn dành thời gian theo dõi, điều trị COVID-19 để nghỉ ngơi. Là một bệnh nhân có những biểu hiện rõ của COVID-19, nhưng chị Thúy vẫn thấy mình “bình thường” khi chỉ sốt nhẹ, nhức đầu, mất khứu giác và mệt mỏi. Vậy nên chị vẫn tranh thủ mọi lúc có thể để hỗ trợ đồng nghiệp chăm sóc bệnh nhân, kể cả việc đón bệnh.

Xem những hình ảnh các nhân viên y tế tại Bệnh viện dã chiến Hương Sơ đón một bệnh nhân COVID-19 nặng, khó ai có thể nhận ra một F0 khác là chị Thúy cũng trong bộ blouse trắng tham gia cùng đồng nghiệp đón bệnh. “Công việc bình thường của một nhân viên y tế đã quá vất vả, sao chị không dành khoảng thời gian này để nghỉ ngơi?”. Chị cười đơn giản: “Từ bản thân mình mà suy ra người khác thôi. Mình bị bệnh, cũng rất muốn được người khác quan tâm hỗ trợ nếu có thể. Ở đây, có một số ít trường hợp là F1 được theo chăm F0 đặc biệt và những F0 khỏe hơn vẫn sẵn sàng giúp đỡ người khác, thì huống chi là mình nhân viên y tế, có chuyên môn, thấy đồng nghiệp vất vả lại không giúp”.

Trong câu chuyện chị Thúy chia sẻ, nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng là khu vực có nguy cơ lây nhiễm rất cao, nhưng không vì thế mà ai nấy đều chỉ biết khư khư trong chiếc áo giáp của riêng mình. Nhiều người rất dễ thương và chính họ đã lan tỏa tinh thần sẻ chia, đoàn kết và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau chiến thắng COVID-19. “Một số trường hợp F0 đặc biệt có F1 đi cùng để chăm sóc. Những F1 đó và cả những F0 đã khỏe hơn đều sẵn sàng giúp đỡ người yếu hơn ở trong phòng. Xúc động nhất là có những F1 họ không chút nề hà, sẵn sàng chia sữa, đút cháo và cả việc vệ sinh cho F0 không phải là người thân của họ. Một số F1 còn tình nguyện giúp sức bằng cách quét dọn, lau chùi sàn nhà phòng bệnh, hành lang, nhà vệ sinh hằng ngày sạch sẽ… “Trong hoàn cảnh này, mình cảm nhận dường như mọi ranh giới không có, chỉ là ai khỏe hơn thì giúp đỡ người yếu hơn, bất kể là ai. Tinh thần vì người khác của mọi người cao vậy, mình là nhân viên y tế, sao có thể thấy đồng nghiệp vất vả mà không chia sẻ. Việc gì làm được thì mình vẫn làm thôi. Dù sao mình cũng là F0, điếc thì có nghe tiếng súng mô nữa mà sợ”, chị cười giòn.

Sau 10 ngày “chuyển trạng thái” làm bệnh nhân, chị Thúy đã bắt đầu trở lại nhịp sống bình thường với những ngày theo dõi tại nhà. Trước thềm năm mới, chị bày tỏ: “Mong mọi người, mọi nhà luôn bình an, luôn nhớ 5K để an toàn phòng dịch và vui tết trọn vẹn”.

Bài: Đồng Văn

Ảnh: Chụp qua camera do bệnh viện cung cấp

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện

Ngày 24/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế tổ chức lễ ra viện cho bệnh nhân (BN) Phạm Q.T.. Đây là trường hợp ghép tim thứ 11 và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 10 tại đơn vị.

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện
Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

Sáng 20/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin đang tiếp nhận điều trị một nam bệnh nhân bị sốt rét tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Đây là trường hợp sốt rét ngoại lai thứ hai tại địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola
Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia

Ngày 17/4, Trung tâm Huyết học Truyền máu – Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt Đại học Huế, Ngân hàng Máu sống Cố đô và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho các bệnh nhân Hemophilia.

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia
Thủ tướng làm việc với Bệnh viện Trung ương Huế, khảo sát dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Chiều tối 6/4, làm việc tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác tham quan cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ điều trị tại Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế; thăm, tặng quà hai ca ghép tạng xuyên Việt mới đây đang được theo dõi sau phẫu thuật.

Thủ tướng làm việc với Bệnh viện Trung ương Huế, khảo sát dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

TIN MỚI

Return to top