ClockChủ Nhật, 11/10/2020 07:53

Tình người trong lũ dữ

TTH.VN - Lũ dữ, phương tiện liên lạc bị gián đoạn, tưởng chừng chơi vơi trong lũ thì may mắn thay, gia đình tôi đã nhận được sự giúp đỡ của những người hàng xóm tốt bụng, những anh bộ đội đáng mến…

Huy động trên 3.000 cán bộ, chiến sĩ giúp dân chạy lũẤm lòngẤm lòng ngày mưa lụt

Ban CHQS TP. Huế có mặt ở các điểm ngập lụt sâu để giúp đỡ, và động viên người dân

Tôi vừa mới dọn xong mấy thứ lặt vặt thì nước lên cuồn cuộn, quay đi quay lại nước đã trên mắt cá chân, ngoài trời thì mưa không ngớt. Quớ, không biết làm thế nào với một đống đồ đạc ngổn ngang, tôi lấy vội chiếc điện thoại để điện xem chồng có thể xin về nhà vài tiếng kê đồ đạc lên cao được không thì nhìn lại máy hết pin, tắt nguồn vì đã hơn một ngày bị cúp điện.

Tôi nghĩ bụng, chắc chỉ biết ngồi cầu trời nước đừng dâng thêm nữa vì nhà chỉ có hai dì cháu với đứa con nhỏ thì làm sao đưa cái tủ lạnh, máy giặt,… nặng trịch lên trên cao. Trời thì mưa như trút, nước ngoài đường lút sâu có kêu cũng chẳng ai nghe mà giúp. Bỗng nghe tiếng gọi của mấy chú hàng xóm dồn dập ngoài cổng. “Mấy mẹ con cháu thế nào rồi, đã dọn dẹp được chi chưa, ra mở cửa để mấy chú vô khiêng đồ giúp”.

Người bưng gạch, người kê bàn, mấy chú nhanh chóng đưa các đồ đạc có giá trị trong nhà lên cao.

“Chú biết chơ, thằng chồng mi thì bận đi làm nhiệm vụ, răng rồi mấy mẹ con cũng tự xoay xở nên chú gọi thêm mấy đứa vô coi tình hình mà phụ giúp kẻo đồ đạc ngâm nước là hư hết. Máy hết phin rồi đúng không, để chú điện báo chồng cháu một tiếng cho hắn yên tâm, tí nước lên cao thì bồng con lên gác xép ngồi nghe chưa, phụ nữ, con nít đừng có ở dưới ni mà nguy hiểm, ” chú Thanh hàng xóm không quên dặn dò.

Gần tối, chồng tôi cũng tranh thủ lội nước ghé nhà xem mấy mẹ con thế nào, nhưng khi về đến nhà thì nước đã lên gần đầu gối, nước lên quá nhanh, thấy tình hình không ổn nên chồng tôi quyết định “sơ tán” mấy mẹ con lên nhà dì ở trên thành phố cho yên tâm.

Tiếp tục nhận được sự giúp sự hỗ trợ của hàng xóm, cả gia đình cũng vượt qua đoạn nước sâu trước cửa nhà để ra đường chính. Đi được một đoạn qua cầu chợ Dinh thì đường Nguyễn Sinh Cung cũng bị ngập sâu, cả gia đình tiếp tục bồng bế, dắt nhau lội nước. Đang nghĩ cảnh bồng con đi bộ lội nước thì không biết lúc nào tôi mới đến nhà dì ở Đường Trần Cao Vân, rồi chưa kể đến những cơn mưa to như trút nước có thể xuất hiện bất cứ lúc nào thì nghe tiếng nói lớn từ phía sau: “Dừng xe lại hỏi xem, có trẻ em với phụ nữ lội nước, chắc đi sơ tán”, của mấy chú bộ đội. Đúng là mừng hơn “bắt được vàng”, vậy là mấy mẹ con, dì cháu được “hốt” lên xe UAZ của Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Huế vượt lũ đi sơ tán.

Kịp thời giúp dân sơ tán

Sau khi “gửi gắm” gia đình cho mấy chú bộ đội, chồng tôi lại tất tả đi làm nhiệm vụ và không quên dặn, mấy mẹ con lên đến nhà của dì thì xạc điện thoại điện cho ba yên tâm nhé.

Ngồi trên xe UAZ vượt mấy km đường ngập nước, có những đoạn ngập rất sâu, tôi thấy mình thật may mắn, nếu không có những lực lượng như bộ đội, dân quân, công an… vượt lũ, ngày đêm đi làm nhiệm vụ thì làm sao tôi có thể nhận được sự giúp đỡ kịp thời như vậy. Nghĩ đến cảnh bồng con đi bộ lội nước thì có lẽ không biết lúc nào tôi mới đến nơi.

ặc dù mới chuyển về xóm được chưa đầy 3 tháng, lại là dân tỉnh khác đến nhưng sự chia sẻ, quan tâm, giúp đỡ kịp thời của những người hàng xóm tốt bụng trong lúc thiên tai hoạn nạn thật sự làm tôi cảm động và trân quý biết nhường nào. Nó cũng làm tôi nhớ lại những ngày “chạy lũ” ở quê khi còn nhỏ. Vì xóm trũng nên cứ mỗi trận lũ về, cả xóm lại tập trung ở nhà hai tầng duy nhất của xóm. Không những sẵn sàng mở cửa cho mọi người trú lụt mà chủ nhà sẵn lòng đưa lương thực, thực phẩm dự trữ của gia đình ra san sẻ cùng mọi người. Trong trí nhớ của tôi, những bữa "cơm tập thể" ấy thật vui và ấm cúng biết bao.

Tình người là thế, một miếng khi đói, một cánh tay sẵn sàng chìa ra khi ai đó hoạn nạn, khó khăn, sự chia sẻ trong lúc này thật đáng trân quý.

Bài, ảnh: Thảo Vy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bộ đội “cõng phim” về vùng sâu, vùng xa

Đội chiếu phim lưu động Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã không quản ngại khó khăn, lặn lội đến vùng sâu, vùng xa và doanh trại quân đội tổ chức hàng trăm buổi chiếu phim phục vụ nhu cầu giải trí của cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Bộ đội “cõng phim” về vùng sâu, vùng xa
Tặng 200 lá cờ Tổ quốc và tuyến đường hoa, vườn hoa thanh niên

Ngày 16/3, Ban Thường vụ Huyện đoàn, Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Phú Lộc phối hợp với Đoàn TNCSHCM Bộ đội Biên phòng tỉnh; Đoàn Học viện Âm nhạc Huế; Khoa Luật hành chính - Đại học Luật- Đại học Huế tổ chức chương trình hoạt động “Tháng thanh niên, tháng Ba biên giới” và ra quân hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh năm 2024.

Tặng 200 lá cờ Tổ quốc và tuyến đường hoa, vườn hoa thanh niên
Tiếp lửa truyền thống cho chiến sĩ mới

Chiều 14/3, đoàn công tác của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh do Đại tá Phạm Tùng Lâm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh làm trưởng đoàn đã đến thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện- Cơ động và nói chuyện truyền thống với 115 chiến sĩ mới (CSM) đang được huấn luyện tại đơn vị.

Tiếp lửa truyền thống cho chiến sĩ mới
Nhiều hoạt động ý nghĩa “Tháng Ba biên giới”

Ngày 10/3, tại xã Lâm Đớt, huyện biên giới A Lưới, Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh; Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt và Báo Người Lao động tổ chức chương trình “Tháng Ba biên giới” với nhiều hoạt động ý nghĩa. Hơn 300 người dân, đoàn viên, thanh thiếu nhi huyện A Lưới và cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên BĐBP tỉnh tham gia chương trình.

Nhiều hoạt động ý nghĩa “Tháng Ba biên giới”
Return to top