ClockThứ Sáu, 17/05/2019 16:26
Đưa kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn:

Tỉnh sẽ “đặt hàng” bằng những chủ đề cụ thể

TTH.VN - Vấn đề này được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định nhấn mạnh tại Hội thảo “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo kiến tạo tương lai” do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức sáng 17/5. Đây cũng là hoạt động ý nghĩa chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5)

Tiếp sức cho trí thức khoa học công nghệ

Các đại biểu tham gia Hội thảo đã bàn luận nhiều nội dung đang được quan tâm trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hiện nay, như: thành tựu nghiên cứu và ứng dụng trong y tế, khoa học và công nghệ với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh với hoạt động khoa học, công nghệ, làm gì đề giúp khoa học và công nghệ phát triển...

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu trao tặng giấy chứng nhận cho tác giả đạt giải cao trong Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ năm 2018

Gian nan

Hành trình gian nan là cách GS. TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đề cập khi bàn đến vấn đề nhiều đề tài khoa học công nghệ được nghiên cứu hoàn thành nhưng tỉ lệ được ứng dụng vào thực tiễn thì lại quá thấp.

Thực hiện chủ trương lấy khoa học và công nghệ là động lực phát triển đất nước, trong những năm qua, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã phối hợp với Đại học Huế, Sở Khoa học và Công nghệ, các sở, ban, ngành và đoàn thể trong tỉnh đẩy mạnh các hoạt động khoa học công nghệ có hiệu quả. Thông qua các hoạt động nòng cốt như Hội thi Sáng tạo kỹ thuật và Giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ, Hội đã huy động được sự tham gia của nhiều đối tượng và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển sáng tạo phát triển sâu rộng  trong đời sống và trong các hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, theo GS.TS Trần Hữu Dàng, các hoạt động sáng tạo khoa học công nghệ của Thừa Thiên Huế vẫn chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, cũng như chưa huy động được sự tham gia của lực lượng sinh viên Đại học Huế vào Hội thi Sáng tạo kỹ thuật và Giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ. Hằng năm, có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được hoàn thành nhưng tỷ lệ đề tài được chuyển giao công nghệ và ứng dụng vào thực tế lại rất khiêm tốn.

Minh chứng điều này, GS.TS Trần Hữu Dàng cho biết trong số gần 200 đề tài nghiên cứu của Đại học Huế được công bố quốc tế trong thời gian gần đây, mới chỉ có một đề tài được chính thức chuyển giao. “Chúng tôi ủng hộ việc công bố quốc tế cho những đề tài nghiên cứu khoa học, nhưng ở góc độ Liên hiệp, vấn đề chúng tôi đặc biệt quan tâm là những đề tài nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống. Từ hàng trăm công trình, đề tài nghiên cứu được thực hiện nhưng chưa được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn cuộc sống cho thấy, hành trình để đưa kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tế còn vô cùng gian nan. Đây cũng là vấn đề cần được lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm để có giải pháp phù hợp”, GS.TS Trần Hữu Dàng bày tỏ.

Mở đường

Tham dự hội thảo, ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá cao những nội dung được bàn thảo và cả những vấn đề được kiến nghị. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói, rất nhiều năm qua, chúng ta đã nói nhiều đến lợi thế của Thừa Thiên Huế là có lực lượng tri thức lớn, nhưng lợi thế ấy đóng góp như thế nào cho thực tiễn kinh tế - xã hội địa phương, thì đó vẫn còn là vấn đề hạn chế. Tỉnh vẫn loay hoay tìm cách làm, trong khi các nhà khoa học lúng túng chọn đề tài phù hợp. Câu chuyện này rõ ràng có trách nhiệm lãnh đạo của tỉnh. Đã đến lúc tỉnh xác định cần thay đổi vấn đề này và thực hiện công tác nghiên cứu khoa học theo hướng bám sát đời sống thực tiễn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định gắn Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Khoa học và công nghệ cho các cá nhân có nhiều đóng góp

Với quyết tâm thay đổi những vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, tỉnh sẽ phải là đơn vị đưa ra các từ khóa, các chủ đề gắn với những vấn đề của tỉnh để đội ngũ trí thức quan tâm và cùng chung tay với tỉnh giải quyết thông qua những đề tài nghiên cứu khoa học. Đối với số lượng đề tài nghiên cứu khoa học đã được thực hiện, sẽ đánh giá lại kết quả đạt được trong những năm trở lại đây, xác định đề tài đã ứng dụng, không ứng dụng và còn khả năng ứng dụng. Việc quản lý và ứng dụng các đề tài sau nghiên cứu cần phải được thực hiện công khai, minh bạch và tuân thủ đúng quy định của Nhà nước.

“Thông qua Sở Khoa học và Công nghệ, cùng các ban ngành, chúng tôi sẽ thay đổi cách làm, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để lực lượng tri thức Thừa Thiên Huế phát huy hết giá trị của tài năng, trí tuệ và đem đến hiệu quả ngay cho phát triển kinh tế xã hội mà tỉnh đang rất cần”, ông Phan Thiên Định nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Đồng Văn

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

Cùng với cả nước, trong tháng 4 này, Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân và tăng tốc thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Với sự trợ giúp từ phần mềm CAPI (một mô-đun phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn thực địa chuyên dụng) trên thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng điều tra viên “tăng tốc” trong quá trình thực hiện điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở
Đầu tư nguồn lực và nhân lực phát triển khoa học công nghệ

Không phải đợi đến lúc thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị mà từ trước đó, Thừa Thiên Huế đã đặt mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ (KH&CN). Cơ sở để hiện thực hóa kỳ vọng này là vì Thừa Thiên Huế có đội ngũ trí thức hùng hậu, có cơ sở hạ tầng, thiết chế về khoa học công nghệ, cơ sở thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đầu tư nguồn lực và nhân lực phát triển khoa học công nghệ

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top