ClockThứ Ba, 18/10/2016 14:07

Tình quê

TTH - Trong góc toa ghế ngồi cứng chuyến tàu Bắc- Nam (loại ghế ngồi có giá vé rẻ nhất), người phụ nữ áo quần quê kệch có vẻ vất vả giữa bao nhiêu bao bì lỉnh kỉnh.

Chị kể, từ tỉnh Ninh Bình vào Sài Gòn thăm gia đình anh trai. Cứ một lát điện thoại của “chị Ninh Bình” lại đổ chuông. “A lô! Mẹ ăn tối rồi. Mẹ và các thứ đều ổn. Mấy ba con ở nhà đừng lo”. “A lô! Em mới đi qua ga Đồng Hới một lúc chị ạ. Chiều mai đến Sài Gòn gặp nhau nói chuyện nhiều chị nhé”. “A lô! Cháu à. Cô khỏe. Mai gặp nhé. Cô có quà quê cho cháu đây”…

Sau mấy cuộc điện thoại, “chị Ninh Bình” phân trần, gần năm mươi tuổi nhưng đây là chuyến đi xa đầu tiên của chị. Gia đình làm nông, cuộc sống khó khăn, nên hầu như vợ chồng chị không đi đâu ra khỏi lũy tre làng. Vợ chồng người anh trai ở Sài Gòn làm thuê làm mướn, kinh tế cũng chẳng khá giả hơn. Khi cha mẹ còn sống, năm, bảy năm cả nhà anh mới cố gắng một lần về thăm ông bà vào dịp tết. Cha mẹ đã mất, mấy năm nay anh chị chưa về thăm quê. Trong nhịp lắc lư, tiếng xình xịch như vô tận của đoàn tàu, giọng “chị Ninh Bình” như nỗi tâm tư: “Mỗi dịp tết, những cuộc điện thoại của anh chị tôi bao giờ cũng dài lắm. Nào hỏi thăm mồ mả hương khói cho cha mẹ, bà con họ hàng, những người bạn từ thời chăn trâu cắt cỏ. Cả giàn bí, luống rau, những vạt ruộng... Anh tôi bảo, “anh “thèm” quê lắm”. Thôi thì vợ chồng con cái nhà tôi gắng gom góp tiền bạc. Không có dư dả nên ráng đi loại ghế giá rẻ nhất. Miễn vào được Sài Gòn thăm anh chị và các cháu”.

Vậy nên chuyến đi này, vợ chồng con cái “chị Ninh Bình” cẩn thận công phu chuẩn bị bao nhiêu là thứ, từ các loại đậu mè đến gạo thơm nếp dẻo thu hoạch từ vụ mùa mới nhất. Đó là lý do vì sao trong góc toa tàu lỉnh kỉnh bao nhiêu là bao bì. “Vẫn biết ở thành phố cũng không thiếu gạo ngon nếp dẻo, đậu mè…Vẫn biết mang vác đường xa là cồng kềnh vất vả. Nhưng chúng tôi muốn mang hạt gạo, hạt đỗ… trồng trên thửa ruộng nhà mình, để cho anh chị đỡ nỗi “thèm” quê. Các cháu tôi có quà quê thực sự”.

Một người chưa từng quen biết, chỉ gặp nhau trên một chặng đường, bỗng trở nên gần gũi quá, bởi câu chuyện mộc mạc, chân chất mà nặng tình nặng nghĩa. Cái tình quê, tình cảm yêu thương của những người ruột thịt dành cho nhau không còn là chuyện riêng của gia đình “chị Ninh Bình” mà như một món quà khiến bao lữ khách trên chuyến tàu hôm ấy thấy lòng sao ấm áp.

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phương thuốc yêu thương

Không đến nỗi còn sợ hãi khi mắc COVID-19, bởi hầu hết người dân đã được tiêm từ 2- 3 mũi vắc-xin phòng bệnh...

Phương thuốc yêu thương
Nối dài yêu thương

Trên trang facebook cá nhân, tôi thường đăng những tấm hình vui vẻ, phong cảnh đẹp hoặc có ý nghĩa “ghi dấu” nơi đã từng đến. Facebook của tôi để chế độ công khai. Có nghĩa, không chỉ người đã kết bạn mà ngay cả những người không kết bạn vẫn đọc, like (thích), comment (bình luận) được. Tuy nhiên từ trước đến nay, những bài đăng của tôi chỉ có bạn bè like, comment coi như hỏi thăm động viên nhau, thay vì không mấy lúc gặp được nhau, do khoảng cách địa lý hay những bận rộn của cuộc sống.

Nối dài yêu thương
Gieo điều tốt đẹp

Trên tấm kính của tủ mỳ ghi hàng chữ “bánh mỳ 0 đồng, mỗi người 1 ổ”. Nhưng khi bà cụ già nua lưng còng, chống gậy chậm chạp từng bước, các bạn nhanh nhẹn gói ngay 4 chiếc bánh, trao cho cụ.

Gieo điều tốt đẹp
Chung sức chống dịch

Phát huy trách nhiệm của cán bộ ngành kiểm sát, cán bộ, công chức, người lao động Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) hai cấp bằng nhiều hình thức đã nỗ lực, bền bỉ góp sức với cộng đồng trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19.

Chung sức chống dịch
Return to top