ClockThứ Hai, 20/11/2017 08:36

Tình thầy trò vùng rốn lũ

TTH - “Không cứu sách vở, sau lụt bọn trẻ lấy chi để học?”, tôi đã nghe câu này đến thuộc lòng khi đi qua các trường ở vùng trũng sau lũ lớn...

Tiết học đầu tiên sau lụt của học trò Trường tiểu học Quảng Vinh (Quảng Điền)

Câu chuyện về các thầy giáo La Anh Tuấn và Nguyễn Minh Tuấn ở xã Phú Hồ (Phú Vang) khiến nhiều người cảm động. Do nước lũ bao quanh nên hai thầy phải đón xe từ ngã ba La Sơn đến Trường tiểu học Phú Hồ, có đoạn nước sâu đến ngực. Các thầy đã mất hơn một tiếng rưỡi đồng hồ, lội từ đường vào trường khoảng 3km, sau đó, trong vòng 6 tiếng liên tục đã đưa bàn ghế, sách vở, đồ dùng học tập lên cao. Vẫn chưa yên tâm khi biết học trò không biết bơi, cha mẹ lại bận rộn lo đàn gia súc tránh bị nước lũ cuốn trôi, các thầy lại lội ra đường, thấy em nào ham chơi, lội nước là gọi chúng về... Ba ngày ở trường, áo quần không kịp khô nhưng những người thầy ấy vẫn cười rất vui, bảo rằng đồ của mình hỏng còn có thể mua lại, đồ của trường ướt, lũ nhỏ lấy chi mà học?

Đã có nhiều cô giáo con còn rất nhỏ vẫn nhất quyết đến trường cho bằng được vì học trò vừa nộp vở sạch chữ đẹp, lại không đem cặp về nhà. Thế nên, đã có chuyện, nhiều hiệu trưởng ở các trường phải thông báo khẩn cấp, yêu cầu những giáo viên ở vùng thấp trũng không được đến trường. Cô giáo Lê Thị Loan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quảng Phước (Quảng Điền) chia sẻ: “Tôi vẫn biết họ nôn nóng, nhưng thật sự quá nguy hiểm khi nước bao vây bốn bề, trường học như bị cô lập. Từ đường đến trường có nhiều hố ga, nước chảy xiết, có nơi ngập ngang ngực... lỡ có chuyện gì thì biết làm sao”.

Nhiều giáo viên dầm mình trong nước lũ để dọn dẹp trường, đón học sinh vào học khiến mọi người không khỏi xót xa. Đó là những hình ảnh những thầy giáo ở Hương Phong (Hương Trà) ôm sách vở của học trò ra phơi nắng; những cô giáo của Trường tiểu học số 1 Lộc Trì (Phú Lộc) ngâm mình trong nước để vào trường vệ sinh quét dọn, lau cửa kính... Nhiều trường ở Phong An (Phong Điền) chìm ngập trong bùn, các giáo viên phải dọn lũ liên tục trong mấy ngày liền.

Tại Trường tiểu học số 1 Quảng Phước (Quảng Điền), buổi sáng các em vẫn học nhưng khi ngoài sân nước bắt đầu rút cũng là lúc giáo viên tập trung dọn dẹp sân trường, để ngay trong chiều hôm đó, các em có một buổi chào cờ khô ráo. Nhiều phụ huynh ở các trường đồng cảm với giáo viên, đã cùng với họ dọn lũ ở trường sau ngày mưa lụt. Họ đem cơm vào trường cho giáo viên khi biết có thầy cô cắm lại trường dài ngày với mì gói. Sau lụt, nhiều thầy cô giáo trở về, nhà cửa vẫn còn ngổn ngang vì bị nước tràn vào, các con gởi về nhà ông bà mấy ngày chưa kịp đón, có người gần 200 con vịt đẻ trôi theo dòng nước...

Ở Thủy Thanh (TX. Hương Thủy), những người thầy trở thành bờ vai che chở, nâng đỡ học trò mình khi các em bị mất người thân trong lũ. Hết lũ nhưng chưa phải hết khó khăn. Học trò nghèo có em sẽ không thường xuyên đến lớp, chúng phải ở nhà theo cha mẹ làm thêm để kiếm miếng ăn qua ngày... Các thầy cô lại lặn lội đến từng nhà vận động gia đình, thuyết phục các em tiếp tục tới trường. Càng thấu hiểu cảnh nghèo của học sinh vùng lũ, họ càng thấm thía trách nhiệm với nghề nhiều hơn. "Chắc chắn sẽ không có học sinh nghỉ học do khó khăn", thầy giáo Võ Tuyến, Trưởng phòng Giáo dục Hương Thủy (T.X Hương Thủy) quả quyết. Tôi tin vào điều đó khi những người thầy không chỉ dạy chữ mà còn là người đồng hành của trẻ trên bước đường đi tìm tri thức.

Ngày tôi đến Trường tiểu học Quảng Vinh – Quảng Điền, chứng kiến cảnh những bà mẹ vùng thấp trũng ở thôn Đồng Lâm (Quảng Vinh - Quảng Điền) đưa con đến lớp giao tận tay cô giáo. Cậu bé theo cô giáo vào lớp học, người mẹ mới yên tâm ra về cho kịp buổi chợ. Không nhìn vào dấu nước vẫn còn bám vào bậu cửa, không ai nghĩ, trường học này từng là sông, người dân vào quăng lưới, câu cá trong những ngày mưa lụt.

Trên 590 ngôi trường trên địa bàn toàn tỉnh chìm ngập trong nước nhưng không hư hao về sách vở, đồ dùng học tập quả điều kỳ tích. Trận lụt mà theo nhiều giáo viên ở vùng thấp trũng, chừng chục năm trở lại, mới thấy nước lên nhanh như vậy. Nghĩ rằng nếu không cứu sách vở, đồ dùng thì sau lũ sẽ là những ngày gian khó của trẻ em vùng trũng, vậy nên nhiều thầy cô giáo đã không quản ngại nguy hiểm.

“Không cứu sách vở, sau lụt bọn trẻ lấy chi để học?”, tôi đã nghe câu này đến thuộc lòng khi đi qua các trường ở vùng trũng sau lũ lớn. Tôi nghĩ, chính sự quên mình của bao thầy cô giáo đã mau chóng đưa học sinh vùng lũ nhanh chóng trở lại trường. Những giờ học tiếp tục và trên các sân trường lại cất vang tiếng cười vui của con trẻ, tưởng chừng như chưa hề có trận lụt vừa đi qua...

Bài ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thầy, cô một thuở

Những năm 1980, quý thầy, cô giáo về dạy ở trường làng tôi là những thầy, cô ở Huế và những thầy, cô ở Quảng Bình. Thầy, cô ở khu tập thể ngay trong khuôn viên trường. Đời sống của giáo viên hồi đó khó khăn thì ai cũng biết rồi. Cái thời tem phiếu, thầy, cô hàng tuần phải đạp xe xuống cửa hàng lương thực ở xã Điền Hải cách xã tôi 7km để mua gạo và thực phẩm. Bởi rứa mới có một câu chuyện mà bây chừ kể lại sẽ rất khó tin, nhưng lại là chuyện có thật. Đó là chuyện anh Đ., một học sinh đã phát biểu rằng: “Thầy, cô ăn uống cực quá nên bày ra chuyện cắm trại để học sinh nộp tiền vô có mấy bữa ăn sướng!”. Chuyện đến tai thầy Thương và sau đó nhà trường đã kêu anh Đ. lên nhắc nhở...

Thầy, cô một thuở
Ấm tình quân dân

Để giúp đỡ nhân dân qua cơn hoạn nạn, trong ngày 16/11, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố Huế đã về các vùng trọng điểm để thăm hỏi, động viên, hỗ trợ.

Ấm tình quân dân
Hỗ trợ dân ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất

Ngày 16/11, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu cùng Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã về “rốn lũ” huyện Quảng Điền thăm hỏi người dân, chỉ đạo tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ.

Hỗ trợ dân ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất
Tình quân dân trong mùa mưa bão

Màu xanh áo lính luôn có mặt ở những nơi hiểm nguy để giúp đỡ, hỗ trợ Nhân dân đã trở thành hình ảnh quen thuộc mỗi mùa mưa bão tại Thừa Thiên Huế. Với bản chất kiên cường, dũng cảm của người lính, các anh đã trở thành điểm tựa tinh thần vững chãi giúp bà con vượt qua những khó khăn trong thiên tai.

Tình quân dân trong mùa mưa bão
Return to top