ClockThứ Năm, 17/09/2015 17:42

Tính nhân văn từ một dự án

TTH - Tập bơi và trang bị kỹ năng sống cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu là dự án do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp Tổ chức Norwegian Church Aid (NCA) thực hiện với mục đích xây dựng phong trào học bơi, một kỹ năng sống thiết yếu ở những cộng đồng, nơi mà kiến thức an toàn nước, kỹ năng bơi lội và sơ cấp cứu rất cần thiết, nhất là đối với nhóm dễ bị tổn thương, trẻ em trong độ tuổi tiểu học.
Học sinh tiểu học trong dự án tham gia thi bơi

Dự án là một trong những can thiệp về giảm nhẹ rủi ro thiên tai thuộc Chương trình thích ứng biến đổi khí hậu của NCA đang triển khai tại Thừa Thiên Huế. Với sự phối hợp của NCA và Huehelp, hai năm gần đây dự án được triển khai đến nhiều trường học trong tỉnh. Riêng năm học qua, có 25 trường tiểu học tham gia. Việc tập bơi cho các em bắt đầu từ những khóa tập huấn cho cán bộ giáo viên, sau đó là những đợt khảo sát thực tế, tìm điểm tập bơi với sự hướng dẫn của chuyên gia người Anh,. Trong vai trò người hưởng lợi, Sở GD&ĐT đã tổ chức đội ngũ giáo viên tham gia các lớp tập huấn để có đội ngũ giáo viên dạy bơi đúng kỹ thuật trong trường học.

Thừa Thiên Huế là vùng đất nhiều đầm phá, sông ngòi và 120 km bờ biển, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt, thiên tai nước. Năm 2009, Tổ chức NCA nghiên cứu về biến đổi khí hậu và phát hiện tỉnh ta thuộc địa phương có điều kiện khí hậu bất thường, khó dự đoán, càng ngày mùa đông sẽ càng dài, nhiều mưa, bão, lũ. Bên cạnh đó, do hệ thống sông nước khá chằng chịt, tỷ lệ trẻ đuối nước của tỉnh cũng khá cao. Sống trong điều kiện như thế, nhưng tỷ lệ người biết bơi, nhất là độ tuổi tiểu học rất thấp. Số người biết bơi cũng không được trang bị kỹ năng, kỹ thuật cá nhân, càng không có khả năng sơ cấp cứu…Đây cũng là tình trạng chung ở giáo viên, kể cả giáo viên vùng đầm phá. Khảo sát một số đơn vị cho thấy, giáo viên, học sinh nếu biết bơi cũng vẫn thiếu tự tin trong môi trường nước và thường chỉ bơi được khoảng 10 mét...
Ông Phan Văn Hải, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT), Phó Giám đốc dự án cho biết, hiện trong nhà trường không có chương trình dạy bơi cũng như chưa có lớp phổ cập bơi. Vì thế, nhân có dự án, Sở GD&ĐT chọn những trường tiểu học nằm sâu trong vùng sông nước để triển khai việc dạy bơi và kỹ năng sống vùng sông nước cho học sinh. Được tài trợ kinh phí cũng như trang thiết bị phục vụ dạy bơi khá đầy đủ nên việc tổ chức lớp dạy bơi trong dự án thuận lợi. Theo địa hình, đa số điểm bơi được khảo sát bảo đảm về môi trường nước và tính an toàn để tạo sự an tâm cho phụ huynh và tự tin cho trẻ. Không chỉ các lớp dạy bơi mà cả các khóa tập huấn của giáo viên cũng được NCA và Huehelp giám sát nên chất lượng được đảm bảo về kỹ thuật cũng như thời lượng. Các khóa học còn lồng ghép kỹ năng sống trong môi trường sông nước, khi có thiên tai với những kỹ năng sơ cứu cho mình và người xung quanh khi có thiên tai cũng như gặp tai nạn đuối nước…Sau mỗi khóa học, các em có khả năng bơi từ 10 đến 30 mét trong vùng nước mở (sông, hồ, biển, đập…), kỹ năng cứu đuối nước và sơ cấp cứu, ý thức được thiên tai, biến đổi khí hậu, những ảnh hưởng ở cụm dân cư. Nhờ vậy, hầu hết các em đều nắm được những thông số cơ bản về kỹ thuật bơi, về sơ cấp cứu và hơn hết, các em đều biết bơi…
Trong khuôn khổ dự án, Thừa Thiên Huế có một lực lượng giáo viên dạy bơi do chuyên gia nước ngoài đào tạo. Ông Phan Văn Hải, cho biết: “Trong gần 2.100 học sinh của 25 trường tiểu học trên địa bàn tham gia dự án đã hoàn thành khóa tập bơi với những kỹ năng cơ bản để phòng tránh đuối nước như mục tiêu đã đề ra. 100% học sinh nắm được các thao tác của các kiểu bơi phổ biến, như bơi ếch, trườn, sấp, ngửa, các kiểu nổi… và đa số các em bơi được trên 10 mét. 100% trẻ nắm được kỹ năng cứu đuối và nắm khá tốt kiến thức về giảm nhẹ rủi ro thiên tai”. Ông Hải cũng cho rằng, trong quá trình dạy, đội ngũ giáo viên còn phát hiện một số năng khiếu bổ sung cho môn bơi lội của học sinh tham gia các hoạt động TDTT của ngành. Cái được hơn hết là đánh động đến không chỉ phụ huynh các vùng sông nước mà hầu hết phụ huynh có con em trong độ tuổi về ý thức phải trang bị kiến thức cứu đuối cho con em. Các em tham gia dự án hình thành một số kỹ năng cơ bản về bơi lội, giúp các em tự tin trong môi trường thiên tai. Đồng thời, trong trường lớp, trước bạn bè các em cũng chủ động, tự tin và mạnh dạn trong học tập, hăng hái trong hoạt động tập thể, hoạt động ngoài giờ
Theo đánh giá của các trường tham gia dự án, việc dạy bơi cho học sinh đã có những thành công, nhưng để nhân rộng mô hình, các phòng GD&ĐT cần chủ động tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên thể dục và các khóa dạy bơi cho học sinh. Việc nhân rộng này chắc chắn sẽ gặp khó khăn khi hầu hết các bể bơi đều tập trung tại Huế hoặc trong các trường trung học phổ thông. Việc tổ chức các điểm dạy bơi theo dự án trong môi trường mở cần được trang bị dụng cụ, đòi hỏi phải có kinh phí. Tuy nhiên, nếu tuyên truyền rộng đến phụ huynh để xã hội hóa mô hình dạy bơi trong trường học cho các em học sinh tiểu học trên địa bàn là điều mà ngành GD&ĐT các cấp nên nghiên cứu để tìm sự hỗ trợ từ các lực lượng xã hội.
Bài, ảnh: Phước Châu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hợp tác để đào tạo nhân lực du lịch chất lượng

Sáng 20/4, Trường cao đẳng Du lịch Huế (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) làm việc, trao đổi kinh nghiệm và tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội và Trường đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.

Hợp tác để đào tạo nhân lực du lịch chất lượng
“Làm gì cũng cần có sự chuẩn bị trước”

Đó là chia sẻ của ông Võ Quang Huệ, cố vấn cấp cao của Tập đoàn Vingroup đến sinh viên, giảng viên Đại học Huế trong buổi tọa đàm “Dặm đường tôi đi: Hành trình từ BMW, Bosch đến Vinfast” do Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế tổ chức sáng 19/4.

“Làm gì cũng cần có sự chuẩn bị trước”
Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học
Return to top